27/03/2011 06:44 GMT+7

Để du khách trở lại Việt Nam

Carl Robinson
Carl Robinson

TT - Tôi là phóng viên chiến trường ở VN trước năm 1975. Sau khi VN thống nhất và mở cửa, tôi cùng người vợ Việt thường xuyên trở lại VN, đi thăm thú nhiều nơi trên đất nước hòa bình và xinh đẹp này.

jyCLTnhA.jpgPhóng to
Tác giả ở Tuy Hòa (Phú Yên) trong tour du lịch tham quan bằng môtô - Ảnh: B.Đ.

Tôi cũng dẫn một số du khách người Úc đi tour do chúng tôi thiết kế và tổ chức cùng với công ty du lịch VN. Tôi thích thú khi đi đến những nơi thật xa trên mảnh đất có nền văn hóa đa dạng, đầy thú vị này.

Ngành du lịch VN đang phát triển vượt bậc và trưởng thành rất nhiều. Mỗi lần trở lại tôi thấy nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới và những dịch vụ du lịch độc đáo: đi bằng môtô vượt mọi địa hình (quad bike) trên đồi cát Mũi Né, di chuyển bằng xe máy từ Đà Lạt lên Tây nguyên rồi đến Hội An, đi môtô phân khối lớn trên quốc lộ 1A từ Nha Trang...

VN hiện đón 5 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, tính ra khoảng 14.000 lượt khách mỗi ngày, một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu chính thức, VN có ít khách du lịch trở lại hơn là Thái Lan hay Indonesia. Tại sao du khách đến một lần và không quay lại?

5H+S

Khách du lịch cần những lịch trình sáng tạo hơn trong khi mỗi công ty đều có những tour du lịch kiểu “5H+S” là TP.HCM, Hội An, Huế, Hà Nội, vịnh Hạ Long và Sapa. Vịnh Hạ Long đông du khách đến nỗi bạn có thể ngửi mùi xăng dầu từ tàu thuyền thay vì không khí trong lành trên biển. Và sáng ra bạn thức dậy giữa một rừng tàu toàn người nước ngoài.

Tôi nghĩ cần lắm những tour du lịch đến những miền đất mới, chưa khai phá để bớt nhàm chán cho du khách thường xuyên đến thăm VN.

Theo kinh nghiệm của bản thân tôi và qua những lần nói chuyện với du khách nước ngoài, chất lượng dịch vụ và sự thân thiện trong cung cách phục vụ ở VN còn chưa tốt.

Người Việt cũng có điểm giống người Úc là không thích phục vụ người khác vì sợ phải hạ thấp phẩm giá của mình. Nếu thế thì họ chỉ cần làm cho du khách cảm thấy được tiếp đón niềm nở là được. Nụ cười và sự lịch thiệp chẳng tốn xu nào cả. Tại sao nhiều người làm ngành du lịch vẫn còn giữ bộ mặt cau có, khó chịu khi đón khách?

Nhiều lần tôi vào nhà hàng vắng vẻ và thấy nhân viên nhắn tin trên điện thoại hay xem TV vặn âm thanh hết cỡ. Lúc đó, tôi muốn nói với họ rằng: “Xin lỗi đã làm phiền anh chị. Chúng tôi chỉ là khách”.

Tôi chắc rằng mỗi du khách đều có ít nhất vài lần gặp phải dịch vụ nghèo nàn và thái độ phục vụ kém ở VN.

Một vấn đề khác là nhiều người làm du lịch còn quá tham lam. Tôi nghĩ mình không quá chủ quan khi nói rằng mỗi du khách bị “chặt chém” ít nhất một lần khi đến VN. Tôi từng nghe một người bán hàng rong nói rằng: “Ông/bà là người nước ngoài nên đủ sức trả mà”.

Tôi chắc rằng sau những lần mua lầm, du khách thường có ấn tượng xấu và phải suy nghĩ lại trước khi mở hầu bao ở VN. Hướng dẫn viên du lịch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp du khách tìm hiều về văn hóa và lịch sử VN.

Điều cần nhất ở một hướng dẫn viên là niềm đam mê công việc và sự hiểu biết rộng, nhưng những điều này còn hiếm gặp ở các hướng dẫn viên. Theo tôi, nhiều hướng dẫn viên cần học hỏi thêm về lịch sử, cập nhật tin tức để trả lời bất kỳ câu hỏi nào, dù có kỳ quặc của du khách.

Ngoài ra, họ cần giúp du khách gặp gỡ những người địa phương. Nói chung họ phải năng động và tìm hiểu xem từng du khách có nhu cầu gì.

VN là một đất nước nhỏ bé nhưng là nơi nhiều du khách muốn đến để thấy tận mắt vẻ đẹp của đất nước này và khám phá càng nhiều nơi càng tốt. Thế nhưng họ chỉ thường “cưỡi ngựa xem hoa” và dễ mệt mỏi vì ít thời gian nghỉ ngơi trong suốt hành trình dài.

Tôi nghĩ có thể tổ chức cho du khách đi thăm một vùng miền nhất định và dừng nhiều nơi để họ được gặp những người dân thường, thậm chí ăn cơm ở nhà dân. Sự hấp dẫn thật sự của VN là yếu tố con người. Hãy cho du khách một trải nghiệm riêng, độc đáo và họ sẽ trở lại để khám phá những vùng miền khác ở lần sau.

Điều cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ là để thu hút khách nước ngoài hãy làm cho đất nước các bạn sạch đẹp hơn. Tôi thấy nhiều chai nhựa dưới hào ngoài Tử Cấm thành ở Huế, những miếng mút trôi lềnh bềnh ở vịnh Hạ Long, bao nilông trên sông dẫn vào động Phong Nha. Đường phố đầy rác thải, kể cả đường mới từ Nha Trang lên Đà Lạt.

VN cần một bộ mặt mới và đừng quên rằng ngành du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước.

Carl Robinson
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên