![]() |
Một số nghi can trong đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe gian bị Công an TP.HCM bắt giữ đầu tháng 12-2010 - Ảnh: GIA MINH |
Khoảng 13g ngày 7-1, trên đường Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM), hai vợ chồng anh V.L. đang dừng xe sát lề đường, tay cầm điện thoại bấm số thì hai thanh niên đi xe gắn máy ngược chiều bất ngờ thò tay giật lấy, tăng tốc vọt đi.
Quá bất ngờ, hai vợ chồng anh V.L. định thần lại và la “Cướp! Cướp!”, nhưng rất đông người xung quanh tỏ ra thờ ơ như không dù hoàn toàn có thể truy đuổi hai tên cướp vì con đường không lớn, đối tượng lại chạy ngược chiều.
“Xin đểu”
Tại khu vực cây xăng số 19bis Cộng Hòa (Q.Tân Bình) và cây xăng ở ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch (P.15, Q.Tân Bình) gần đây xuất hiện một nhóm người chuyên đi “xin đểu”. Các đối tượng này thường diễn vở kịch xe bị hỏng hoặc hết xăng để xin tiền người đi đường, đặc biệt là khách vào đổ xăng tại các cây xăng này. “Những người này thường xuất hiện vào giờ cao điểm như 8g-9g và 16g-19g gồm hai người, một người đi xin, người còn lại đứng quan sát. Trong bộ dạng hỏng xe, hết xăng, hết tiền đổ xăng, nhóm người này đã dụ được rất nhiều người cho tiền. Thậm chí, nếu khách không chi tiền thì chúng cứng mặt hù dọa” - anh Hiếu, một nạn nhân của nhóm xin đểu này, cho biết.
Theo những người dân sống quanh khu vực, một số đối tượng “xin đểu” trong nhóm này là dân nghiện ma túy, sau khi “xin” được tiền, các đối tượng mua ma túy và lủi vào trong hẻm ngồi chích thuốc. Có lúc nhóm này chuyển từ việc dắt xe máy sang dắt xe đạp giả vờ bị bể bánh để xin tiền, xin không được thì dọa, trấn lột.
“Bệnh nhân” khổ nhục kế
Người dân cần đề cao cảnh giác Theo Công an TP.HCM, trong số gần 5.900 vụ phạm pháp hình sự được ghi nhận tại TP.HCM trong năm 2010 có tới 75,8% là cướp giật và trộm cắp tài sản. Một cán bộ của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội Công an TP cho rằng người dân cần luôn đề cao cảnh giác, có ý thức tự bảo quản tài sản của mình, đặc biệt không nên nhẹ dạ tin những màn kịch đầy thương tâm ngoài đường. Khi có nghi ngờ bị dàn cảnh, lừa đảo hay đe dọa cần trình báo công an để được giúp đỡ. |
Khoảng 5-6 tháng nay xuất hiện một cặp vợ chồng trong bộ dạng rất tội nghiệp: chồng vai đeo balô lỉnh kỉnh như ở quê lên, tay cầm xấp bệnh án. Vợ mặc đồ bệnh nhân ôm bụng bầu với vẻ mặt nhăn nhó. Hai vợ chồng ôm nhau đi liêu xiêu trên nhiều tuyến phố ở TP.HCM như Điện Biên Phủ (Q.3), xa lộ Hà Nội (Q.2), Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận)... Rất nhiều người đi đường thương tình đã cho tiền hai vợ chồng này. Điều lạ là suốt hơn nửa năm nay họ vẫn đi giữa đường và nhận bố thí của người đi đường với nguyên bộ dạng như thế.
Gần đây nhất, chị Giang Trần - một bạn đọc - cho biết: “Tôi và nhiều người gặp hai vợ chồng trên cầu Sài Gòn, khi hỏi thì anh chồng nói quê ở Bến Tre, vợ bị ốm nặng. Thấy thương quá nên nhiều người dừng lại cho tiền, tôi cũng lấy 10.000 đồng cho họ. Thật bất ngờ, nhiều ngày sau tôi vẫn gặp họ trong bộ dạng đó, chiêu thức này cứ hai ngày lại xuất hiện trên đoạn đường này”. Nhiều bạn đọc khác phản ảnh một số người cõng, kéo theo người có bộ dạng bệnh tật xuất hiện ở nhiều giao lộ đông người, mỗi ngày kiếm rất nhiều tiền do người tham gia giao thông thấy mủi lòng, dừng lại cho trong thời gian dài.
Chị L.T.N.H. (ngụ P.11, Q.Bình Thạnh) cho biết đầu tháng 1-2011, chị và chồng dừng xe khi đèn đỏ tại giao lộ Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), khi đèn xanh, tăng ga đi thì bị người phía trước thắng gấp, xe chị đụng nhẹ đuôi xe trước nhưng nó đã rơi xuống. Người đàn ông này lập tức lu loa lên, đòi anh chị bồi thường dù nhìn qua là thấy rõ đuôi xe này được gắn bằng keo dán.
Ban đầu chỉ có người đàn ông này ăn vạ, nhưng vợ chồng chị không chịu bồi thường theo đòi hỏi nên ông ta gọi thêm hai người khác tới hăm dọa và buộc anh chị bồi thường. Cuối cùng, vì không muốn mất thời gian đôi co, anh chị đã đưa 100.000 đồng cho ba người này rồi đi. Về nhà, chị H. mới biết chị của mình cũng gặp trường hợp tương tự nhưng do đi một mình nên chị của chị H. bị nhóm người dàn cảnh rơi đuôi xe ép trả gần 1 triệu đồng.
Cuối tháng 10-2010, anh P.H.H. (26 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đi nộp 26 triệu đồng tiền thu cước điện thoại cho công ty, tới đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám (P.5, Q.Tân Bình) thì bị Lâm Huỳnh Minh Trí (24 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) đụng đổ xe. Ngay lập tức, Trí tỏ ra quan tâm, tiến lại gần đỡ anh H. lên, trong khi nâng đã móc hết số tiền chuyển cho người khác rồi bỏ đi. Anh H. tri hô và cùng người dân bắt được Trí.
Muôn màu “đạo chích”
Nói tới “đạo chích” thì không thể không kể tới các băng nhóm “đua nóng” xe gắn máy. Công an TP.HCM ghi nhận mỗi tuần xảy ra khoảng 50 vụ trộm cắp tài sản, trong số này thì quá nửa là trộm xe gắn máy. Cách thức “đua nóng” của “đạo chích” cũng hết sức đa dạng: từ đi dạo khắp hang cùng ngõ hẻm, thấy ai sơ hở là trộm, đến thủ đoạn đổi thẻ gửi xe, làm giả thẻ gửi xe để trộm tại các bãi giữ xe.
Thậm chí thấy người sơ hở, để chìa khóa trên xe là nhảy lên “vọt” liền khiến chủ nhân chỉ ú ớ, khi định thần lại thì chúng đã cao chạy xa bay. Đầu tháng 12-2010, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội Công an TP.HCM đã phá một chuyên án trộm cắp, tiêu thụ xe gắn máy, bắt giữ 15 đối tượng và thu gần 90 xe tay ga nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể” khi tiếp tục ghi nhận mỗi tuần sau đó xảy ra gần 30 vụ trộm xe gắn máy.
Tại nhiều chung cư trên địa bàn Q.4, “đạo chích” rất tích cực “hành nghề”, có trường hợp lộng hành tới mức khi đi trộm bị chủ nhà phát hiện đã dùng roi điện và còng khống chế chủ nhà để lấy tài sản. Trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) cũng xảy ra trộm, người dân sống trong khu vực để xe hơi trong bãi có bảo vệ 24/24 giờ cũng mất kính chiếu hậu khiến chủ xe và lực lượng bảo vệ tốn nhiều thời gian, công sức để giải quyết mà chưa xong.
Các băng nhóm “đạo chích” còn sử dụng trẻ em đi trộm tại các điểm tập trung đông người, nhất là các siêu thị, bến xe, trung tâm mua sắm. Chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM đã tiếp nhận gần 100 đối tượng, trong đó phần lớn là trẻ em và người trưởng thành lang thang có hành vi trộm cắp, móc túi, rạch giỏ, cắt nữ trang...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận