01/12/2010 05:14 GMT+7

20 thuyền viên bị "giam lỏng" tại Bangladesh

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Ngày 26-11, bạn đọc Lý Thị Mai Hoa (ngụ TP.HCM) phản ảnh chồng chị là máy trưởng cùng 19 thuyền viên trên tàu chở hàng Hồng Sơn, thuộc Công ty cổ phần vận tải biển thương mại Quang Trường (Công ty Quang Trường) bị “giam lỏng” tại Bangladesh gần ba tháng qua do công ty thiếu nợ.

Những thuyền viên này đang thiếu thốn, bệnh tật mà chủ tàu lại bặt vô âm tín.

w58GpYHO.jpgPhóng to
Các thuyền viên bị “giam lỏng” tại Bangladesh - Ảnh do các thuyền viên gửi về

Chiều 29-11, PV Tuổi Trẻ đã liên lạc được với thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng và thủy thủ đoàn qua điện thoại. Anh Dũng khẩn thiết yêu cầu chúng tôi giúp đỡ, thông báo sự việc với các cơ quan chức năng để can thiệp bằng con đường ngoại giao giúp mọi người sớm trở về với gia đình.

Chuyến đi bão táp

Bằng giọng mệt mỏi vì vừa trải qua cơn đau tim, máy trưởng Hồ Văn Bé kể: ngày 5-9-2010, tàu Hồng Sơn cùng thủy thủ đoàn 20 người do thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng chỉ huy chở 5.800 tấn gạo rời cảng Sài Gòn đi Bangladesh. Ngày 16-9, tàu cập cảng Chittagong (Bangladesh) nhưng đến ngày 16-10 toàn bộ hàng hóa mới được đưa lên bờ. Ngày

19-10, nhân viên cảng Chittagong yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu đến khu vực dành cho tàu bị vi phạm neo lại. Từ đó đến nay, 20 thuyền viên bị “giam lỏng” trên tàu trong tình trạng lương thực, nước ngọt cạn kiệt.

Sổ nhật ký của các thuyền viên ghi: Từ 19-9 đến 31-10 hết sạch thực phẩm, thủy thủ đoàn phải chia nhau từng tô cháo trắng. Đến chiều 31-10, đại lý mới cấp tạm một ít thực phẩm để cầm hơi. Từ 1-11, dầu máy không còn một giọt, thủy thủ đoàn sống trong cảnh tối tăm, nóng bức...

Tình hình càng bi đát hơn khi nhiều thuyền viên ngã bệnh và không ít người bị bệnh nặng. Máy trưởng Hồ Văn Bé bị bệnh tim và tiểu đường nặng nhiều ngày qua nhưng không có một viên thuốc để uống. Nhiều lần anh bị suy tim, đường trong máu lên cao cần được cấp cứu nhưng chẳng biết kêu ai. Anh Trương Văn Đây bị chứng đau khớp hành hạ ngày đêm, không thể đi đứng được. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng thường xuyên lên cơn khó thở.

Gần đây, một số người vốn khỏe mạnh có dấu hiệu suy nhược và ngã bệnh. Đến ngày 30-11, nhiều thuyền viên bị cảm cúm nhưng không có thuốc uống.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng cho biết ngay sau khi bị “giam lỏng”, các thuyền viên đã liên lạc với chủ tàu đề nghị cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt và dầu chạy máy phát điện nhưng không được giúp đỡ. Gọi cho công ty quản lý lao động yêu cầu rút thuyền viên về nước thì nhận được sự im lặng.

Một lần, thuyền trưởng Dũng nhờ đại lý gửi đơn kiến nghị và kêu cứu đến cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Bangladesh thì được đại lý hỗ trợ lương thực, nước uống nhưng không đáng kể.

Ngày 10-11, các thuyền viên gửi tiếp đơn khiếu nại đến cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Bangladesh nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì. Ngày 16-11, tập thể thuyền viên gửi đơn về cho chủ tàu và đơn vị quản lý lao động thông báo đình công, đồng thời yêu cầu trả lương và đưa họ về nước.

Chủ tàu lánh mặt?

Theo xác minh, tàu Hồng Sơn do Công ty Quang Trường (Hải Phòng) khai thác. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng cho biết phần lớn thuyền viên làm việc trên tàu thuộc sự quản lý của một công ty dịch vụ đại lý tàu biển trên đường Nguyễn Tất Thành (Q.4, TP.HCM). Một số thuyền viên, trong đó có máy trưởng Hồ Văn Bé, được chủ tàu thuê nhưng không ký hợp đồng lao động.

Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng, tàu Hồng Sơn bị “giam lỏng” tại Bangladesh là do chủ tàu có tranh chấp tài chính, nợ cước phí của cảng và đại lý cung cấp dịch vụ một khoản tiền khá lớn nên phía đại lý đã xiết hết giấy tờ, không làm thủ tục xuất cảnh cho các thuyền viên. Đã vậy, phía chủ tàu còn nợ tiền lương của 20 thuyền viên trong ba tháng qua, trong khi các thuyền viên là lao động chính trong gia đình.

Thuyền trưởng Dũng cho biết, nhiều lần gọi điện cho giám đốc Công ty Quang Trường là ông Nguyễn Ngọc Thường, nhưng ông Thường không nghe máy. Các thuyền viên rất hoang mang khi nghe thông tin chủ tàu không còn khả năng thanh toán nợ và khả năng họ được giải phóng bằng con đường tài chính là rất thấp.

Tại Việt Nam, người thân các thuyền viên nhiều lần liên lạc với ông Thường yêu cầu giải quyết tiền lương và đưa người thân của họ về Việt Nam nhưng ông Thường không nghe máy. Chị Lý Thị Mai Hoa kể khi được tin chồng là anh Bé bị bệnh nặng, chị đã gọi điện cho ông Thường yêu cầu đưa anh Bé về Việt Nam điều trị nhưng ông Thường nạt nộ, không giải quyết.

Khi nghe bệnh tình của anh Bé ngày càng xấu, chị Hoa ra tận trụ sở của Công ty Quang Trường tại TP Hải Phòng nhưng chẳng gặp được ai. Liên tục các ngày 29 và 30-11, chúng tôi gọi vào máy của ông Thường theo số 090429... nhưng không ai nghe máy.

Đại sứ quán Việt Nam ở Bangladesh gọi chủ tàu cũng không nghe máy

Ông Nguyễn Văn Thật - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Bangladesh - cho biết tàu Hồng Sơn không phải bị phía Bangladesh bắt giữ mà do họ đang nợ tiền và bị vướng thủ tục giấy tờ. Cụ thể, giấy phép xuất cảng và hồ sơ bảo hiểm của tàu này đã hết hạn nên không đủ điều kiện được phép xuất cảng.

Hiện 20 thủy thủ của tàu Hồng Sơn sống trên tàu neo ngoài biển và họ không được phép lên bờ ra khỏi cảng do không có thị thực của Bangladesh, chứ không phải bị bắt giữ.

Theo ông Thật, phía đại lý mà Công ty Quang Trường thuê bốc dỡ, thay mặt họ nhận hàng ở Bangladesh đã cung cấp 180 tấn dầu diesel, 100 tấn nước ngọt và thực phẩm để các thủy thủ sinh hoạt hằng ngày.

Đại sứ quán Việt Nam đã liên hệ với thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng và được biết với số nước ngọt và thực phẩm nói trên thì họ có thể sống vài tháng, nhưng tiền sinh hoạt hằng ngày không có vì Công ty Quang Trường không trả lương cho họ.

Đại sứ Nguyễn Văn Thật đã nhiều lần liên hệ về Công ty Quang Trường ở Hải Phòng, nhưng giám đốc Nguyễn Ngọc Thường không nghe điện thoại khi nhìn thấy mã số của Bangladesh. Đến lúc ông Thật nhờ người nhà ở Hà Nội gọi điện thoại thì ông Thường mới nghe và cho gặp một cán bộ của công ty tên Hải.

Ông Hải cho biết Công ty Quang Trường đang nhờ một công ty nào đó ở Myanmar can thiệp vụ việc, nhưng ông Hải thừa nhận Công ty Quang Trường đang trong tình trạng khó trả nợ (phá sản) và vẫn bỏ ngỏ câu trả lời về số phận của tàu Hồng Sơn.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh đã thông tin vụ việc về Bộ Ngoại giao và liên lạc với Sở Ngoại vụ TP. HCM cũng như Hải Phòng nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Riêng thủy thủ Hồ Văn Bé có nhu cầu chi tiêu nên vợ ông Bé vừa chuyển tiền từ Việt Nam qua cho ông thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở Bangladesh.

Đại sứ quán Việt Nam có liên hệ về cho người nhà của thủy thủ Hồ Văn Bé và gọi điện thăm hỏi các thủy thủ đang bị kẹt trên tàu Hồng Sơn.

* Chiều 30-11, chúng tôi đã liên hệ với Bộ Ngoại giao nhưng đại diện cơ quan này cho biết đang kiểm tra vụ việc để sớm có hướng giải quyết.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên