Phóng to |
Ông Võ Ngọc Hà (bìa phải) chụp hình bên bộ tứ linh hội tụ - Ảnh: C.T.V. |
Ngày 23-11, ông Võ Ngọc Hà (ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) - chủ nhân của bộ sản phẩm tứ linh hội tụ (long - ly - quy - phụng) bằng gỗ lũa tự nhiên - phản ảnh việc sau phiên đấu giá bộ sản phẩm này, tất cả bị... lãng quên.
Trước đó tại phiên đấu giá trong đêm hội hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung tổ chức vào đêm 11-11, bộ sản phẩm trên đã “nổi đình nổi đám” với kết quả đấu giá đến 47,9 tỉ đồng.
47,9 tỉ đồng tiền ảo
Theo ông Hà, bộ sản phẩm tứ linh hội tụ được định giá 1 triệu USD. Theo thỏa thuận giữa ông và Công ty cổ phần truyền thông Asean C&C (trụ sở tại Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) do ông Nguyễn Trung Thành - chủ tịch HĐQT - làm đại diện thì C&C có trách nhiệm tiếp thị, quảng bá bộ sản phẩm, sau đó mang đấu giá.
Trong tổng số tiền bán qua cuộc đấu giá, ông Hà nhận số tiền tương đương 1 triệu USD, phần còn lại do các đơn vị tổ chức dùng làm từ thiện.
Trong đêm hội hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình tối 11-11, bộ tứ linh được đấu giá thành công. Người thắng đấu giá là ông Phạm Văn Đạt - giám đốc, đại diện Công ty TNHH SX&DV TM Bảo Long (Hà Nội) - với giá 47,9 tỉ đồng.
Tuy nhiên sau phiên đấu giá, ông Hà không nhận được bất cứ thông tin gì về việc trả tiền, giao hàng nên đành mang về Lâm Đồng bảo quản.
“Trên danh nghĩa, dư luận tin rằng bộ tứ linh của tôi đã được bán cho ông Đạt. Tuy nhiên tới nay không ai giao tiền, nhận hàng hay có ý kiến gì với tôi, kể cả công ty đại diện quảng bá sản phẩm lẫn đơn vị tổ chức và người mua. Nếu tôi lại mang sản phẩm của mình đi đấu giá trong một buổi từ thiện nào đó thì nhiều người có thể nói tôi lừa đảo” - ông Hà bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Thành khẳng định công việc của ông chỉ là quảng bá, tiếp thị cho sản phẩm, hợp đồng đã kết thúc ngay sau đêm 11-11, việc mua bán giữa các bên ông không chịu trách nhiệm.
Còn công ty ông Phạm Văn Đạt - người thắng đấu giá - lý giải với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, đơn vị thụ hưởng một phần số tiền từ thiện (nếu có), trong buổi đấu giá rằng: “Vì chủ nhân của bộ sản phẩm tứ linh hội tụ đã tự ý chuyển sản phẩm ra khỏi vị trí đấu giá về Lâm Đồng mà không thông báo cho Hội Chữ thập đỏ TP và Công ty Bảo Long; Vì trong quá trình vận chuyển, vật phẩm đấu giá có thể bị thay đổi”.
Với lý do này, ông Đạt từ chối mua bộ sản phẩm. Thay vì mua bộ sản phẩm, ông Đạt ký biên bản ghi nhớ sẽ ủng hộ đồng bào miền Trung 1 tỉ đồng thông qua Hội Chữ thập đỏ TP.HCM.
Ông Hà cho biết địa điểm đấu giá là địa điểm đi thuê, sau phiên đấu giá phải trả mặt bằng. Nếu không có ai thanh toán tiền mua sản phẩm thì phải mang về, không lẽ để đó trả tiền thuê mặt bằng và chờ... hỏng?
Điệp khúc “không liên lạc được”
Bà Nguyễn Thị Huệ - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM - cho biết hội đã nhận được tổng cộng hơn 200 triệu đồng của các nhà tài trợ trong và sau đêm hội trên.
Còn ông Đinh Gia Diên - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đá quý Gia Gia (TP.HCM), đơn vị tổ chức đêm hội - cho biết trong đêm hội trên ngoài bộ tứ linh còn ba bộ sản phẩm khác là trống đồng, đá ruby và tranh đá quý. Kết quả đấu giá các vật phẩm này được xấp xỉ 75 tỉ đồng và nhiều người hứa ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hàng chục ngàn USD. Tuy nhiên hơn 10 ngày sau phiên đấu giá, những người tuyên bố mua hoặc không liên lạc được, hoặc từ chối mua.
Một số người tuyên bố ủng hộ, khi ban tổ chức và Hội Chữ thập đỏ liên hệ lại thì hiện vẫn đang... hứa.
Truyền hình VN cũng không tha
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-11, một cán bộ chương trình Vì người nghèo (Đài truyền hình VN), đơn vị tổ chức đấu giá ủng hộ người nghèo dịp tết vào ngày 31-12 hằng năm, cho hay có rất nhiều người thắng trong các cuộc đấu giá từ thiện, cá nhân thông báo ủng hộ người nghèo... nhưng sau đó lại “xù”.
Theo vị cán bộ này, trong đêm truyền hình trực tiếp đấu giá Vì người nghèo tết 2007, có lãnh đạo một doanh nghiệp đã thắng đấu giá sim điện thoại số đẹp với giá trên 1 tỉ đồng, nhưng hàng tháng sau đó doanh nghiệp này không chịu chuyển tiền.
“Chúng tôi đã gọi điện thoại, gặp gỡ nhiều lần nhưng doanh nghiệp không trả tiền. Vị đại diện tham gia đấu giá nói rằng doanh nghiệp ông là công ty cổ phần, phải bàn bạc với mọi người trong công ty và mọi người không đồng ý, vậy là đành chịu”.
Cách đây vài năm, một doanh nghiệp ở phía Nam tuyên bố ủng hộ người nghèo 500 triệu đồng nhưng đòi mãi không được vì nghe nói doanh nghiệp sắp... phá sản. Thậm chí nhiều cá nhân nhắn tin ủng hộ người nghèo vài trăm ngàn đồng cũng không giữ cam kết, cán bộ của đài gọi điện nhắc nhiều lần nhưng không thu được hết vì nhiều số điện thoại đăng ký ủng hộ là số... ma.
Không thể khởi kiện Theo nhiều luật sư, các phiên đấu giá từ thiện này chỉ có giá trị về mặt niềm tin, hoàn toàn không được pháp luật bảo hộ. Ở vụ tứ linh, kể cả khi Công ty Bảo Long ký biên bản ghi nhớ ủng hộ 1 tỉ đồng, sau đó không thực hiện thì Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cũng không thể khởi kiện. Ông Trần Quốc Hùng, chánh văn phòng Hội Chữ thập đỏ VN, cho biết ở nước ngoài tham gia đấu giá phải thông báo số tài khoản, số chứng minh thư, phải có những bảo đảm nhất định. “Cái gì quá cũng không tốt. Ở đêm đấu giá, có thể hăng hái tuyên bố cho oai nhưng sau lại tiếc tiền, không ủng hộ. Những người tham gia ủng hộ người nghèo nên nghĩ rằng giá trị mà họ nhận được không phải là món hàng mà là sự tôn trọng của cộng đồng, của đối tác, là uy tín trong kinh doanh” - ông Hùng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận