06/04/2010 07:14 GMT+7

Đóng đủ tiền vẫn bị cúp nước

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Trong vòng chưa đầy nửa tháng (từ ngày 17 đến 31-3), hàng trăm hộ dân tại xã Bình Thắng, H.Dĩ An, tỉnh Bình Dương và khu phố Thái Bình 2, P.Long Bình, Q.9, TP.HCM đã hai lần bị cúp nước vì bị “gán tội” nợ tiền nước.

6mTMdYQG.jpgPhóng to
Mặc dù đóng tiền nước đầy đủ nhưng nhiều hộ dân tại ấp Ngãi Thắng, xã Bình Thắng (Dĩ An, Bình Dương) vẫn bị cúp nước phải mua nước giếng để sử dụng đỡ - Ảnh: QUANG KHẢI

Đến ngày 4-4 đã là ngày thứ sáu, hơn 800 hộ dân tại xã Bình Thắng và P.Long Bình bị cúp nước. Chị Phạm Thị Hồng Nhung - ngụ đường Nguyễn Xiển, P.Long Bình, Q.9 - bức xúc: “Mấy ngày nay phải đi mua nước giếng về dùng. Một can 30 lít giá 2.000 đồng. Gia đình tôi chưa nợ tiền nước lần nào thế mà cũng bị cúp nước”.

Vạ lây

Theo Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức, khu vực xã Bình Thắng và P.Long Bình có hệ thống đường ống cấp nước riêng (được đầu tư từ năm 1994 - PV). Việc cung cấp và tính tiền nước cho hai khu vực trên thông qua đồng hồ tổng 50mm. Còn việc thu tiền nước, quản lý hệ thống bên trong nội bộ hai cụm dân cư trên do tổ quản lý nước thuộc P.Long Bình (Q.9) đảm nhiệm. Từ đầu năm đến nay, tổ quản lý nước nợ liên tục hai kỳ với số tiền hơn 200 triệu đồng.

“Theo nguyên tắc, nếu nợ tiền nước hơn mười ngày là bị cúp nước. Do khu vực này có đông dân cư nên chúng tôi nấn ná đến ngày 17-3 mới cúp nước. Sau đó, tổ quản lý nước mới chịu đóng tiền nhưng chỉ đóng được một kỳ và hứa đến 30-3 sẽ trả nốt kỳ còn lại (ngày 19-3 đã mở nước trở lại).

Tuy nhiên, đến hẹn cũng là thời điểm thanh toán kỳ 3 mà họ vẫn chưa chịu trả nợ. Hiện số nợ hai kỳ lên gần 200 triệu đồng. Tổ quản lý nói chưa có khả năng thanh toán nên yêu cầu chúng tôi cứ việc cúp nước” - một cán bộ Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cho biết. Đến ngày 5-4, tổ quản lý nước đã trả kỳ 2 nên công ty cấp nước mở nước trở lại, tuy nhiên vẫn còn khoảng 200 hộ chưa đóng tiền nên chưa được mở.

Thất thoát hơn 46%

Mặc dù người dân phải đóng phí quản lý, phí duy tu sửa chữa 1.000 đồng/m3, nhưng theo báo cáo của tổ quản lý nước, tình hình thất thoát nước trong kỳ 1-2010 tại hai cụm dân cư lên đến 44,22%. Đến kỳ 2, thất thoát tăng lên 46,21%.

Đây là một trong những lý do khiến người dân ở đây phải trả giá nước cao ngất ngưởng so với những nơi khác. Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cho biết trong năm 2010 sẽ tiến hành phát triển mạng lưới cấp nước, gắn đồng hồ mới cho khu vực trên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 200 hộ này chưa chịu đóng tiền nước kỳ 1 và 2-2010 vì cho rằng cách tính giá nước của tổ quản lý nước UBND P.Long Bình chưa hợp lý. Nhiều người dân cho rằng cách tính của tổ quản lý nước có nhiều “mập mờ”, sai quy định.

Cụ thể, trong bảng tính áp dụng từ ngày 1-1-2010 mà tổ quản lý gửi đến các hộ dân thì ngoài các khoản theo quy định như giá nước gốc (theo quy định tại thời điểm đó: 2.700 đồng/m3 trong định mức, 5.400 đồng/m3 vượt định mức...), phí bảo vệ rừng, phí bảo vệ môi trường, phí quản lý, phí thất thoát... thì có thêm phần thuế giá trị gia tăng (VAT).

Anh Lương Văn Tiển, người dân P.Long Bình, bức xúc: “Chúng tôi được biết thuế VAT đã được tính trong giá nước gốc. Thế nhưng tổ quản lý nước không những tính thêm thuế VAT trên giá nước gốc mà còn tính luôn thuế VAT cho phí bảo vệ rừng và phí bảo vệ môi trường là sai quy định. Tự áp đặt thuế trên, chúng tôi không thể chấp nhận”.

Cộng tất cả các khoản thu của tổ quản lý nước P.Long Bình tính toán, giá nước mà người dân phải trả là 6.853-14.098 đồng/m3 (tùy theo đối tượng), giá cao xấp xỉ ba lần so với giá quy định. Cũng với cách tính trên, đến kỳ thanh toán lần 2 thì mức giá nước tiếp tục tăng thêm do thất thoát nước trong nội bộ tăng, mức giá thấp nhất mà người dân phải trả lên đến 7.362 đồng/m3.

Chưa hết, trong một thông báo gửi các hộ dân cuối tháng 12-2009, tổ quản lý nước P.Long Bình cho biết do thu không đủ bù chi nên còn thiếu nợ tiền nước của Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức gần 30 triệu đồng. Vì vậy tổ quản lý nước đề nghị truy thu tiền thuế VAT chưa thu trong dân. Nhiều hộ không đồng tình nên không đóng.

Thu sai?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-3, bà Cao Đoàn Ngọc Thủy, phó chủ tịch UBND P.Long Bình, thừa nhận: “Mục tính VAT trong bảng tính giá nước là sai do kế toán đánh dư. Thực tế cộng tất cả khoản thu đủ để trả tiền nước và bù lỗ phần thất thoát chứ thực tế tổ quản lý nước không thu tiền dư của người dân”.

Riêng khoản tiền truy thu thuế VAT theo thông báo tháng 12-2009, bà Thủy cũng thừa nhận sai hai điểm: “Thứ nhất đó là phí bảo vệ rừng và phí bảo vệ môi trường chứ không phải thuế VAT như trong văn bản thể hiện. Thứ hai, chỉ truy thu 36.000 đồng/hộ chứ không phải là 36.000 đồng/m3/hộ”.

Vì sao trong ba văn bản liên quan đến vấn đề giá nước đều có sai sót nhưng vẫn ban hành mà không có thông báo nào “nói lại cho rõ”? Bà Thủy cho biết: “đến kỳ 2 (tức tháng 2-2010) mới nhận được phản ảnh của người dân. Những văn bản bị sai do cấp dưới tham mưu sai, công việc quá nhiều nên tôi không xem xét kỹ được”.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên