Tại buổi hòa giải, tất cả các bên đều thống nhất giải quyết vụ việc khiếu kiện của chị Trần Thị Diệu Hương theo hướng bố trí lại công việc cho chị. Theo đó, chị Hương có thể chọn công việc như cũ tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bố Trạch, hoặc được tạo điều kiện để có một chỗ làm khác phù hợp, đúng năng lực và ngành học trong ngành y tế. Nếu chị Hương chọn công việc mới thì đề xuất Sở Y tế để được bố trí.
Chị Trần Thị Diệu Hương cho biết chị đồng ý với cách giải quyết nói trên và sẽ rút đơn kiện Sở Nội vụ tỉnh.
Phóng to |
Ảnh: L.GIANG |
TT tiếp tục trích đăng một số ý kiến bạn đọc đề nghị nên làm rõ việc tuyển dụng khó hiểu
* Từ phản ánh của Tuổi Trẻ, tôi thấy có một điểm chung là khi nào báo chí vào cuộc, các quan chức chịu trách nhiệm tuyển dụng đều “xin rút kinh nghiệm” và sẽ “bố trí công việc phù hợp” cho đối tượng được phản ánh.
Vấn đề ở đây không đơn giản chỉ là chuyện cô Cảnh ở Nghệ An, cô Hương ở Quảng Bình hay anh Hưng ở Bắc Ninh, mà quan trọng hơn là chuyện tuyển dụng công chức của Nhà nước ở nhiều địa phương đang có vấn đề. Do vậy, tôi đề nghị báo Tuổi Trẻ tập hợp các câu chuyện tuyển dụng “cười ra nước mắt” lại để làm một bài phân tích sâu sắc hơn về các nguyên nhân dẫn đến chuyện tuyển dụng khó hiểu, không minh bạch. Từ đó có thể đề xuất giải pháp căn cơ cho công tác tuyển dụng công chức để Bộ Nội vụ và các sở nội vụ tham khảo.
Nếu làm được như tôi đề xuất, Tuổi Trẻ có thể góp một tiếng nói hữu hiệu trong việc tuyển dụng được người có năng lực thật sự cho cơ quan nhà nước.
* Chuyện người được đào tạo bài bản tìm được việc làm ở quê nhà rất gian nan vất vả không phải là chuyện cá biệt. Và khi đã vào làm ở cơ quan nhà nước rồi cũng không dễ dàng chút nào. Tôi biết trường hợp một sinh viên tốt nghiệp đại học luật loại giỏi, được nhận vào làm ở cơ quan nội chính của tỉnh T. Trong thời gian đi làm em này đã tự mày mò ôn luyện và đậu vào lớp cao học luật.
Khi nhận được giấy báo đi học, em vui mừng khôn xiết và báo cho gia đình, đồng nghiệp biết. Thế nhưng, khi các sếp trong cơ quan biết chuyện thì em không được ủng hộ và họ còn gán cho em khuyết điểm: “Dám đi học cao học khi sếp chưa cho phép”. Họ bảo em khi vào cơ quan nhà nước thì phải theo quy luật, để các sếp học trước rồi từ từ mới đến lượt em. Họ nói thế nhưng khổ một nỗi là có sếp được cơ quan cho đi học thì thi ì ạch ba năm liền vẫn không trúng tuyển…
Quá bất mãn với cách hành xử của các sếp, em sinh viên nói trên phải rời bỏ cơ quan nhà nước ra đi. Hiện em ấy đang được một công ty tư nhân trọng dụng với mức lương cao và được sắp xếp thời gian hợp lý để vừa học cao học vừa đi làm.
* Lâu nay dư luận râm ran chuyện muốn xin được việc ở nhiều địa phương phải có mối quan hệ quen biết hoặc phải bỏ tiền “mua” việc làm. Tôi nghĩ nếu một người được nhận vào cơ quan nhà nước với giá cả chung chi như vậy thì liệu sau khi vào làm họ có công tâm vì việc chung, vì lợi ích của người dân hay chỉ lo làm thế nào để “lấy lại những gì đã mất”?
Để không xảy ra những chuyện tuyển dụng tai tiếng như báo chí phản ánh, tôi đề nghị Nhà nước phải cải cách lại quy trình, thủ tục, điều kiện tuyển dụng sao cho việc tuyển dụng công chức phải công tâm, minh bạch.
Tôi thấy nhiều doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng thông qua email, phỏng vấn trực tiếp, kiểm tra chỉ số IQ của ứng viên và họ đã tuyển được nhiều người có năng lực thật sự. Còn cơ quan nhà nước chỉ xem xét trên hồ sơ dự tuyển, nặng về bằng cấp, quy trình không công khai, minh bạch nên xảy ra nhiều chuyện tuyển dụng “cười ra nước mắt” như báo Tuổi Trẻ đã nêu.
------------------------------------
Ý kiến bạn đọc:
Không phải chỉ có Tỉnh Bắc Ninh xảy ra hiện tượng như trong bài đã nêu. Vấn đề tuyển dụng công chức theo kiểu "gia đình trị" hiện đang rất phổ biến ở nhiều nơi, các cơ quan sự nghiệp lẫn các trường học.
Một số cá nhân có chức năng tuyển dụng đã không làm theo trách nhiệm mà thực hiện việc tuyển dụng không theo nguyên tắc nào cả. Người thân, họ hàng quen biết được tuyển dụng vào nhiều vị trí trong cơ quan dần dần biến các đơn vị công thành "của tư" với cách quản lý theo kiểu "gia đình trị" thì thử hỏi làm sao có sự phát triển?.
Rất khó kiểm tra ngoại trừ những trường hợp mà dư luận đã ồn ào thì mới lộ ra thôi. Nếu nhà nước chưa có cách quản lý vĩ mô như xây dựng tiêu chí cụ thể chung cho các ngành (về số lượng, chất lượng của công việc đòi hỏi, những qui định về người nhà, người thân...) thì sẽ vẫn còn tiêu cực và phát triển đất nước sẽ ảnh hưởng.
* Những thông tin đại loại như "trải thảm đỏ đón nhân tài" mà mọi người vẫn thường nghe đôi khi không được làm đúng như vậy.
Trường hợp của vợ tôi là một điển hình: Tôi ở tỉnh B, nơi mà chính sách "trải thảm đỏ" được công bố rình rang trên báo đài. Vợ tôi là người ở tỉnh khác, sau khi cô ấy tốt nghiệp cao học thì tôi mừng thầm nghĩ rằng vợ mình sẽ tìm được việc làm như những gì người ta đã nói. Nhưng khi đến sở nội vụ liên hệ, cô ấy chỉ nhận được những cái lắc đầu quầy quậy cùng với câu trả lời "không có chỉ tiêu", cho dù chỉ mới cách đó mấy ngày tôi nghe được trên đài một bài viết với nội dung "dù có chính sách trải thảm đỏ nhưng tỉnh nhà vẫn thu hút được quá ít người có trình độ".
Vợ tôi đã phải tự mình liên hệ khắp nơi, cuối cùng cũng được nhận vào làm tại một cơ quan công tác đoàn thanh niên với thu nhập hàng tháng vỏn vẹn ngoài ...một triệu đồng, ngoài ra không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào khác. Trong khi đó, có rất nhiều vị trí dường như đã đợi sẵn con em cán bộ vừa tốt nghiệp (bất kỳ trường gì) là có sẵn nơi để nhảy vào làm.
Tôi tự hỏi, phải chăng do vợ tôi là người khác tỉnh, không có bất kỳ ai "đỡ đầu" nên không phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của địa phương? Ngoài ra, phải chăng việc "trải thảm đỏ thu hút nhân tài" là có thực?
* Tin bài liên quan:
"Xua đuổi nhân tài", chuyện cười ra nước mắtChuyện kỳ lạ cười ra nước mắtHắt hủi nhân tài Tiếp câu chuyện “Hắt hủi nhân tài”: Quá nhiều khuất tất Hắt hủi nhân tài: Ai được, ai mất? Đừng gạt người giỏi ra bên lề Vụ "hắt hủi nhân tài": Phía sau một quyết định Giám đốc Sở Nội vụ “xin rút kinh nghiệm” vụ “hắt hủi nhân tài” Bị mất việc vì có trình độ... đại họcBằng kỹ sư "chào thua" chứng chỉ“Hắt hủi nhân tài”: Thực trạng đáng báo động
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận