26/03/2009 04:04 GMT+7

Nên đánh máy toa thuốc

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

TT - Là bác sĩ, tôi thấy câu nói “chữ xấu như chữ bác sĩ” quả không ngoa chút nào! Dĩ nhiên trong giới bác sĩ không phải ai cũng viết chữ xấu nhưng gần như đa số. Ngay cả trong giới y khoa cũng khó khăn khi đọc chữ viết của đồng nghiệp! Nguyên nhân cũng đã nói nhiều nên chúng tôi không nhắc lại. Không phải ở VN mà ngay cả ở phương Tây từ lâu lắm người ta cũng nhận thấy điều này.

(Phản hồi bài “Người bán thuốc không đọc nổi chữ bác sĩ”, Tuổi Trẻ ngày 24-3)

TGy0P5Q1.jpgPhóng to
Toa thuốc in ra từ máy vi tính giúp bệnh nhân biết được tên thuốc gốc, tên thương mại và cách dùng rõ ràng - Ảnh: N.A.

Để hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của chữ... bác sĩ, ở xứ người đã đào tạo những lớp thư ký y khoa. Thư ký y khoa ngoài việc phụ giúp bác sĩ trong các vấn đề giấy tờ, sắp xếp lịch hẹn với bệnh nhân còn giúp bác sĩ ghi chép hồ sơ và toa thuốc. Mỗi bác sĩ đều có máy ghi âm để khi đi thăm bệnh, khám bệnh, làm hồ sơ xuất viện họ đọc tất cả nhận xét, y lệnh và toa thuốc vào trong máy ghi âm. Thư ký sẽ đánh máy vi tính và sau đó đưa bác sĩ xem lại, ký tên.

Tại VN, để khắc phục chữ xấu của bác sĩ, nhiều bệnh viện đã tuyển dụng thư ký y khoa để làm giấy tờ, hồ sơ và ra toa thuốc cho bệnh nhân bằng máy vi tính. Trong khi chờ đào tạo thư ký y khoa, nhiều bệnh viện giao việc đánh máy toa thuốc cho điều dưỡng. Toa thuốc in ra từ máy vi tính giúp bệnh nhân biết tên thuốc gốc, tên thương mại và cách dùng rõ ràng. Đây là cách làm rất tốt giúp bác sĩ có nhiều thời gian cho chuyên môn hơn, chữ in bằng vi tính sẽ rõ ràng hơn bất kỳ chữ viết tay nào.

Ngoài ra, phần mềm máy vi tính giúp toa thuốc thể hiện cả tên gốc và tên thương mại của thuốc cùng lúc nên người bán thuốc sẽ biết tư vấn cho bệnh nhân dùng loại thuốc gì tương đương nếu không có loại thuốc bác sĩ kê toa hay thuốc đã kê toa có giá quá cao...

Từ lâu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã triển khai việc quản lý hoạt động bệnh viện và hồ sơ bệnh nhân bằng máy vi tính nên giúp các bác sĩ rất nhiều trong việc điều trị bệnh nhân. Mặc dù lúc mới triển khai cũng có nhiều khó khăn nhưng khi đã khắc phục được và đi vào hoạt động thì hiệu quả đem lại rất lớn.

Một toa thuốc, 3 người đọc ra... 3 ý khác nhau!

Ngày 7-3, tôi đi khám thai tại một bệnh viện ngoài công lập thuộc loại lớn ở TP.HCM. Sau khi bác sĩ kê toa, tôi cầm toa thuốc ra ngoài mua. Tôi vào một tiệm thuốc tây đưa toa thuốc ra thì ba người bán hàng chụm đầu vào nhau đánh vần tên thuốc. Một toa thuốc nhưng ba người đọc ra... ba ý khác nhau! Tranh qua cãi lại một hồi họ mới thống nhất được tên thuốc và bán cho tôi. Cầm số thuốc trên tay mà tôi cứ hoài nghi, phân vân...

Tôi đang có thai, nếu lỡ uống nhầm thuốc thì thật tai hại. Để yên tâm, tôi quyết định ghé vào bốn tiệm thuốc tây nữa để nhờ đọc giúp toa thuốc của bác sĩ nhưng không ai đọc ra cả! Cuối cùng tôi đành quay lại bệnh viện để hỏi xem số thuốc tôi đã mua có phải là thuốc trong toa thuốc không thì vị bác sĩ kê toa lắc đầu! Tôi phải quay lại tiệm thuốc ban đầu để đổi lại thuốc nhưng tiệm này không bán loại thuốc mà bác sĩ đã kê toa nên tôi đành phải đổi thuốc bổ về cho mẹ tôi uống, còn thuốc của tôi phải chạy lại bệnh viện để mua.

Không có gì quý bằng sức khỏe con người, mong các bác sĩ chú tâm hơn nữa đến nét chữ của mình sao cho thông tin có thể truyền tải đến người bán thuốc và người bệnh được rõ ràng, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên