22/10/2005 14:07 GMT+7

Cần xem lại những đê bao ở ĐBSCL

NGUYỄN VIẾT THỊNH (ĐH Tiền Giang)
NGUYỄN VIẾT THỊNH (ĐH Tiền Giang)

TTCN - 140 năm trước (1866-2005), Nguyễn Trường Tộ - nhà cải cách kiệt xuất của VN ở thế kỷ 19, đã bàn về vấn đề trị thủy sông Lô (sông Hồng ngày nay) như sau: “... sông Cửu Long, khối nước nhiều hơn sông Lô gấp bốn, năm lần mà tỉnh Vĩnh Long (chỉ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung) không bị nạn lụt là nhờ có nhiều chi lớn chia khối nước của dòng sông...”(*).

Từ đó ông đề nghị đo mức nước chênh lệch lúc cao nhất và lúc bình thường của sông Hồng để tính toán xem cần đào bao nhiêu con kênh, sâu rộng bao nhiêu để chia khối nước sông Hồng vào mùa lũ đi các nơi: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định... Quan điểm trị thủy của ông là nhanh chóng giải phóng nước lũ bằng nhiều con kênh chứ không phải đắp đê để ngăn lũ.

Sông Mekong, một trong 10 con sông lớn nhất thế giới, trước khi chảy vào nước ta đã được điều chỉnh lưu lượng một cách điều hòa nhờ Biển Hồ ở Campuchia. Hơn nữa, địa thế bằng phẳng của đồng bằng sông Cửu Long cùng với nhiều chi lưu lớn nhỏ của sông Mekong đổ ra biển nên sông Cửu Long được xem là một dòng sông hiền hòa, vào mùa lũ người dân địa phương xem chỉ là mùa nước nổi chứ không phải mùa lũ lụt như ở miền Trung, miền Bắc.

Ngày xưa, Nguyễn Trường Tộ đã chọn những điểm ưu việt này của sông Cửu Long để làm cơ sở đề xuất giải pháp trị thủy sông Hồng. Tuy nhiên ngày nay, vấn đề trị thủy sông Hồng vẫn chủ yếu là đê bao quai vạc, không khác nhiều so với hàng ngàn năm trước, vẫn phải đối mặt với nguy cơ vỡ đê khi lũ lớn. Điều cần bàn hơn hiện nay là điều kiện tự nhiên vốn rất tốt của đồng bằng sông Cửu Long đã và đang bị bàn tay qui hoạch không hợp lý của con người làm cho méo mó. Con sông vốn hiền lành đang dần trở nên hung dữ vì bị đê bao ngăn chặn...

Ở khía cạnh khác, như các bài báo trong TTCN đề cập, đất đai vốn màu mỡ qua các mùa nước nổi nay đang dần bạc màu vì dòng nước mang nặng phù sa không vào được đồng ruộng. Việc cải tạo đất bạc màu, nhiều sâu rầy bằng cách tăng cường phân bón hóa học, thuốc trừ sâu chỉ thấy lợi trước mắt đôi chút nhưng vô cùng hại về môi trường sinh thái, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.

Nguồn lợi về xuất khẩu thủy sản bấy lâu cũng đang mất dần ưu thế do sản phẩm đang dần dần bị nhiễm nhiều hơn dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Nguyên nhân chính, suy cho cùng, do điều kiện tự nhiên vốn có bị xâm hại.

Mô hình nhà nổi (ở khu vực sông La Ngà, Đồng Nai chẳng hạn) cần được xem xét, nghiên cứu áp dụng để thay thế mô hình cụm, tuyến dân cư tránh lũ vốn không hiệu quả, không thực tế như hiện nay.

Tóm lại, vấn đề trị thủy bằng đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cần được xem xét lại, cần nghiên cứu nghiêm túc trên tổng thể các lĩnh vực địa lý, thủy lợi, giao thông, lịch sử, văn hóa, môi trường, kinh tế, xã hội...

(*) Nguyễn Trường Tộ - Tế cấp bát điều (II, 157 - 167).

NGUYỄN VIẾT THỊNH (ĐH Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên