08/10/2005 14:07 GMT+7

Không nên dùng cụm từ "cướp chính quyền"

HÀ HUY LƯƠNG (Cần Thơ)
HÀ HUY LƯƠNG (Cần Thơ)

TTCN - Từ trước đến nay trên sách báo cũng như một số kênh thông tin đại chúng khi nói về cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân thường dùng cụm từ: “tham gia cướp chính quyền”. Cụm từ “cướp chính quyền” này theo tôi không ổn.

Hằng ngày ta thường nghe nói tới từ “cướp” như “kẻ cướp”, “quân ăn cướp”, “bọn cướp nước”... Với cụm từ có dùng từ “cướp” bao hàm cử chỉ, hành động phi nghĩa, vô nhân đạo. Động từ “cướp” chỉ hành động xấu xa. Trong bài thơ Bà má Hậu giang của Tố Hữu có câu:

Má thét lớn: tụi bay đồ chó / Cướp nước tao, cắt cổ dân tao. Bà má đã chửi bọn thực dân Pháp là “quân cướp nước”. Đảng Cộng sản VN đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn dân đứng lên giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”có đoạn:

“Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.

Còn việc ta đứng lên giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dùng từ rất chính xác: “Sự thật là từ mùa thu 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời dùng cụm từ “giành chính quyền” có nghĩa là chúng ta giành lại chính quyền chứ không phải là chúng ta “cướp chính quyền”. Vậy mà rất nhiều người lại dùng từ “cướp chính quyền” là không đúng. Trong sách văn học 11 (tập I - NXB Giáo Dục 2000), trong bài tác giả Nam Cao có đoạn:

“Năm 1943 Nam Cao tham gia Hội Văn hóa cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Bị khủng bố gắt gao, ông về hẳn làng quê rồi tham gia cướp chính quyền ở địa phương và được bầu làm chủ tịch đầu tiên ở xã” (trang 196-197). Báo Tuổi Trẻ số 201 ra ngày thứ năm, 1-9-2005, trong bài “Chết tự do hơn sống nô lệ!” kỳ 5 của tác giả Vũ Bình - Thế Anh có đoạn: “Có một địa danh ở Nam bộ cướp chính quyền thành công vào đêm 22-8-1945 trước cả Sài Gòn”.

Bài báo viết về những hồi tưởng của trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân VN. “Ngày 25-8-1945 người dân An Tịnh cũng như huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và cả miền Nam đứng lên cướp chính quyền”...

Một từ, hoặc một cụm từ với ý nghĩa chưa đúng văn cảnh, khi nói để chỉ một sự việc sẽ không phản ánh đúng bản chất sự việc đó. Tôi nghĩ những tác giả đã dùng cụm từ “cướp chính quyền” trong một số bài viết cần suy nghĩ thêm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

HÀ HUY LƯƠNG (Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên