Phóng to |
Tuy vậy càng tiếp xúc với tiếng Việt tôi càng thấy ngôn ngữ này không hề dễ dàng như mình tưởng. Giai đoạn đầu tôi cũng nhiều lần cảm thấy chán nản, mệt mỏi với ngữ pháp, chính tả tiếng Việt... nhưng may mắn mọi chuyện bây giờ đã chuyển biến theo hướng tích cực.
Thông qua những trang sách được học, tôi cảm nhận một điều là thơ văn Việt thật tuyệt vời. Chưa thỏa mãn với kiến thức trong trường học, tôi và bạn bè thường lên mạng Internet, vào thư viện kiếm thêm những tác phẩm khác để đọc.
Tuy nhiên nguồn để kiếm các thông tin này trên mạng khá hiếm và thường không chính quy. Ngoài ra, các tác phẩm đặc trưng thường sử dụng ngôn ngữ vùng miền và điều này thật sự là một thử thách lớn với người nước ngoài... nên sẽ hay hơn nếu chúng có phần giảng giải bằng các từ tiếng Việt hoặc tiếng Anh tương đương.
Thời gian ở Việt Nam tôi còn có một mối quan tâm nữa cần nói ra, đó là việc dạy văn theo kiểu bắt học thuộc lòng khá phổ biến ở các cấp phổ thông. Theo tôi, cái đẹp của môn văn là giúp chúng ta nâng cao khả năng nhìn nhận, phân tích tác phẩm một cách thuyết phục mà không cần bắt buộc phải theo một chuẩn mực nào cả.
Việc gò ép các em học sinh phải thuộc lòng một môn thiên về khả năng cảm nhận sẽ khiến môn học đó ngày càng trở nên đáng chán mà thôi. Với tôi, trong lớp học dẫu giảng viên nhiều khi cũng đưa dàn bài gợi ý (không bắt buộc làm theo) nhưng tôi thường chỉ viết theo ý mình là chủ yếu. May mắn là hầu hết bài viết của tôi đều đạt điểm cao và giảng viên cũng không than phiền gì.
Điều cuối cùng tôi muốn đề cập là giới trẻ Việt đang lạm dụng ngôn ngữ tuổi mới lớn (còn gọi là ngôn ngữ teen) một cách thái quá.
Có một câu chuyện khá buồn cười mà chính tôi là người trong cuộc. Tôi nhớ lần đó mình lò dò lên mạng và đọc được một bài viết về giới trẻ, tôi đọc từ đầu tới cuối và... chẳng hiểu gì cả! Trước đó tôi tự tin vào vốn tiếng Việt của mình bao nhiêu thì sau đó lại run và lo lắng bấy nhiêu, đơn giản tôi nghĩ giới trẻ viết thì phải dễ hiểu hơn những quyển sách chuyên môn của mình.
Tôi đem hỏi bạn bè và cả thầy giáo nhưng thật bất ngờ khi... không ai hiểu cả! Cuối cùng tôi mới hiểu ra bài viết đó sử dụng ngôn ngữ riêng biệt của giới trẻ!
Thật ra tình trạng sử dụng ngôn ngữ tuổi mới lớn không chỉ có ở Việt Nam mà xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, nhưng tôi có cảm nhận tình trạng này diễn ra mạnh mẽ hơn ở Việt Nam.
Cụ thể như ở quê hương tôi, giới trẻ thường chỉ sử dụng ngôn ngữ này khi chat trên mạng chứ không bao giờ áp dụng khi nói. Đó là chưa nói chính quyền, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp để đề ra những chính sách cải thiện tình hình kịp lúc. Nói chung ở đất nước tôi mọi người rất quan tâm việc bảo tồn tiếng nói quê hương.
Việc quá lạm dụng ngôn ngữ tuổi mới lớn trước mắt sẽ khiến tình trạng viết sai chính tả phổ biến hơn. Kế đến là người trẻ không còn cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ quê hương.
Là một du học sinh ngành tiếng Việt, tôi cảm thấy buồn khi nhận ra tình trạng này đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Hi vọng xã hội nói chung và cá nhân các bạn trẻ, những tờ báo dành cho giới trẻ nói riêng sẽ nhận ra và cải thiện kịp thời để tiếng Việt mãi là một ngôn ngữ đẹp, sạch trong lòng mọi người...
Hưng Thịnh (du học sinh Úc): Chấp nhận nhưng phải giới hạn Tôi không phê phán việc giới trẻ sử dụng ngôn ngữ teen vì nó tạo không khí vui vẻ, bớt căng thẳng khi chat, giảm số lượng chữ và tiết kiệm thời gian đánh máy hoặc nhắn tin... Tuy nhiên các trang web, tờ báo dành cho giới trẻ cần phải quan tâm, lưu ý vấn đề này hơn nữa để không tạo xu hướng trên thành một “văn hóa”, nếu môi trường xung quanh người trẻ được bao phủ bởi ngôn ngữ này thì chắc chắn họ sẽ không dễ dàng thoát ra khỏi khi sống trong đời thật. Carlos M. (người Mỹ, kỹ sư xây dựng): Tôi không ủng hộ Giới trẻ Việt đúng là đang rơi vào tình trạng mà giới trẻ Mỹ trước đây đã vướng vào. Tôi cảm thấy điều này rất cần thiết để báo động, bởi chữ viết đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập văn hóa của một quốc gia. Ngoại hình, tính cách của giới trẻ Việt gần đây đã không thuần Việt, giờ chữ viết cũng không giống Việt thì họ còn gì dính dáng đến quê hương? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận