Phóng to |
Tài Em - một trong những cầu thủ VN phải đi mổ đầu gối tại Singapore - Ảnh: S.H. |
Cách đây hai năm, người nhà của tôi bị đau khớp gối. Chúng tôi đến một bác sĩ nổi tiếng về khớp gối ở TP.HCM (*). Ông ấy sau khi cho chụp CT, MRI đã kết luận bị giập lớp sụn chêm và cho thuốc uống kèm theo lời dặn khi nào đau lắm thì phải mổ. Sau một tháng nghỉ dưỡng, mọi chuyện êm êm cho đến giữa năm 2009 bệnh tái phát. Trở lại vị bác sĩ nổi tiếng ấy thì được khuyên phải mổ gấp, nếu không sẽ nặng hơn.
Ông cam đoan đây là một ca đơn giản, sau ca mổ nội soi kéo dài hơn một giờ chỉ cần nghỉ ngơi hai ngày là có thể đi lại được với gậy chống. Và chừng 10 ngày đến hai tuần sau khi mổ sẽ bỏ gậy đi lại bình thường. Tin lời bác sĩ, chúng tôi đồng ý mổ. Ca mổ được tiến hành tại một bệnh viện tư với tổng chi phí khoảng 50 triệu đồng.
Kết quả ca mổ đã không như lời bác sĩ khẳng định trước đó. Đến 10 ngày sau người nhà chúng tôi mới tập tễnh đi lại bằng gậy chống và rất đau đớn. Thậm chí bốn tháng sau cũng chưa thể bỏ gậy, đặc biệt vẫn còn đau, đồng thời chân bị mổ có dấu hiệu teo. Nhưng điều đáng nói hơn cả là thái độ của vị bác sĩ sau khi mổ hết sức đáng trách: gần như bỏ lơ bệnh nhân. Hai ngày sau ca mổ không thấy ông đến như lời hứa, gọi điện thoại thì không bắt máy, chúng tôi nhắn tin làm dữ ông mới xuất hiện nói đôi lời trấn an, hẹn một tuần sau tái khám.
Nhưng đúng một tuần vẫn không thấy. Chúng tôi lại phải gọi điện, nhắn tin tưng bừng ông mới nghe máy và nói vòng vo khi bị chất vấn vì sao diễn tiến không như ông nói ban đầu. Tóm lại, ông đã làm bệnh nhân hoàn toàn mất niềm tin.
Quá mệt mỏi, chúng tôi bắt đầu tìm hướng khác thì được giới thiệu một bác sĩ ở Singapore chuyên mổ khớp gối cho các vận động viên thể thao (rất đông vận động viên VN đã mổ và điều trị thành công tại đây).
Theo lời giới thiệu này, chúng tôi đưa người nhà sang Singapore khám. Nói một cách ngắn gọn, sau một lần đi khám, một lần đi mổ và một lần tái khám, tổng cộng kéo dài trong hơn một tháng và người nhà chúng tôi hiện nay đi lại hoàn toàn bình thường. Dĩ nhiên chi phí khá cao khi hết tổng cộng hơn 15.000 đôla Singapore (trong đó thực tế chi cho ca mổ khoảng 12.000, còn 3.000 là chi phí vé máy bay, khách sạn).
Như vậy chi phí một ca mổ khớp gối ở Singapore cao khoảng gấp ba lần so với VN, nhưng hiệu quả thì một trời một vực. Ai không xót tiền, nhưng đứng trước sức khỏe của người thân chúng tôi nghĩ ai cũng sẵn sàng bỏ ra 12.000 đôla Sing thay cho 50 triệu đồng, nhưng đổi lại sức khỏe người nhà của mình bảo đảm.
Đặc biệt vị bác sĩ ở Singapore rất đúng hẹn, ông nói một giờ khi rời phòng hồi sức sẽ ghé thăm là đúng bon. Ông bảo một ngày sau sẽ quay lại hướng dẫn tập luyện là đúng một ngày sau có mặt. Ông ấy đã tạo cho bệnh nhân một niềm tin, khác hẳn vị bác sĩ ở VN. Và như bác sĩ Nam Anh có viết, trong chữa bệnh niềm tin đôi khi chiếm đến hơn 50% kết quả điều trị.
Nhắc đến chuyện tạo niềm tin cho bệnh nhân, ngay chính trên Tuổi Trẻ, đã có lần BS Đông A nêu lên thực trạng nhiều bác sĩ giải phẫu VN rất coi thường hậu phẫu: “Người ta chỉ biết mổ và sau đó chẳng quan tâm gì đến bệnh nhân, dù trong y học hậu phẫu là khâu hết sức quan trọng”.
Nhân đọc bài của BS Nam Anh, chúng tôi chia sẻ với ông về câu chuyện mỗi năm VN “mất” cả tỉ ngoại tệ qua việc người dân đi khám chữa bệnh ở nước ngoài, mà nơi “hút” nhiều nhất là Singapore. Trong đó có nhiều bệnh hoàn toàn không vượt ngoài khả năng của bác sĩ VN.
Từ câu chuyện của chính mình, chúng tôi nghĩ muốn hạn chế chuyện “mất” ngoại tệ qua việc khám chữa bệnh ở nước ngoài (với những bệnh nằm trong tầm tay ngành y VN), điều trước tiên ngành y VN phải tạo được niềm tin cho người bệnh. Niềm tin ấy phải được xây dựng từ cung cách tận tụy của những y bác sĩ.
(*) Chúng tôi xin không nêu tên hai vị bác sĩ VN cũng như Singapore để tránh bị cho rằng bêu riếu, quảng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận