24/03/2010 08:20 GMT+7

Nhà trường chưa "chỉ đúng đường"

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TT - Có thể những câu chuyện học sinh kể dưới đây không là phổ biến nhưng vẫn báo động về sự “lạc hậu” trong cách giáo dục học sinh ở học đường.

yCEybxjp.jpgPhóng to
Một clip nữ sinh đánh bạn vừa được tung lên mạng

"Chúng em rất khó gặp được cô chủ nhiệm ngoài tiết của cô và buổi sinh hoạt lớp. Có vẻ như cô không biết các bạn trong lớp đang làm gì, xảy ra chuyện gì"

Em H.H., học sinh lớp 10 ở Hà Nội

“Ngày xưa, học lớp 8 tôi đã từng nhờ cô chủ nhiệm giải quyết giùm mâu thuẫn giữa tôi và nhóm bạn lớp khác. Nhưng cô đã làm tôi “mất mặt” khi đùng đùng sang lớp kia kêu tên những bạn (đe dọa sẽ đánh tôi) đứng lên trước lớp và... rao giảng. Sau đó nhóm bạn ấy đã tung hê lên rằng tôi là thằng hèn, hở một tí là méc cô và rất nhiều bạn đã xa lánh, không thèm chơi với tôi. Sau lần ấy có chuyện gì tôi tự giải quyết”, T.C., học sinh lớp 12 ở Q.7, TP.HCM, tâm sự.

Rất thật thà, C. bảo mình đã tận mắt chứng kiến cảnh ẩu đả của các bạn hoài. C. nói: “Thà tự xử với nhau như thế còn hơn là báo cho thầy cô biết. Họ sẽ làm cho to chuyện, sẽ kêu chúng tôi lên phòng giám thị làm việc, lập hội đồng kỷ luật, rồi mời phụ huynh... rất phiền phức”.

Hỏi C. “tại sao thấy các bạn đánh nhau mà những bạn khác đứng ngoài xem tỉnh bơ vậy, C cười: “Sao dám cản? Ngăn cản lỡ họ đánh mình luôn thì ai bảo vệ? Báo cho người lớn biết sẽ gặp hàng loạt chuyện rắc rối. Thầy cô không “bảo vệ nguồn tin”, tụi tôi sẽ bị gọi lên phòng ban giám hiệu để làm nhân chứng, rồi viết tường trình...”.

Thầy, cô chưa làm gương

“Nói ra kỳ nhưng cô giáo dạy tiếng Anh lớp tôi sẵn sàng mắng học sinh là “đồ mất nết”, “đầu óc bã đậu”, “sao ngu quá, sửa hoài mà phát âm không đúng”... Nghe cô mắng tôi thấy thật khó chịu. Nó như những cây kim chích vào người. Cô còn xưng “mày, tao” với học sinh một cách rất vô tư”, đó là nỗi niềm của P.M., học sinh lớp 9 một trường tư thục trên địa bàn Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

M. nhận định: không phải chỉ có học sinh vô cảm mà một số thầy cô cũng vô cảm lắm. “Có bữa cả lớp đang làm bài kiểm tra môn công nghệ thì một bạn bị xỉu, mọi người xúm lại lo lắng nhưng thầy thì như không có chuyện gì xảy ra. Thầy yêu cầu mấy bạn nam dìu bạn đó lên phòng y tế rồi cho cả lớp học tiếp. Thầy ra lệnh phải nghe theo chứ ngồi trong lớp mà chúng tôi đâu có yên, cứ lo không biết bạn ra sao, sức khỏe thế nào. Đáng lẽ thầy phải cho vài người đi theo phụ cô y tá chăm sóc bạn mới đúng. Lỡ bạn bị bệnh nặng, phải chuyển đi bệnh viện thì sao?”.

Không phải tự nhiên mà Q.M., học sinh lớp 9 ở Q.Bình Thạnh, rất ghét các buổi sinh hoạt đầu tuần: “Vì chúng tôi phải ngồi dang nắng nghe thầy hiệu trưởng giảng cả giờ, nào là phải chăm học, học cho bản thân chứ không học cho ai. Nào là không được chạy nhảy trên bàn ghế... Thầy nói nghe rất chán nên học sinh thi nhau nói chuyện. Thầy bực quá, bắt vài đứa đứng lên mắng cho một trận về “ý thức tập thể”.

Học nhiều nhưng không thiết thực

Những chuyện bạo lực học đường gần đây khiến dư luận một lần nữa đặt câu hỏi: phải chăng trong nhà trường việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống bị bỏ ngỏ? Theo chương trình do Bộ Giáo dục & đào tạo quy định ở bậc tiểu học thì có môn đạo đức, bậc trung học có môn giáo dục công dân với mục đích cung cấp kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh.

Ngoài ra, chương trình cũng quy định những tiết hoạt động ngoại khóa mang tính bắt buộc nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhưng... P.T., học sinh lớp 11 Trường TNT (Hà Nội), nhận xét: “Môn giáo dục công dân lớp 10 năm trước có 35 tiết thì quá nửa đề cập đến những vấn đề quá vĩ mô như việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Ở lớp 11 cũng thế”.

Thừa nhận động cơ học tập môn giáo dục công dân chỉ là lấy điểm để tốt nghiệp, một số học sinh Trường TNT cho biết sau chuyện đánh nhau trên clip mới biết hành vi đó không chỉ vi phạm đạo đức mà có thể quy vào tội hình sự nếu đủ tuổi vị thành niên. Nhưng trước đây các em không được học như vậy. Tại sao không dạy những bài học đơn giản và thiết thực hơn. Ví dụ như “Ứng xử thế nào khi bị bạn bắt nạt, hành hung, hoặc khi có mâu thuẫn với bạn cách xử trí thông minh là gì”.

Một số học sinh Trường THCS ĐĐ (Hà Nội) khi nhận xét về những hoạt động ngoại khóa mà trường đã nỗ lực tổ chức cho rằng nhìn chung vẫn nặng về chỉ đạo, áp đặt học sinh theo một vấn đề nào đó.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên