16/12/2009 09:00 GMT+7

Năm 2010, giáo viên sống được bằng lương?

 LÊ MINH TIẾN
 LÊ MINH TIẾN

TT - Những ngày cuối cùng của năm 2009 sắp qua đi và năm mới 2010 chỉ còn nửa tháng nữa sẽ đến.

Không biết vào những ngày cuối của năm nay, người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà có lại tiếp tục đề nghị chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại các địa phương chung tay hỗ trợ thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, để thầy cô “bớt đi những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng khi tết đến” như năm trước hay không?

AZwiHxLK.jpgPhóng to
Không riêng gì thầy cô giáo, những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều mong lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ thành hiện thực -Ảnh: N.C.T.

Còn nhớ cách đây hơn ba năm, vào ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng danh hiệu, và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc đại diện 44 giáo sư mới được công nhận chức danh năm 2006, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

Nếu chiếu theo lời hứa nói trên thì năm 2010 tới đây đời sống của giáo viên chắc sẽ bớt nhọc nhằn. Thực tế cho thấy hơn một triệu nhà giáo Việt Nam trong mấy chục năm qua đã không được đãi ngộ tương xứng với công sức và vai trò quan trọng của họ trong xã hội, nhưng họ vẫn chấp nhận dấn thân, chấp nhận một cuộc sống đạm bạc với nhiều áp lực.

Áp lực khách quan là xã hội luôn đòi hỏi họ phải tạo ra được nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, và mọi sai lầm của giáo viên đều bị công luận lên án thật gay gắt. Rồi áp lực từ trong nội bộ ngành giáo dục khi giáo viên phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu, thành tích... Vì vậy, việc bảo đảm cho người làm nghề giáo được sống trong những điều kiện kinh tế khả quan hơn là điều nhất thiết phải làm.

Do đó, điều chúng tôi tha thiết mong muốn là thời gian gần đến đây, người đứng đầu Bộ GD-ĐT phải thực hiện lời hứa của mình để sau bao nhiêu năm cơ cực, thầy cô giáo có thể sống được, sống đàng hoàng bằng chính đồng lương của họ.

====================================================================

* Tôi lập gia đình mới được hai năm, nhưng cuộc sống với những bồn bề, lo toan kinh tế làm tôi muốn ngã quỵ. Vợ chồng tôi đều dạy môn xã hội - nghĩa là chúng tôi chỉ sống chủ yếu dựa vào lương.

Tết đến không có thưởng, không có tháng lương 13 như mọi người, không có được quà tết có giá trị cho cha mẹ chồng... Mẹ chồng thương con dâu nên nói với hàng xóm: tụi nó biếu ba mẹ 5 triệu đồng xài tết lận đó. Nghẹn ngào quá mẹ ơi, vì mẹ hiểu lương của hai vợ chồng con chỉ hơn 3 triệu lại đang chuẩn bị chào đón một thành viên mới thì lấy đâu biếu mẹ. Đời mẹ nghèo, chắt chiu nuôi chồng con ăn học, vậy mà tụi con...

* Tại sao không nghe nhắc gì đến công chức nhà nước? Tôi là chuyên viên, hiện đang công tác tại UBND huyện, với mức lương hiện tại của ngạch công chức nhà nước. Nếu so sánh với lương của giáo viên (viên chức nhà nước) thì mức lương của tôi chỉ đáng "xách dép" cho giáo viên (viên chức). Vậy mà chẳng bao giờ dám than thở cũng như nghĩ đến việc tăng lương, và xã hội hình như cũng mặc định rằng công chức nhà nước đang sống sung sướng lắm. Nói ra điều này để hiểu rằng trước khi viên chức có thể sống được bằng lương thì hãy nhớ đến công chức nhà nước đã.

* Vấn đề giáo viên sống "cầm hơi " bằng chính lương của mình thật ra đã được Nhà nước, các ban ngành lãnh đạo quan tâm rất nhiều. Bằng chứng cứ mỗi lần có các kỳ họp của Quốc hội, chúng ta đều nghe đề cập đến vấn đề này. Có điều vấn đề đó được thực thi như thế nào mà thôi.

Để giảm bớt sức ép cũng như đời sống của giáo viên có phần "dễ thở "hơn, chúng ta cần thoáng hơn trong vấn đề cần các nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp trong nước cũng như ở nước ngoài, các Việt kiều đóng góp, chung sức cho giáo viên ở những vùng sâu vùng khó khăn nói riêng cũng như của tất cả những người làm công tác nhà giáo cùng đón một mùa xuân tràn đầy niềm vui, hạnh phúc hơn.

* Cách đây vài năm những giáo viên vùng cao như chúng tôi chỉ được thưởng tết không quá 50.000 đồng. Nếu có ý định chi trả cho vé tàu xe về quê cũng chẳng đủ. Từ ngày ngân sách chuyển về trường, chúng tôi có cơ hội nhận được tháng lương thứ 13 tuy nhiên cũng chỉ từ 500.000-1 triệu đồng. Tết đến xuân về nghĩ thật cơ cực. Bao giờ những thầy cô giáo chúng ta không phải lo cơm áo gạo tiền để chuyên tâm nghề nghiệp?

* Gia đình tôi có bảy người tốt nghiệp ĐH và làm ở các ngành nghề khác nhau, trong đó có ba người theo ngành sư phạm. Hai đứa em tôi làm việc cho công ty nuớc ngoài (vì chúng học chuyên ngành ngoại ngữ). Duy chỉ có tôi theo đuổi nghiệp nhà giáo, một phần vì yêu nghề, phần vì sự học của con cái sau này.

Nhưng mỗi lần tết đến, tôi không dám nói đến tiền thưởng. Vì tiền thưởng tết của tôi không bằng một phần mười của em tôi. Riêng chỉ nói đến tiền trợ cấp hộ sản thôi, em tôi có thể gần đủ để cất được một căn nhà. Những đứa còn lại, làm ở các cơ quan khác, lương tháng cũng cao hơn lương của ngành GD. Tiền thưởng tết thì cũng thoải mái mua sắm cho ngày tết và có chút mang về quê để biếu cha, mẹ làm quà. Còn tôi chỉ mua được cho hai đứa con mình mỗi đứa một bộ quần áo mới (coi cho được). Cuộc sống biết bao lo toan, chưa kể những lúc ốm đau phải lo tiền thang thuốc... Chúng tôi mong một sự điều chỉnh và sự quan tâm đúng mực để chúng tôi bớt phải tủi thân và đỡ phiền đến người thân và bạn bè khi có việc.

* Việc tăng lương hiện nay không chỉ là ngành giáo dục mà phải được đồng bộ, bởi lẽ nếu so sánh một giáo viên với một công chức khác cùng khu vực, cùng trình độ thì lương giáo viên còn cao hơn. Ví dụ như khu vực tôi đang sống, tôi tốt nghiệp bậc cao đẳng nhận lương hệ số 2,1 và khu vực là 0,7 thì chỉ được 1.820.000 đ/tháng, nhưng cũng một giáo viên bậc học cao đẳng đang dạy tại khu vực tôi thì ngoài hệ số 2,1; khu vực 0,7 còn thêm phụ cấp đứng lớp, tiền thu hút, tổng lương cũng gần 3 triệu đồng. Như vậy một người có trình độ ngang bằng, cùng khu vực lại chênh lệch nhau vậy thì giải thích thế nào? Nhưng đừng bảo họ làm nhiều hơn tôi đấy!

* Mỗi năm, khi tết về là một nỗi buồn lớn của tôi – một giáo viên. Nhìn mọi người được thưởng này thưởng nọ, trong khi mình chỉ không quá năm trăm ngàn đồng, không biết sẽ phải làm gì với số tiền này khi bao nhiêu thứ sắm tết cần phải làm.

Năm trăm ngàn đồng chỉ đủ mua vài thức ăn cho mấy ngày tết, còn áo quần mới của con, vật dụng trong nhà, tiền lì xì, tiền đủ thứ tiền thì sao…? Nỗi niềm này chỉ có giáo viên mới hiểu nhau.

* "Giáo viên sống bằng đồng lương", đây là câu nói quen thuộc mà từ lâu giáo viên ai cũng được nghe nhiều lần nhiều năm qua nhưng cũng không bao giờ thấy và có được trong thực tế. Tự nhiên nói đến lương tôi thấy có điều gì đó hơi bất công, cùng là công chức người thì thu nhập từ lương gần 80 triệu đồng một tháng còn giáo viên một tháng chỉ vài triệu đồng đủ sống cho mức sinh hoạt tối thiểu cho bản thân chứ chẳng giúp được gì nhiều cho gia đình. Mong năm 2010 cuộc sống giáo viên khá lên nhờ đồng lương chính đáng của họ.

* Tôi cũng là một giáo viên. Mặc dù chỉ mới theo nghề được 3 năm nhưng mỗi độ xuân về, tự nhiên thấy tủi thân vô hạn. Bạn bè chung lớp phổ thông cũ gặp lại chúng thay nhau khoe lương, thưởng cuối năm. Tự nhiên mình thấy chột dạ. Thôi tự an ủi vì mình theo nghiệp này thì phải chịu.

Tôi theo dạy một trường tư thục tại TP.HCM, hằng ngày phải làm việc cật lực từ 7g sáng đến 7g tối. Lương cũng tạm ổn nhưng hỡi ôi, mỗi khi Tết về đã không nhiều tiền thưởng lại còn nghỉ tết không lương. Buồn ơi là buồn!

------------------

Bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

 LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên