16/10/2008 05:16 GMT+7

Tôi đi phát tờ rơi

NGUYỄN VĂN CHUNG (SV Học viện Báo chí và tuyên truyền)
NGUYỄN VĂN CHUNG (SV Học viện Báo chí và tuyên truyền)

TT - Tôi quyết định đi kiếm việc làm thêm vì chuyện mất chiếc xe đạp. Đúng là đất Hà thành không như ở quê tôi, vừa lơ là quên khóa cổ chiếc xe là tôi phải “chia tay” nó mãi mãi.

Tôi đến trung tâm giới thiệu việc làm gần trường nhờ giới thiệu công việc phát tờ rơi. Anh nhân viên tiếp tôi bảo: “Em nộp 250.000 đồng rồi ký vào bản hợp đồng này. Xong xuôi, anh sẽ dẫn em đến địa điểm nhận tờ rơi đi phát”. Bản hợp đồng mà tôi và nhiều người vì cần việc làm nên phải đặt bút ký vào có quy định rất bất lợi cho người lao động: “Khi bên A đồng ý và đi làm công việc bên B đã giới thiệu thì bên B không có trách nhiệm với bất cứ thắc mắc về sau nào của bên A nữa”. Vì đang cần tiền để mua lại xe đạp, tôi đành móc túi nộp đủ 250.000 đồng cho trung tâm giới thiệu việc làm với suy nghĩ chắc tháng này mình phải nhịn ăn!

Buổi đi làm đầu tiên tôi đến thật sớm. Nắng hè oi ả cộng thêm đoạn đường khá xa khiến lưng áo tôi ướt đẫm mồ hôi. Chị phát tờ rơi cho tôi bảo: “Mỗi ngày em chỉ cần phát gần trăm tờ thôi”. Tôi thắc mắc: “Tiền lương hằng tháng của em tính như thế nào hả chị?” - “Thì tính theo số tờ rơi có phản hồi về công ty, và cứ một người nhận làm ở đây em được trả 30.000 đồng. Nếu một tháng có hơn năm người là đạt và như thế em sẽ được thưởng thêm 250.000 đồng. Nếu cả tháng không có tờ rơi nào quay về công ty thì em vẫn được trả lương, chỉ ít hơn thôi”.

Tôi ngập ngừng nhận xấp tờ rơi vì không hiểu nổi mình sẽ được trả lương như thế nào, mở miệng định hỏi thêm thì chị nhân viên gắt gỏng để cho chị tiếp người khác. Tôi bắt đầu thấy lo lắng nhưng đã mất 250.000 đồng cho trung tâm giới thiệu việc làm nên tôi chỉ có một con đường là nhận tờ rơi đi phát, không còn đường lui nữa.

Tôi vội vàng đến cổng một trường đại học gần nhất. Cổng trường vẫn đóng. Mới gần 16g30, gần tan học nên sinh viên chưa ra nhiều lắm. Tôi cẩn thận khóa chiếc xe đạp mượn của cậu bạn cùng phòng trọ vào cột điện rồi bắt đầu mời gọi người qua đường: “Anh ơi, anh cầm hộ em tờ phiếu ạ”, “Chị ơi, cầm giúp em tờ phiếu ạ”.

Tôi chạy lăng xăng hết người này đến người khác, có người cầm người không nhưng hầu hết đều hững hờ. Có người đi xe máy, xe đạp nên tôi phải chạy theo bỏ tờ rơi vào giỏ xe cho nhanh. Một vài người nhận tờ rơi trong tư thế bị ép như thế nên bực tức, chửi đổng rồi phóng xe vút đi sau khi ném vội tờ giấy xuống đất! Đến giờ tan trường, sinh viên ùa ra thật đông.

Thoáng cái tôi đã phát gần xong. Nhìn thấy một anh sinh viên trông dáng vẻ cũng người nhà quê lên Hà Nội học như mình, tôi chạy đến mời anh cầm cho một tờ. Nhận tờ giấy từ tay tôi, anh sinh viên ân cần nói: “Em là sinh viên năm đầu phải không? Đi làm thế này toàn bị lừa thôi. Anh cũng từng bị như chú rồi”. Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, anh nói tiếp: “Thôi cố mà làm cho hết tháng. Đấy rồi chú xem. Anh chẳng nói dối chú em làm gì”.

Phát tờ rơi cả tháng, ngày được nhận lương cũng tới. Chị thủ quỹ bảo số tờ rơi tôi phát ra chỉ hai tờ có phản hồi về công ty. Với hai tờ này, cộng thêm tiền công ty trả, tất cả tôi chỉ được nhận 150.000 đồng! Số tiền này chưa đủ giúp tôi gỡ vốn khi đã nộp cho trung tâm giới thiệu việc làm 250.000 đồng. Không nói chắc các bạn cũng hiểu cảm giác thất vọng của tôi lúc ấy.

Mãi sau này nói chuyện với nhiều sinh viên từng rơi vào cảnh ngộ như mình, tôi mới biết nhiều nơi thuê sinh viên đi phát tờ rơi đã lập lờ chuyện lương bổng để đến khi nhận lương, sinh viên mới ngộ ra mình bị lừa để làm không công.

NGUYỄN VĂN CHUNG (SV Học viện Báo chí và tuyên truyền)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên