15/01/2008 19:06 GMT+7

Gánh hàng rong…

ĐỨC HOÀNG (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang)
ĐỨC HOÀNG (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang)

TTO - Không biết tự bao giờ, gánh hàng rong của những người phụ nữ vất vả mưu sinh giữa chợ đời mưa nắng đã đi vào lòng tôi. Gánh hàng rong của mẹ tôi kĩu cà, kĩu kịt từ sáng tinh mơ đến lúc đỏ đèn nuôi chị em tôi ăn học nên người. Gánh hàng rong của bao bà mẹ khác...

IHNvd4j2.jpgPhóng to
Gánh hàng rong nhiều khi nuôi sống cả một gia đình nghèo - Ảnh: Tuổi Trẻ

Hồi trước, nơi tôi ở cũng có dì Tư - mà chúng tôi thường gọi là dì Tư cháo cá. Dì bán cháo cá ngon tuyệt trần đời, cháo nhuyễn, thơm và cá cũng ngọt hơn nơi khác. Tối đến, dì còn bán thêm chè thưng để nuôi gia đình gồm một người con trai lớn đang là “ lao công đào binh “ của chế độ Sài Gòn, một đứa con trai bằng tuổi tôi đang học tiểu học. Tiếng rao chè của dì vang lên trong đêm, trên con phố vắng “Ai chè thưng nước dừa đường cát hôn…” nghe sao buồn da diết. Chè dì Tư nấu cũng ngon tuyệt. Hình như những người nghèo lấy buôn gánh, bán bưng làm kế sinh nhai đều nấu ăn rất ngon!

Còn tôi, ngày tôi lên đường nhập ngũ, mẹ tôi còn mãi miết với gánh hàng ngoài chợ để nuôi các em tôi! Khi xe chuyển quân gần lăn bánh thì mẹ tôi tất tả chạy đến, với đôi quang gánh trên vai… chỉ kịp dúi vào tay tôi năm đồng bạc! Tiền lời một buổi chợ của mẹ với lời dặn qua hàng nước mắt: “Con đi ráng giữ gìn sức khỏe “. Xe chạy đi, tôi chỉ còn nhìn thấy mẹ tôi qua làn khói bụi nhạt nhòa, dáng hình gầy guộc và cam chịu.

Gánh hàng rong của mẹ và của dì Tư đã theo tôi suốt cả quãng đời sương gió, cả dì Tư và mẹ tôi đều theo ông, theo bà cả rồi nhưng vẫn còn đó những người phụ nữ vất vả sớm hôm với đôi gánh hàng rong làm kế sinh nhai.

Thế mà bây giờ, nghe nói là sắp cấm bán hàng rong, mà có bán cũng phải có giấy chứng nhận hợp vệ sinh gì đó của ngành Y tế! Nhà hàng, cửa hàng lớn có khi còn chưa có giấy chứng nhận hợp vệ sinh thì làm khó người nghèo mà chi? Chắc gì những nhà hàng, cửa hiệu, tiệm ăn lớn giữ vệ sinh bằng những người buôn bán hàng rong? Họ cũng cần giữ khách và vệ sinh như là một thứ không thể thiếu để bảo vệ “thương hiệu hàng rong“ của họ chứ!

Nói như vậy không phải không có người bán hàng rong bầy hầy, dơ bẩn nhưng không nên vơ đũa cả nắm. Và khi mà giá một tô hủ tíu, một tô phở hay bún bò trong các cửa tiệm cao ngất ngưởng thì gánh hàng rong với giá chỉ vài ngàn đồng cũng đủ no lòng những người dân lao động, người viên chức nghèo mỗi sáng trên đường đi đến sở làm.

Và những người bán hàng rong sẽ làm gì để sống nếu gánh hàng rong bị cấm? Câu trả lời tuy dễ mà khó này xin chờ đợi một lời giải thích từ phía những người ra lệnh cấm…hàng rong!

ĐỨC HOÀNG (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên