Phóng to |
Phải đến năm thứ ba, lớp tôi mới có một người đi xe máy. Đó như là một sự kiện. Dù chẳng gây dư chấn gì, nhưng mỗi lần bắt gặp nàng vào cổng, rẽ qua nhà dành cho số xe máy ít ỏi, ai nấy đều ngưỡng mộ ghê gớm. Dù nàng chẳng cao lớn gì. Dù đó chỉ là chiếc Wave Alpha đời đầu. Lúc ấy, tôi thấm câu quảng cáo của hãng bia Sài Gòn: “Có thể bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn”. Nói vậy để thấy xe máy với sinh viên Huế chỉ thấy trong mơ, hay truyện cổ tích đương đại.
Sinh viên các trường khác không biết, sinh viên trường sư phạm có ngày “mặc đẹp” vào thứ hai mỗi tuần. Theo đó, sinh viên nam phải sơmi bỏ trong quần, đi giày, thắt cà-vạt; sinh viên nữ mặc áo dài. Trong điệu bộ ấy, sinh viên nữ đã ra dáng cô giáo chứ không còn là nữ sinh, vì áo dài màu, không phải áo dài trắng như thời phổ thông; nhưng sinh viên nam, mới nhìn, khá buồn cười!
Trước khi là sinh viên sư phạm, tôi chỉ thấy những người đi giày đen, thắt cà-vạt trên xe hơi bước xuống, hoặc ít nhất cũng cưỡi xe máy, chứ chẳng ai đi xe đạp. Ngày đầu tiên “nhập vai” tôi thấy ngài ngại. Cảm giác có sự vô lý, xộc xệch, không đồng bộ, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Chân đạp xe thiếu hẳn tự tin. Nhưng rồi ra đường, đi được một đoạn, thi thoảng lại thấy ai cũng… giống mình, vào trường thì mọi người đều thế, đều một cổ hai tròng, đeo cà-vạt và bảng tên. Hóa ra cái sự mà tôi nghĩ vô lý lại thành hợp lý ở đất cố đô này từ lâu lắc rồi.
Tưởng tượng giữa Sài Gòn hay Hà Nội ồn ào, ngột ngạt có một chàng trai trẻ đi giày đen, áo bỏ trong quần, cổ đeo cà-vạt cưỡi trên chiếc xe đạp “ghẻ lở”, chắc chắn chàng trai ấy sẽ nhận được những cái chỉ trỏ, lời thì thầm bình phẩm to nhỏ khi qua một đám người nào đó. Chả vậy mà cậu bạn, một sáng thứ hai chạy xe ngang cổng khu cư xá, tấp xe vào lề đường, ngồi ăn ở hàng xôi trước khi vào trường, đã nhận được những tràng cười khúc khích. Khi nhóm khúc khích ấy lên ôtô mới biết là đoàn sinh viên của một trường ngoài Hà Nội vào Huế đi thực tế. Khi cậu bạn đứng dậy trả tiền, dì bán xôi mới nói, mấy cô ấy cười vì trông thấy cảnh cậu bạn đeo cà-vạt mà đi xe đạp.
Xe đạp phổ biến mà sinh viên hay đi là xe mini Trung Quốc, hoặc Nhật, hoặc các hãng của Việt Nam. Nhiều chiếc không biết xuất xứ từ đâu, vì truyền từ đời sinh viên này qua đời sinh viên khác. Xe phun sơn, thậm chí quét sơn đã trên dưới chục lần, không phải mấy bác sửa xe hay chủ hiệu cầm đồ thì không xác định được niên đại và xuất xứ. Họa hoằn lắm mới thấy vài chiếc xe hiệu Martin, loại vừa phải, giá trên dưới 1 triệu. Đa số là xe mini, mới cũ tùy loại, dao động từ 80 ngàn đến trên 500 ngàn một chiếc. Trong tập hợp hỗn độn những chiếc xe đạp ấy, nổi lên chiếc xe của Khánh, một cậu bạn trong lớp.
Không biết Khánh kiếm được ở đâu chiếc xe đạp nam, tay lái không dang ra mà cong võng xuống như xe đua. Chiếc xe tuy không còn mới nhưng thuộc hàng chắc nịch. Xe ấy không phải ai trèo lên cũng lượn lờ được, vì tay lái kiểu đó, nếu không quen rất dễ ngã dập mặt. Khánh có chiều cao lý tưởng, bỏ xa chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam đến hơn mười phân, nên trông nó ngồi dài lên xe rất ra dáng… thể thao, nổi bật giữa đám xe đạp khác. Vang bóng nhất là khi Khánh tán đổ một nàng trong lớp. Mỗi sáng thứ hai, nàng mặc áo dài ngồi lên khung xe phía trước, Khánh đi giày đen, áo sơ mi, thắt cà-vạt, vểnh phao câu đạp xe. Trông cảnh ấy, nhiều sinh viên chỉ biết nuốt nước bọt, thèm thuồng. Tôi cảm giác cặp đôi ấy có thể đi mãi tới lâu đài tình ái hay thiên đường ở đâu đó lắm. Chiếc xe đạp tôn hai người lên rất nhiều.
Sau này ra trường, rời Huế, tôi nhận thấy sinh viên ở Hà Nội, Sài Gòn, hay Đà Nẵng, Vinh, Đà Lạt…, nơi thì chủ yếu sinh viên đi bộ, nơi thì tiến thẳng lên xe máy, hoặc xe buýt, cương quyết không qua giai đoạn quá độ là đi xe đạp, hay có mà không đáng kể, vô cùng ít. Cảnh “xe đạp ơi!” chắc chỉ còn ở Huế là phổ biến. Nhất là nam sinh viên thắt cà-vạt đạp xe đạp thì mỗi ở Huế là thấy… có lý, và độc nhất vô nhị. Những nơi khác, nếu có, chắc chỉ là diễn để chụp ảnh, hay dịch vụ xe đạp đôi, một loại hình khai thác dành cho khách du lịch.
Áo Trắng số 22 ra ngày 1/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận