Phóng to |
Nhà cho du khách ngắm cảnh Vườn quốc gia Tràm Chim |
Từ lâu, nơi đây đã được nhiều người biết đến với chức năng bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài chim sếu, bảo tồn các loài động - thực vật bản địa, các nguồn gen quý hiếm, đồng thời duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên... Tiền thân VQG Tràm Chim là Công ty Nông Lâm Ngư trường Tràm Chim do UBND Đồng Tháp thành lập năm 1985 với mục đích là trồng tràm và khai thác thủy sản. Đến những năm 1991 trở thành khu bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh. Năm 1994 trở thành khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia. Năm 1998, trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim.
Anh Linh - hướng dẫn viên của Trung tâm du lịch VQG Tràm Chim - cho biết: “đến đây mà không thấy được cò thì coi như chưa từng đặt chân đến. Tuy chúng tập trung không cố định nhưng buổi sáng, đi sâu vào vườn chắc chắn sẽ có cơ hội thấy cò nhiều”. Chúng tôi xuống thuyền, vượt khoảng 13km đường thủy rẽ từng khúc rạch quanh co mới đến được trung tâm vườn. Những mô đất nhô lên thấp thoáng, khi con nước ròng chúng sẽ lại liền nhau thành một dải. Phía trên mô đất là những cây tràm, gáo, cà na... Mùa nước nổi, trái gáo chín có thể cảm nhận qua mùi vị mằn mặn chan chát, vị trái cà na cũng vừa chát vừa chua...
Rừng tràm là thảm thực vật thân gỗ có diện tích lớn nhất, chiếm khoảng 2.968ha trên tổng diện tích 7.313ha của VQG Tràm Chim. Do một số yếu tố tác động, hầu hết những cánh rừng tràm nguyên sinh đã biến mất và hiện nay chỉ còn lại những cánh rừng tràm tái sinh. Vòng quanh khu vườn tràm, đồng cỏ ngập nước theo mùa trải ra tít tắp, xen kẽ là các loài thực vật như cỏ năng, cỏ mồm, rong đuôi chồn... Hầu hết các loài chim đều thích nghi với đồng lúa ma (lúa trời). Sen trắng, sen hồng mọc len lỏi với bông súng, lúa trời và năn ống rạp thân nghiêng về một phía. Năn kim mới là thức ăn chính của sếu đầu đỏ. Vào mùa khô sau tết, sếu lại bay trở về làm mê hoặc lòng người bằng những vũ điệu loài chim thuộc họ hạc nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài 40 loài cá, có 231 loài chim (147 loài chim nước), trong đó có 13 loài chim quý hiếm được ghi vào Sách đỏ thế giới, cho thấy sự đa dạng về hệ sinh thái động vật của toàn khu vườn. Theo liệt kê của khu bảo tồn Tràm Chim, những loài chim thường gặp ngoài sếu còn có: già đẫy lớn, già đẫy Java, cò quắm đầu đen, cò thìa, cò trắng, cò bợ, te vàng, choi choi lưng đen, ngan cánh trắng, diệc lửa, cồng cộc, bồ nông chân xám, giang sen, sẻ bụi, bói cá... Nhiều hơn hết vẫn là đàn cò trắng hàng chục nghìn con, khiến Tràm Chim được xem là vườn cò lớn nhất ở vùng Đồng Tháp Mười. Cò là một trong những loài chim nhạy nhất, nhưng lại tồn tại nơi gần gũi bóng dáng con người. Thuyền dậy sóng đến đâu, cò giật mình tung bay nhưng rồi cũng đáp lại gần đó.
Phóng to |
Đài vọng cảnh ở vườn quốc gia Tràm Chim |
Số lượng động vật và thủy sản tại VQG Tràm Chim hoàn toàn vượt trội so với các khu bảo tồn đất ngập nước khác trong khu vực như khu bảo tồn thiên nhiên - du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư (An Giang), VQG U Minh Hạ (Cà Mau). Các loại hình du lịch nơi đây chưa thực sự phong phú nhưng nhờ vậy đã giữ được nét nguyên sơ của một khu vườn bát ngát tràm vươn cao.
Đứng trên đài vọng cảnh cao khoảng 20m đặt tại trung tâm VQG, phía dưới là một tấm thảm đủ gam màu xanh. Xanh sẫm của tràm, xanh non tơ của cỏ, xanh ngọc phía chân trời...
VQG Tràm Chim đang đối diện với nguy cơ bị một số người dân khai thác trái phép tài nguyên như cá, củi, cỏ... dẫn đến tình trạng dần suy kiệt tiềm năng nơi đây. Mặt khác, do hệ thống kênh đào phát triển rộng khắp, việc quản lý thủy văn sao cho phù hợp với nhu cầu của hệ sinh thái đất ngập nước là một vấn đề nan giải. Từ đó, đồng cỏ năn (nhất là năn kim - thức ăn chính của sếu) thu hẹp làm giảm số lượng sếu đầu đỏ bay về hằng năm. Hiện nay, VQG Tràm Chim còn bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự xâm lấn của cây mai dương - loài thực vật phát tán được xếp trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới đối với các khu Ramsar, khiến sự đa dạng sinh học ngày một hạn chế. Riêng việc phát triển du lịch sinh thái, đã đặt ra cho Trung tâm du lịch VQG Tràm Chim một vấn đề làm sao vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng, đóng góp cho bảo tồn mà không gây tác hại lên hệ sinh thái.
VQG Tràm Chim có giá trị đặc biệt như một bảo tàng thiên nhiên, nơi bảo tồn những loài động - thực vật hoang dã. Với sự đa dạng về sinh học và đặc trưng của khu vườn, đầu năm 2012 Tràm Chim đã đáp ứng được 6 trong số 9 tiêu chí xứng đáng là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới theo Công ước Ramsar (công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến trong việc bảo tồn và phát triển bền vững của VQG Tràm Chim.
Áo Trắng số 22 ra ngày 1/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận