29/04/2012 05:05 GMT+7

Ngôi trường dành cho học sinh... dở

 NGUYỄN THỊ MÂY (Trà Vinh)
 NGUYỄN THỊ MÂY (Trà Vinh)

AT - Đó là cách gọi riêng của bọn tôi ngày xưa khi nhắc đến Trường trung học bán công Trần Trung Tiên ở Trà Vinh.

3hppjql7.jpgPhóng to
Trường trung học bán công Trần Trung Tiên 1956

Hai chữ “bán công” như cái “thương hiệu học dở” gắn lên trán những đứa mài đũng quần trên ghế nhà trường. Bởi học sinh thi rớt vào lớp đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ) trường công chỉ có hai lựa chọn: một là học trường tư, hai là vào trường bán công. Những phụ huynh có con... học dở phần lớn chọn trường bán công vì học phí chỉ bằng một nửa trường tư. Tôi nghĩ mình là trường hợp ngoại lệ. Tôi đâu có học dở... hoàn toàn. Bằng chứng ở bậc tiểu học có tháng tôi trèo lên đến hạng nhất. Nhưng có tháng tụt xuống cuối lớp. Theo cách đánh giá của cô giáo thì tôi học không căn bản. Riêng ông ngoại tôi phán: “Học trồi lên, tụt xuống là do sử dụng cây roi mây chưa đều đặn”. Năm 1964, tôi thiếu nửa điểm là lọt vô trường công! Thầy Hà Khải Hoàn, hiệu trưởng Trường bán công Trần Trung Tiên năm đó, khi nhận hồ sơ của tôi đã gật gù: “Đứng sát ranh giới của giỏi và dở đó em. Chỉ cần cố gắng chút xíu là giỏi thôi”.

Ngôi trường tuyệt đẹp đứng nép dưới hàng dầu cổ thụ. Ba dãy phòng học xếp thành hình chữ U. Mỗi lớp có đến bốn cửa ra vào. Ánh sáng và gió mát tràn ngập. Ở góc sân có một cây ngọc lan chi chít hoa, hương bay la đà khiến bọn tôi thường nhầm lẫn là tóc mình thơm, tà áo dài gói hương trong đó. Dù vậy, ngoại cảnh cũng chưa đẹp bằng tấm lòng thầy cô ngày ấy. Họ thật sự là những người yêu trẻ. Họ kiên nhẫn, bền bỉ trước những đứa học trò mắt thao láo nhìn lên bảng, vểnh tai lắng nghe, há hốc mồm như uống từng lời giảng. Nhưng nếu thầy cô hỏi lại thì chúng chẳng hiểu gì hết! Như tôi chẳng hạn. Giờ ra chơi thì khác. Bản năng vui đùa trỗi dậy mãnh liệt. Trong sân đủ loại trò chơi được bày ra. Con gái cột hai tà áo dài qua bên hông rồi nhảy dây hay lò cò. Bọn con trai thì đuổi bắt hay đánh trận giả. Chúng nhảy lên mặt bàn rồi bay xuống đất. Có lần thằng Phong bay luôn vô bệnh viện vì hụt chân, úp mặt xuống sàn lớp, chảy máu trán. Vậy mà bọn con trai vẫn không tởn.

Giáo sư hướng dẫn lớp tôi là thầy Lê Văn Hai. Thầy vừa ra trường được bổ nhiệm về dạy môn toán và “bị” phân công giáo sư hướng dẫn lớp tôi, một lớp nổi tiếng phá phách. Thầy trẻ và đẹp trai nhất trường. Đặc biệt là nước da trắng bóc và môi son như con gái nên chúng tôi nghĩ thế nào thầy cũng bó tay trước lớp học nghịch ngợm. Nhưng khi thầy tổ chức lớp, phân công tổ trưởng theo dõi học tập của tổ viên thì mọi suy nghĩ của bọn tôi bị đảo lộn. Thầy dạy rất dễ hiểu nên giờ toán hầu hết học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên. Các bạn kém, thầy gom lại dạy kèm miễn phí. Thầy dạy môn quốc văn là Trần Văn Đáng, cô dạy môn lý - hóa là Trần Thị Mỹ Ngọc cũng vậy. Thầy cô thay phiên dạy kèm. Kết quả là chữ “ngu”, chữ “dở” dần dần tạm biệt bọn tôi.

Năm tôi lên lớp đệ lục (lớp 7), thầy Nguyễn Trung Thứ phụ trách môn Toán. Thầy Thứ cũng tận tâm như thầy Hai nên học sinh đa số giỏi toán. Ấn tượng nhất đối với bọn tôi năm này là thầy Nguyễn Văn Thành dạy nhạc. Thầy ốm và cao lêu nghêu. Bao giờ đến lớp thầy cũng cắp bên hông phải cây đàn guitar và vai trái đeo một cái túi xách đầy ắp tập thơ và nhạc. Có lần tôi hỏi: “Sao thầy mang theo chi nhiều quá cho nặng?”. Thầy bảo: “Đây là gia tài của thầy. Lúc nào thầy cũng muốn tay trĩu cây đàn, vai oằn túi thơ”. Lúc đó tôi đã nói một câu mà các bạn bảo vô duyên chưa từng thấy: “Nhưng như vậy nặng lắm, sẽ bị lùn đó thầy”. Tưởng thầy giận, ai dè thầy lim dim mắt: “Oằn vai gánh nhạc và thơ!”. Lúc đó, bọn tôi phải ráng hết sức để không bật ra những tiếng hi hi, ha ha...

Đó là năm học vui nhất. Cuối năm, tôi được lãnh thưởng. Thầy cô đã cho chúng tôi niềm tin vào sự kiên trì học tập sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp. Đầu năm học 1966-1967, trường công lập bất ngờ tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ). Tôi đã thi đỗ. Điều làm mẹ và thầy cô hãnh diện nhất là tôi đỗ thủ khoa với số điểm chót vót. Tôi đã rời ngôi trường dấu yêu trong niềm thương mến và lưu luyến.

Tuy chỉ học ở Trường trung học bán công Trần Trung Tiên hai năm nhưng chính ở đó, tôi được sống những ngày đáng sống nhất. Bây giờ, nơi đó trở thành Trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc Trường đại học Trà Vinh. Cái tên Trường trung học bán công Trần Trung Tiên chỉ còn trong ký ức của bọn tôi. Nhưng chính nơi đó đã gieo hạt giống tâm hồn tươi đẹp, đã ươm mầm mơ ước trở thành cô giáo trong tôi và các bạn. Chúng tôi mơ được đi theo dấu chân người xưa, để được yêu thương, tận tâm với học sinh như thầy cô trong ngôi trường dành cho học sinh... dở ngày nào.

HTNbNOHV.jpgPhóng toÁo Trắngsố 7 ra ngày 15/04/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 NGUYỄN THỊ MÂY (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên