Đỗ vào hệ cao đẳng của Trường đại học Quảng Nam, nhưng giờ ALăng Văn Gáo, chàng sinh viên người Cơ Tu, vẫn băn khoăn trước con đường đến giảng đường phía trước. Dẫu vẫn rất quyết tâm, dẫu vẫn tràn đầy niềm tin, nhưng khó khăn đang đón chờ Gáo không phải là nhỏ.
Phóng to |
Alăng Văn Gáo |
Từ cậu học trò mê thơ
Chúng tôi về Đông Giang trong những cơn mưa cuối chiều nối tiếp nhau. Căn nhà nhỏ của Gáo nằm nghiêng bên sườn núi. Gáo đang chuẩn bị hành trang để xuống trường nhập học. Cả nhà đang chạy vạy cho em tiền để ổn định chỗ ăn chỗ ở bước đầu. Gương mặt chàng tân sinh viên này hiện lên niềm lo lắng hơn là vui mừng. Tuy vậy, em cũng không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi những gì đang ấp ủ. Ngay từ hồi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, ALăng Văn Gáo đã cho thấy năng khiếu và niềm đam mê thơ văn của mình.
Ban đầu Gáo chỉ viết cho vui, cho khuây lòng giữa núi rừng quê hương mỗi sáng mỗi chiều. Nhưng rồi Gáo tìm hiểu, gửi thơ cho các báo, tạp chí văn nghệ địa phương và trung ương. Và vui là thơ của Gáo đã được đăng khá nhiều trên Áo Trắng, trên tạp chí Văn Nghệ Đất Quảng và một số tờ báo khác.
Dù ở khu vực miền núi Đông Giang mọi điều kiện còn rất khó khăn nhưng em vẫn tìm đến với thơ, với những người yêu thơ hiếm hoi ở đây để đọc thơ, thuộc thơ và yêu đời, vững tin hơn từ những câu thơ ấy.
Đọc thơ Gáo, có những câu, những bài hồn nhiên, chân chất như sương núi, như cây rừng Đông Giang. Từ âm vang ngày mùa rất riêng của đồng bào Cơ Tu:
“Đêm bên ánh lửa hồng bập bùngTiếng cồng chiêng nghe rộn rã gọi mờiGái trai cùng Tung Tung Za ZăBên mái Gươl, già làng say sưa hát điệu dân caNghe thơm lựng mùi lúa mớiNghe cơm lam tỏa hương nóng hổi”...
(Ngày mùa)
Đến những lời thơ tự sự thiết tha đến nao lòng của một người con trong gia đình không đầm ấm:
“Mẹ có tội gì đâuSao ba lại nhẫn tâm làm thếNhững vết xước bầm tím trên thân hình của mẹTừ bàn tay ba mà ra”...
(Chuyện gia đình)
Và câu chuyện đến giảng đường
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2011, vừa tốt nghiệp THPT, với niềm đam mê thơ văn của mình, ALăng Văn Gáo đăng ký thi vào ngành sư phạm ngữ văn của Trường đại học Quảng Nam.
Nhưng do thời gian ôn thi không nhiều vì sau khi tốt nghiệp THPT, hằng ngày Gáo phải vào rừng làm thuê để có tiền đi thi đại học; điều kiện để tiếp cận kiến thức còn hạn chế nên Gáo không đến được với ước mơ, đành chuyển nguyện vọng 2 xuống ngành cao đẳng Việt Nam học. Không nản lòng, Gáo quyết tâm xuống Tam Kỳ vừa học vừa ôn để năm sau thi lại đại học.
Nhà Gáo lại thuộc diện khó khăn của xã Ba. Gáo còn có một anh trai nữa đang học Đại học Sư phạm Huế. Bao nhiêu khó khăn chồng chất lên đôi vai gầy của ba mẹ em. Mà gia đình Gáo vốn chỉ sống dựa vào làm nương làm rẫy.
Tâm sự với chúng tôi, Gáo bảo: “Khi nhận được giấy báo trúng tuyển nguyện vọng 2, thật sự em không biết phải làm sao. Đi xuống nhập học thì không có tiền. Ở nhà cũng quẩn quanh với rừng, với núi. Em thích tìm tòi những chân trời mới, những kiến thức mới về thơ văn cũng như về mọi mặt. Mà có xuống phố nhập học, mới có điều kiện tiếp xúc với những điều mới ấy được. Và em quyết tâm đi học. Gia đình dù rất khó khăn nhưng cũng ủng hộ em”.
Ngoài giờ lên lớp, Gáo tranh thủ đi làm phụ hồ cho các công trình ban ngày. Ban đêm, em xin giữ xe cho một quán cà phê gần trường. Phải vất vả thế vì Gáo bảo tiền nhà cho đem xuống đã gần hết. Em phải cố gắng tiết kiệm và lao động để mong có tiền tiếp tục đến giảng đường. Nhưng con đường phía trước của em chắc chắn sẽ còn không ít khó khăn. Và em cần lắm sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người để vững bước với niềm tin mình đã chọn.
Áo Trắng số Tất Niên (số 1) ra ngày 15/01/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận