12/10/2010 08:21 GMT+7

Aftershock: Dư chấn của cả một đời

HỮU CÔNG
HỮU CÔNG

AT - Hơn 30 đã trôi qua, trận động đất kinh hoàng Đường Sơn 1976 lần đầu tiên bước lên màn ảnh rộng đã rúng động không ít khán giả. Dẫu cho dư chấn của thiên tai đã lắng xuống sau chừng ấy thời gian, nhưng dư chấn trong lòng người vẫn còn âm ỉ của cả một đời.

hcPGk6a3.jpgPhóng to

Hình tượng người mẹ được diễn viên Từ Phàm thể hiện rất thành công

Aftershock (*) có tựa tiếng Việt là Đường Sơn đại địa chấn hay Dư chấn, được ví như một thiên sử ca, một bộ phim đầy cảm động về thảm họa của cả nhân loại chứ không chỉ là của một quốc gia (Trung Quốc).

3 giờ 42 phút sáng 28-7-1976, khi thành phố Đường Sơn vẫn đang trong giấc ngủ thì cơn đại địa chấn kinh hãi 7,8 độ Richter đã ập đến. Hai chị em sinh đôi bị đè ở hai đầu của một tấm bêtông dưới đống đổ nát. Người mẹ Lý Nguyên Ni (Từ Phàm thủ vai) chỉ có thể được chọn cứu một đứa con duy nhất và điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải hi sinh đứa còn lại. B

ởi khi một đầu của tấm bêtông được nâng lên thì đứa bé ở đầu kia sẽ bị nghiền nát. Người mẹ bị đặt trong sự lựa chọn khốn khó nhất của đời mình và khi không còn cách nào khác, bà đành thốt lên trong nỗi thất thần: “Hãy cứu lấy con trai của tôi”. Phương Đăng - cô con gái phía dưới đống đổ nát - đã nghe rất rõ từng từ trong câu nói của mẹ mình.

Tuy nhiên, cô bé đã may mắn sống sót đến diệu kỳ. Cô bé được một gia đình quân giải phóng nhận nuôi và đổi họ thành Vương Đăng. Cô bé ngày càng trở nên lầm lì và ít nói, như là một cách để chôn giấu những gì đã qua. Phương Đăng luôn muốn quên đi quá khứ nhưng ký ức chưa bao giờ ngủ yên trong cô và cả những người thân.

Người mẹ vẫn chỉ sống cô độc trong căn nhà cũ kỹ và chật hẹp (dù kinh tế đã khá giả) chỉ để gặm nhấm “tội lỗi”: không cứu được cả hai đứa con cùng lúc. Mãi cho đến 32 năm sau cái ngày định mệnh đó, năm 2008, một trận động đất ở Tứ Xuyên tiếp tục cướp đi nhiều sinh mạng, Phương Đăng từ Canada vội vã trở về quê hương tham gia đội tình nguyện. Cô tận mắt chứng kiến một người mẹ chết lặng đi khi quyết định dùng cưa cắt bỏ chân của con mình thay vì có nhiều người cứu hộ khác phải chôn thân. Chính lúc đó cô mới hiểu được nỗi lòng của mẹ mình sau chừng ấy thời gian của cơn dư chấn trong lòng...

Chung một nỗi đau

Việc tái hiện sao cho chân thật và sinh động bối cảnh Trung Hoa của hơn ba thập kỷ trước là một thử thách đối với các nhà làm phim. Chính vì vậy, đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã mở họp báo và kêu gọi sự đóng góp những đồ vật sinh hoạt thường nhật từ quần chúng.

Kết quả ngoài mong đợi, đoàn làm phim đã nhận được hàng trăm chiếc xe đạp, từ những đồ vật nhỏ nhất như hộp đựng đồ ăn trưa cho trẻ em, tới những đồ vật lớn hơn như máy khâu hay tủ quần áo. Trương Quốc Cường, thủ vai người chồng đoản mệnh trong phim, cho biết: “Mọi thứ trông hệt như những gì tôi còn nhớ được từ khi còn là một đứa trẻ: đèn tín hiệu giao thông, trang phục, rạp chiếu bóng, bệnh viện... Bạn có thể gọi tên từng thứ ấy. Thật kỳ diệu”.

Yếu tố con người cũng là một phần không nhỏ tạo nên sự hoành tráng cho cảnh quay của cơn đại địa chấn. Đã có đến 2.000 diễn viên quần chúng tham gia vào cảnh quay lớn nhất của phim. Đó là những con người hiện đang sinh sống tại Đường Sơn và hầu hết đều có người thân tử nạn trong trận động đất. Chính vì vậy, Aftershock đã gợi cho họ rất nhiều về những ký ức đau buồn, nhưng họ vẫn có mặt ở trường quay hằng ngày để ủng hộ đoàn làm phim.

Họ liên tục có mặt ở trường quay trong khoảng 30 ngày chỉ với quần ngắn, áo phông trong tiết trời lạnh và mưa của tháng 10, để thực hiện quay bối cảnh cho câu chuyện phim diễn ra vào tháng 7, mà không có bất kỳ lời phàn nàn nào. Nhà sản xuất Hồ Hiểu Phong nhớ lại: “Có một diễn viên quần chúng mà tôi nhớ mãi. Hôm đó anh ấy mặc áo phông và quần đùi trắng. Đó là một cảnh quay rộng. Tất cả những gì anh ấy phải làm là ngã, và anh ngã thật. Hết lần này đến lần khác. Cho đến khi thật sự chảy máu. Tôi vô cùng khâm phục. Trong môi trường như vậy, bất cứ ai cũng phải nghiêm túc về việc mình đang làm”.

Tất cả những con người ấy ở Đường Sơn đều có chung một nỗi đau. Mỗi một năm vào cùng một ngày họ lại đốt vàng mã cho hơn 240.000 người đã tử nạn trong trận thảm họa. Và điểm này đã được khai thác và truyền tải đầy tinh tế trong Aftershock.

Nhà sản xuất Hồ Hiểu Phong chia sẻ: “Tôi đã thật sự cảm động khi quay cảnh những người sống sót đốt vàng mã cho người đã chết. Hôm đó, khi đạo diễn hô “cắt”, không ai dừng lại, họ tiếp tục khấn vái. Chúng tôi đứng đó trong im lặng, rồi cùng họ bày tỏ nỗi tiếc thương, hoàn toàn không có khái niệm gì về việc nghỉ giải lao ăn tối”.

(*) Phim được khởi chiếu tại Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam từ ngày 15-10 sắp tới.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Ro5MJv5X.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 (ra ngày 1-10-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên