15/10/2008 05:32 GMT+7

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Người vẽ biệt thự cổ Đà Lạt

NGUYỄN TẤN ON thực hiện
NGUYỄN TẤN ON thực hiện

AT - Làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh, nhưng dường như cái duyên với hội họa đã mang lại cho họa sĩ Vi Quốc Hiệp nhiều thành công. Anh quê Lạng Sơn, dân tộc Tày.

0h5Ri0GI.jpgPhóng to

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1971, sau giải phóng được Bộ Văn hóa cử vào Đà Lạt công tác năm 1978. Yêu người thích cảnh, anh ở lại làm người Đà Lạt và nhận nơi đây làm quê hương thứ hai. Nhân kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, anh sẽ có cuộc triển làm vào tháng 11-2008 với 115 bức tranh vẽ về Đà Lạt.

* Đà Lạt có ảnh hưởng như thế nào trong sáng tác của anh?

- Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Tôi học trung cấp bảy năm (1960-1966) tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau đó học thẳng lên đại học năm năm. Ra trường, tôi lên Hà Giang công tác năm năm, đến năm 1978 được Bộ Văn hóa điều vào Lâm Đồng - Đà Lạt công tác. Vào Đà Lạt, ban đầu theo mạch vẽ có sẵn là vẽ đồng bào dân tộc, dần dần tôi phát hiện rất nhiều ngôi biệt thự cổ Đà Lạt ẩn hiện trong rừng thông, trên đồi xa hoặc ở một góc phố nào đó.

Mỗi ngôi biệt thự có kiến trúc khác nhau. Những bức tranh biệt thự cổ tôi vẽ đầu tiên vào năm 1983. Vẽ xong biệt thự này lại ấn tượng với biệt thự khác, dần dần ấn tượng trở thành một dòng cảm xúc sáng tác giúp tôi thăng hoa và kiên trì đề tài đó đến giờ.

* Hà Nội có "phố Phái", trong tranh anh có biệt thự cổ Đà Lạt. Có thể đây là một dấu ấn riêng của một kiểu sáng tạo. Cảm nhận của anh về sự thay đổi của những ngôi biệt thự cổ hiện nay?

- Mỗi họa sĩ nếu thực thụ chuyên nghiệp, yêu nghề, có ý thức giữ gìn những nét đẹp truyền thống và thiên nhiên đều muốn xây dựng một lối vẽ riêng, một phong cách riêng để khi công chúng nhìn vào họ nhận ra đó là tranh của ai. Là một họa sĩ, tôi luôn mong muốn và cố tạo cho mình một kiểu vẽ hoặc một phong cách thể hiện, một đề tài chưa ai quan tâm. Vì những năm 1980 đất nước còn nghèo, tranh hay các loại nghệ thuật khác chưa có điều kiện phát triển.

Song cá nhân tôi phát hiện biệt thự cổ chỉ có ở Đà Lạt mà chưa ai vẽ. Tôi cố gắng vẽ ký họa thật nhiều, với nhiều kiểu dáng riêng. Phương tiện đi lại khi đó chỉ là chiếc xe đạp nhưng tôi đi khắp các vùng trong Đà Lạt, miễn là nơi đó có biệt thự cổ. Hà Nội đã có "phố Phái", tôi không muốn lặp lại lối vẽ của ông mà tôi muốn dựa vào phong cảnh đồi núi nhấp nhô Đà Lạt, dựa vào khí hậu, cảnh quan, dựa vào các mùa trong năm của Đà Lạt lồng vào tranh của mình. Vì vậy tên những bức tranh của tôi mang đậm dấu ấn thiên nhiên, cây cối Đà Lạt như: Đà Lạt mùa cúc quỳ, Đà Lạt trong sương sớm, Đà Lạt vào thu... Lối thể hiện từ bột màu chuyển qua sơn dầu, từ trường phái ấn tượng lập thể tới trừu tượng.

9K11hzmv.jpgPhóng to

Một phác thảo biệt thự cổ Đa Lạt của Vi Quốc Hiệp

* Những trường phái hay trào lưu nào ảnh hưởng sâu sắc đến bút pháp của anh?

- Các họa sĩ học Trường Đông Dương thường vẽ theo hiện thực, dựng hình bố cục vững và tả thực, tôi từng là sinh viên của trường nên không khỏi ảnh hưởng đó. Những năm 1970, 1980 tranh tôi còn khô cứng vì vẽ gần hiện thực quá. Sau vào Đà Lạt, đi TP.HCM, ra Hà Nội, qua sách báo tôi được tiếp xúc nhiều kiểu vẽ của những bậc đàn anh đi trước như: Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Trịnh Thanh Tùng... rồi phong cách mới của Picasso, Van Gogh... ảnh hưởng đến phong cách vẽ của tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn uyển chuyển để không bị giống ai khi áp dụng vào vẽ biệt thự cổ Đà Lạt.

* Hiện có rất nhiều trào lưu trong hội họa. Anh đón nhận chúng thế nào?

- Là người sáng tạo ai cũng muốn vươn lên trong nghề nghiệp và phải tạo được phong cách của riêng mình. Gần đây một số họa sĩ trẻ lao vào trào lưu: nghệ thuật sắp đặt, video art... tôi cho rằng những thứ đó chẳng có gì lạ vì ở phương Tây đã có từ hơn 50 năm nay. Tôi đang tìm tòi thể hiện một số tranh trừu tượng về âm nhạc và đã có một số thành công nhất định.

* Đà Lạt đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 115 năm hình thành và phát triển. Anh sẽ mở triển lãm với 115 tác phẩm. Có bao nhiêu tác phẩm về Đà Lạt, bao nhiêu tác phẩm về biệt thự cổ?

- Năm 2003, tôi đã triển lãm 110 bức tranh nhân kỷ niệm 110 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Tôi có ý định triển lãm 115 bức tranh trong năm 2008. Lần này có nhiều tranh tôi mới vẽ và tôi dành 90 bức tranh vẽ biệt thự cổ (trong triển lãm này có năm bức vẽ từ năm 1983), 25 bức còn lại sẽ là thiếu nữ năm bức, huyền thoại thác năm bức. Còn lại vẽ hoa Đà Lạt và một số bức vẽ môi trường xã hội cho phong phú phòng tranh.

Ngoài ra tôi sẽ thường trực ở phòng triển lãm vẽ chân dung cho khách du lịch, số tiền thu được sẽ ủng hộ người nghèo. Hiện tại tôi đã in xong tờ gấp hai mặt với các nội dung: thơ - nhạc - họa sẽ tặng người vào xem triển lãm kèm giấy mời. Tôi tự thấy đây là một cuộc triển lãm công phu và có chuẩn bị kỹ lưỡng. Nó cũng là giấu ấn kỷ niệm 30 năm ngày tôi vào Đà Lạt, 60 năm ngày sinh. Vì thế triển lãm lần này tôi lấy tên là "Ấn tượng biệt thự cổ Đà Lạt".

* Chân thành cảm ơn anh. Chúc anh thành công trong cuộc triển lãm lần này.

UTbXAcSz.jpgPhóng to

Áo Trắng số 33 (ra ngày 1-10-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN TẤN ON thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên