Sinh viên ngành cơ khí Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thực hành tại xưởng của trường. Ảnh: M.G.
Tại hội thảo giáo dục trong thời đại 4.0 do Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tổ chức mới đây, nhiều ý kiến từ các chuyên gia giáo dục cho rằng Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này.
Có nhiều nguyên do xuất phát từ cơ cấu kinh tế, sử dụng lao động, và đặc biệt là việc đào tạo hiện nay của các trường chưa bắt kịp xu thế của khu vực và thế giới.
Nguy cơ thất nghiệp cao
Theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế vào tháng 7-2016, khoảng 70% vị trí công việc tại Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa. Con số này thấp hơn Trung Quốc (75%) nhưng lại cao hơn nhiều so với Singapore (35%), Thái Lan (45%), Philippines (50%)…
Ước tính có khoảng 86% lao động trong các ngành dệt may - da giày và 75% lao động trong ngành điện tử của Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao do những tiến bộ về khoa học kỹ thuật.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có gần 55 triệu lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên. Trong số này, chỉ có 7,8 triệu người đã qua đào tạo, chiếm 15,5%. Như vậy cả nước có đến 84,5% số người làm việc chưa qua đào tạo.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tăng bình quân 3,5%/năm nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Ông Phạm Ngọc Hòa - Học viện chính trị khu vực IV - cho biết Canon, một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã tiến hành cải tiến máy móc, công nghệ. Sau gần 8 năm cải tiến, số lao động trực tiếp tại nhà máy giảm từ 13.000 xuống chỉ còn 8.000 trong khi lợi nhuận vẫn giữ nguyên. Như vậy có đến 5.000 lao động đã bị thay thế bởi máy móc.
"Lực lượng lao động chưa qua đào tạo của Việt Nam còn rất nhiều. Việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và sáng tạo vẫn còn rất hạn chế. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam", ông Hòa nói.
Trong khi đó, ThS Trần Thị Thu Hà - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho rằng chuyển dịch cơ cấu lao động trong gần 30 năm qua của Việt Nam rất chậm và chậm hơn nhiều nếu so với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trình độ tay nghề của người lao động thấp là trở ngại lớn nhất để chúng ta bắt kịp với các thành tựu khoa học - công nghệ hiện nay và ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ cũng là một vấn đề nan giải.
"Trong tương lai, nhiều lao động trong các ngành, nghề của Việt Nam có thể thất nghiệp, ví dụ như lao động ngành nông nghiệp, dệt may, kế toán, lắp ráp và sửa chữa thiết bị.
Trong khi đó, số lao động này hiện đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay. Có thể nói chắc chắn rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đe dọa lao động kỹ năng thấp và một số công việc như hành chính, văn phòng…" - bà Hà nói thêm.
Đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 là trách nhiệm của ngành giáo dục - đào tạo.
Nhiều lĩnh vực kinh tế và ngành nghề mới xuất hiện như chế tạo robot, tự động hóa, phương tiện không người lái, năng lượng tái tạo, trợ lý ảo, điện toán đám mây... Tuy nhiên, giáo dục ĐH và nghề nghiệp của Việt Nam vẫn đang chậm đổi mới trong sân chơi này.
Ông Liêu Quang Hiệp - Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM - cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt ra những yêu cầu mới về kiến thức kỹ năng và tâm thế của người lao động.
Các kiến thức kỹ năng bao gồm tư duy hệ thống, phản biện, kỹ năng thích nghi, sáng tạo; nhóm kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng số, kết nối và nhóm kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm.
"Việc áp dụng tổng hòa kiến thức kỹ năng và tâm thế đổi mới sáng tạo quan trọng hơn nhiều so với những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt trước đây. Đây cũng là những yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo trong việc tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới", ông Hiệp cho biết thêm.
Đào tạo phải thay đổi
Theo bà Huỳnh Thị Phương Thúy - Trường ĐH Văn Lang - Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Muốn hòa nhập xu thế 4.0, yếu tố then chốt là nguồn lực. Giáo dục Việt Nam cần phải có những đổi mới tương ứng.
Nói về chương trình đào đạo các trường ĐH, CĐ Việt Nam hiện nay, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - ĐHQG TP.HCM - cho rằng chương trình của các cơ sở đào tạo Việt Nam hiện nay vẫn chưa linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với xu thế thị trường lao động cách mạng công nghiệp 4.0.
"Trong cuộc cách mạng này, giáo dục nghề nghiệp phải cập nhật nhanh chóng nghề đào tạo và chương trình sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục", ông Vũ nói.
Đồng quan điểm, ThS Trần Thị Thu Hà đề xuất mở rộng đào tạo các ngành, nghề mới hoặc bổ sung, cập nhật các kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ của công nghiệp 4.0 trong chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - đề xuất cần phải kịp thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên, đặc biệt là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ sự chuyển dịch của nền sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Bà Huỳnh Thị Phương Thúy cho rằng các trường cần phải thay đổi chương trình đào tạo theo hướng liên ngành cao với những kiến thức cơ bản rộng, lồng ghép các ngành học về trí tuệ nhân tạo, đẩy mạnh ứng dụng internet.
Các trường cũng phải xây dựng đồng bộ hạ tầng thông tin, triển khai mô hình trường học thông minh, áp dụng các mô hình học tập mới như phòng học ảo, thư viện ảo, tăng cường hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp...
Để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Dương Đình Dũng - Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM - đề xuất trước tiên các trường cần phải xác định lĩnh vực đào tạo hướng về tương lai, dạy những gì đáp ứng cho thị trường và dạy cái sẽ dùng.
Ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới mô hình nhà trường, việc tăng cường đào tạo kỹ năng mềm là điều tối quan trọng phải trang bị cho người học.
Đào tạo và đào tạo lại thích ứng cách mạng 4.0
Giáo dục nghề nghiệp (CĐ, trung cấp, nghề) là một trong những bậc đào tạo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - cho biết hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, trong đó tập trung vào một số giải pháp chính.
Thứ nhất, đổi mới quản lý GDNN, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Thứ hai, đổi mới chương trình, tổ chức hoạt động đào tạo. Cụ thể, sẽ xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở GDNN xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong dạy học cho các cơ sở GDNN.
Thứ ba, nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN. Giải pháp thứ tư là gắn kết với doanh nghiêp trong hoạt động đào tạo. Đẩy mạnh phát triển đào tạo tại doanh nghiệp, phát triển các trường trong doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với công nghệ và tổ chức của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận