26/12/2017 21:30 GMT+7

237.000 người trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Theo số liệu do Viện Khoa học lao động và xã hội công bố, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm trình độ đại học trở lên trong quý 3-2017 tăng mạnh so với quý trước.

237.000 người trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp - Ảnh 1.

Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh lý giải về các thống kê tại hội thảo "Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3-2017" diễn ra chiều 26-12 - Ảnh : CHÍ TUỆ

Theo đó trong quý 3-2017, cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó nhóm trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý 2, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%. 

Số thanh niên thất nghiệp là 610.000, tăng gần 36% so với quý 2, tỉ lệ thất nghiệp ở mức 7,8%...

"Sinh viên sau tốt nghiệp phải đào tạo thêm"

Lý giải về tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến của nhóm trình độ đại học trở lên, viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh cho rằng vào khoảng cuối quý 2, nhiều sinh viên tốt nghiệp, sau khi tốt nghiệp xong phần lớn phải mất từ 3-6 tháng để tìm việc. 

Ngoài ra cũng do nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp thường xuyên thay đổi.

Về nguyên nhân khiến nhiều sinh viên sau tốt nghiệp phải mất 3-6 tháng để tìm việc, ông Vinh cho hay do đào tạo của các trường và các doanh nghiệp chưa được tốt, nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế chỉ ra sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ta hiện nay khi học xong chưa làm việc được ngay, phải mất thời gian đào tạo thêm các kỹ năng khác.

"Nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng vào phải mất thời gian đào tạo từ 3-6 tháng, nếu không các em phải tự đi học thêm các kỹ năng khác như ngoại ngữ, công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm. Đây chính là khiếm khuyết trong đào tạo của chúng ta cần phải được cải thiện.

Để rút ngắn khoảng cách này, nhà trường và doanh nghiệp phải kết hợp để ngay từ đầu doanh nghiệp tham gia vào xây dựng, các chương trình, giáo trình đào tạo việc làm để các em có cơ hội cho các em thực hành ngay từ thời gian đang học để không chỉ nắm được lý thuyết mà nắm được thực hành các kỹ năng, yêu cầu của doanh nghiệp", ông Vinh nói.

Tăng đãi ngộ để giữ chân người lao động sau tết

Theo nhận định của ông Vinh, thị trường lao động trong đầu năm 2018 nhiều khả năng sẽ duy trì ổn định và tạo việc làm rất tốt, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ.

Dự báo tăng trưởng GDP trong quý 4 khoảng 7,5-7,7%, tổng số việc làm đạt khoảng 54 triệu người, một số ngành như công nghiệp chế tạo, chế biến, xây dựng, vận tải kho bãi, kinh doanh bất động sản dự báo tăng khoảng 383.000 lao động. 

Về việc thiếu lao động do người lao động chưa trở lại làm việc hay nghỉ việc sau tết, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh & xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết tình trạng này năm nào cũng diễn ra.

Tuy nhiên từ năm 2016, nhiều doanh nghiệp chủ động ra chính sách đãi ngộ tốt hơn như hỗ trợ một phần tiền xe cộ về quê ăn tết, tiền mừng tuổi, lì xì đầu năm nếu người lao động quay trở lại đúng ngày... và đã "giữ chân" được người lao động.

"Việc can thiệp để người lao động quay trở lại làm việc đúng ngày đúng tháng, các cơ quan nhà nước chắc không làm được vì đây là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, muốn giữ được người lao động thì ứng xử của doanh nghiệp là quan trọng nhất", Thứ trưởng Diệp nói.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên