Những cái chết kinh hoàng do tác động của tự nhiên và con người đã khiến thời kỳ Trung Cổ nhuốm màu đỏ rùng rợn - Ảnh: NATIONAL INTEREST
Nhắc tới thời kỳ Trung Cổ, người ta thường hình dung về một giai đoạn tăm tối nhất của nhân loại với dịch bệnh, phù thủy, sự giết chóc và những hình thức tra tấn man rợ khiến ai cũng phải kinh hồn.
Đây là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử châu Âu, kéo dài từ thế kỷ 5 tới 15. Nó bắt đầu với sự sụp đổ của đế quốc Tây Rôma và chấm dứt khi hòa vào thời kỳ Phục hưng và Thời đại khám phá.
Theo trang History Extra (Anh), Tiến sĩ Dr Katharine Olson, một nhà sử học hiện giảng dạy về lịch sử Trung Cổ và cận đại tại ĐH Bangor (Anh), đã tiết lộ 10 mối đe dọa lớn nhất mà con người phải đối mặt trong thời kỳ này. Đang sống khỏe mạnh và an toàn, chỉ trong tít tắt người ta có thể từ giã cõi đời!
1. "Cái chết đen" mang tên dịch hạch
Được mệnh danh là "cái chết đen", dịch hạch là một trong những đại dịch kinh hoàng gieo rắc nỗi sợ hãi trong thời kỳ Trung Cổ. Thủ phạm lây truyền bệnh dịch hạch là bọ chét sống ký sinh trên cơ thể chuột.
Khi khoa học chưa phát triển, con người thời Trung Cổ từng cho rằng nguyên nhân gây ra loại dịch tàn bạo này là do con người bị Chúa trời trừng phạt để đền lại những tội lỗi đã gây.
Ảnh minh họa về dịch hạch trong thời kỳ Trung Cổ - Ảnh: YOUR STORY
Lan sang châu Âu vào năm 1348, loại bệnh do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra đã khiến hàng chục triệu người chết từ Ý, Pháp, Đức cho đến vùng Bắc Âu, Anh, Tây Ban Nha và Nga.
Dịch bệnh quái ác này thường khiến khắp người bệnh nhân sưng hạch, hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó hạch mềm hoá mủ. Với thể hạch nhiễm khuẩn huyết, da của bệnh nhân sẽ chuyển sang màu sậm hơn (hóa đen) do độc tố ăn sâu vào máu - một lý do khiến dịch hạch được gọi là "cái chết đen".
Dịch hạch khiến da của bệnh nhân bị sưng hạch với mủ bên trong - Ảnh: YOUR STORY
Dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1/3 dân số châu Âu. Sống trong thời kỳ này, nếu bị nhiễm dịch hạch, có tới 70 đến 80% khả năng người ta sẽ chết trong tuần kế tiếp. Do sự hoành hành của "cái chết đen", tuổi thọ của người dân ở vùng Florence (Ý) vào thế kỷ 14 chỉ dưới 20 tuổi.
2. Đi du lịch
Con người rất dễ đi chầu diêm vương khi ngao du bốn bể trong thời kỳ Trung Cổ. Một nơi sạch sẽ và an toàn để ngủ trên đường đi thường khó tìm. Phải ngủ ngoài trời đặc biệt khi đu du lịch vào mùa đông, người lữ khách hay đối mặt với nguy cơ chết cóng.
Trong khi đó, nếu bôn ba thế gian theo nhóm, dù cảm thấy an toàn, người lữ khách vẫn có thể bị cướp và giết hại bởi người lạ, thậm chí là bạn đồng hành. Các lữ khách sẽ không có thức ăn và nước uống nếu không tìm được khách điếm, tu viện hay một nơi tá túc.
Nhắc tới những người yêu thích khám phá là phải nhắc tới nhà thám hiểm người Ý Marco Polo vào thế kỳ 13 và 14. Đây là một bức tranh minh hoạ ra đời vào thế kỷ 15, mô tả cảnh hai lữ khách là cha và chú của Marco Polo đang di chuyển từ Venice (Ý) sang phương Đông - Ảnh: HERITAGE IMAGES
Bị hạ độc thủ, bị bắt giam vô cớ khi đến một vùng đang giao tranh, không biết ngoại ngữ, chết chìm… là những mối nguy khác sẽ nằm rải rác đầy con đường khám phá vùng đất mới của người xưa. Sử chép rằng thậm chí Hoàng đế của đế quốc La Mã thần thánh, Frederick I, đã chết đuối vào năm 1190 khi ông băng qua con sông Saleph trong cuộc thập tự chinh thứ ba.
Một lữ khách thời Trung Cổ trung bình đi được 24-40km/ ngày bằng chân không, hoặc 42 đến 48km/ngày nếu di chuyễn bằng ngựa. Trong khi đó, đi bằng thuyền có thể vượt qua đoạn đường từ 120 đến 200km/ngày.
3. Nạn đói
Nạn đói là một mối đe dọa rình rập thật sự đối với đàn ông và phụ nữ thời Trung Cổ. Đối mặt với tình trạng thiếu ăn do mất mùa và thời tiết xấu, nhiều người đã chết đói hay sống vất va vất vưởng vì phải ăn tạm vỏ cây và những loại hạt đã bị mốc meo.
Người ta phải ăn tạm bợ mọi thứ ăn được để sống qua ngày - Ảnh: GETTY
Đại nạn đói vào thế kỷ 14 đã tàn phá châu Âu dữ dội do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Trong 7 năm từ năm 1315 đến 1322, Tây Âu đã chứng kiến đợt mưa lớn khủng khiếp, có năm mưa tới 150 ngày.
4. Sinh đẻ
Ngày nay, với các lợi ích của việc siêu âm, theo dõi thai nhi và gây tê ngoài màng cứng, nguy cơ tử vong đối với mẹ và em bé đã ở mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, chuyện sinh đẻ trong thời kỳ Trung Cổ chứa đầy hiểm họa.
Những người hộ sinh thường chỉ dùng tay không để giúp đưa đứa bé ra khỏi bụng mẹ - Ảnh: PINTEREST
Trường hợp sinh ngôi ngược (tức chân ra trước, đầu ra sau) thường có nguy cơ cao khiến cả mẹ và em bé mất mạng.
Những bà mụ đỡ đẻ, thay vì bác sĩ có tay nghề, thường can dự vào chuyện hạ sinh với những công cụ đơn giản (thường bằng tay không), nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Năm 1537, Jane Seymour, người vợ thứ ba của vua Henry VIII (Anh), đã qua đời do nhiễm trùng sau khi sinh Hoàng tử Edward.
5. Dễ mất mạng khi còn con nít
Giới học giả ước tính khoảng 20 đến 30% trẻ em dưới 7 tuổi thường dễ bị tổn thương trước các yếu tố gây chết chóc như suy dinh dưỡng, các loại bệnh tật (đậu mùa, ho, sởi, lao, cúm…).
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Trung Cổ - Ảnh: PINTEREST
Sinh ra trong các gia đình có địa vị hoặc giàu có cũng chưa chắc đảm bảo một cuộc sống trường thọ. Trong các gia đình công tước ở Anh vào giai đoạn 1330-1479, 1/3 trẻ em đã chết khi chỉ dưới 5 tuổi.
6. Thời tiết xấu
Hầu hết dân số châu Âu thời kỳ Trung Cổ sống ở nông thôn thay vì thành thị. Do đó, thời tiết là thứ quan trọng nhất đối với sinh kế của mọi người.
Cái ăn quyết định đến sự sống còn của con người, trong khi thời tiết lại là thứ quyết định có miếng ăn hay không - Ảnh: TWITTER
Thời điểm đó, con người tin rằng thời tiết không đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên. Với họ, thời tiết xấu là do hành vi xâú của con người gây ra như giết người, phạm tội. Người xưa cũng nghĩ rằng phù thủy là những người điều khiển thời tiết, phá hủy mùa màng.
7. Bạo lực
Dù là nhân chứng, nạn nhân hay thủ phạm, người ta - từ địa vị cao nhất tới thấp nhất - vẫn có thể chết bất đắc kỳ tử khi mối đe dọa này thường trực trong cuộc sống thường ngày. Hiếp dâm, tấn công, sát hại… là những loại bạo lực phổ biến.
Nhiều trường hợp bạo lực khá lạ đời. Một ví dụ là trường hợp của Maud Fras. Người này đã bị một hòn đá lớn rơi trúng đầu và tử vong tại chỗ tại lâu đài Montgomery ở Wales vào năm 1288.
8. Dị giáo
Chúng ta có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu bất tuân. Những người có niềm tin tôn giáo và thần học được cho đi ngược lại lời răn dạy của nhà thờ Cơ Đốc được xem là những kẻ dị giáo ở châu Âu thời Trung Cổ.
Nhóm này gồm cả người theo Do thái giáo, Hồi giáo có tư tưởng được xem là không chính thống.
Đi ngược lại những gì được truyền dạy trong nhà thờ Cơ Đốc bị xem là dị giáo - Ảnh: TWITTER
Vua chúa, các nhà truyền giáo, những người tham gia thập tự chinh… tìm cách đảm bảo thế thượng phong của Cơ Đốc giáo ở Địa Trung Hải. Người Do Thái và Hồi giáo thường đối mặt với sự ngược đãi, trục xuất và chết chóc ở châu Âu. Tại Anh, những vụ thảm sát người Do Thái đã diễn ra vào thế kỷ 12. Vua Edward 1 của Anh đã đuổi người Do Thái khỏi Anh vào năm 1290.
9. Săn bắn
Săn bắn là một trò tiêu khiển quan trọng đối với hoàng gia và tầng lớp quý tộc thời Trung Cổ. Tuy nhiên, người đi săn dễ dàng bị thương hoặc thiệt mạng do sơ suất như ngã ngựa, bị trúng tên… Năm 1100, vua William II của Anh đã chết vì bị trúng tên trong lúc săn bắn ở New Forest.
10. Chết yểu
Chết yểu hay đột ngột phổ biển trong thời kỳ Trung Cổ. Người ta đột tử vì nhiều nguyên nhân, từ các nguyên nhân tự nhiên như bệnh tật cho tới chiến tranh, xử tử, tai nạn…
Khoảng cách giữa cái chết và sự sống rất gần nhau trong thời Trung Cổ - Ảnh: CALAMEO
Chết một cái chết "yên lòng" rất quan trọng đối với người Trung Cổ, mà vốn là chủ đề của nhiều cuốn sách.
Người ta thường lo sợ về "cái chết đột ngột", không biết họ sẽ ra sao nếu không có sự chuẩn bị trước. Nhiều người còn xài bùa như một thứ bảo bối mà họ tin là có khả năng giúp đối phó bệnh tật, sấm sét…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận