Phóng to |
Hình ảnh do NASA cung cấp cho thấy các bước sóng cực tím trên bề mặt Mặt trời |
BBC dẫn lời các chuyên gia thời tiết Mỹ cho biết cơn bão này xuất hiện sau hai vụ nổ lớn liên tiếp trên bề mặt Mặt trời trong hai ngày 4 và 7-3. Nó được dự báo sẽ mạnh nhất ở vùng cực và các máy bay có thể phải đổi hướng để đảm bảo an toàn.
Theo TTXVN, trong vụ nổ ngày 4-3, Mặt trời đột ngột phun ra một luồng lửa bức xạ cực mạnh; các tia lửa ánh sáng phun ra từ vụ nổ nhằm vào hướng Trái đất với vận tốc 6,4 triệu km/giờ.
Trong khi đó vụ nổ ngày 7-3, được đánh giá là mạnh cấp độ X, đã tạo nên một cơn bão từ và bức xạ mặt trời mạnh.
Các chuyên gia thiên văn học cho biết với cấp độ X, nếu xâm nhập vào Trái đất cơn bão này có thể làm gián đoạn các vệ tinh trong không gian, phá vỡ điện lưới, hệ thống định vị GPS, khiến máy bay phải thay đổi lộ trình xung quanh những vùng cực, thậm chí gây nguy hiểm cho các phi hành gia trên Trạm không gian quốc tế (ISS).
Các chuyên gia NASA cũng dự báo trong vài ngày tới, nhiều khả năng sẽ có nhiều cơn bão mặt trời khác xuất hiện.
Bão mặt trời là những vụ bùng nổ trên tầng thượng quyển của Mặt trời. Chúng mang theo những hạt electron và proton ở mức năng lượng cao. Những hạt này có khả năng thoát ra khỏi lực hấp dẫn của Mặt trời.
Năm 1859, một cơn bão mặt trời lớn đã đốt cháy hệ thống dây điện báo trên khắp châu Âu và Mỹ. Năm 1989, một cơn bão mặt trời cũng khiến hệ thống điện ở tỉnh Quebec của Canada ngừng hoạt động trong nhiều giờ.
Vào năm 1972, một cơn bão mặt trời mạnh đã cắt đứt toàn bộ hệ thống viễn thông đường dài tại bang Illinois, Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận