14/09/2011 08:15 GMT+7

Thầy trò Bách khoa và con tàu đệm khí

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TT - Con tàu được lai dắt và hạ xuống sân bóng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Sau các công đoạn kiểm tra, Vy Bảo Thịnh bước lên tàu và nổ máy. Váy tàu căng lên, con tàu đệm khí Bakvee lướt trên sân cỏ và đạt tốc độ 20km/giờ ở khoảng cách 40m tính từ điểm xuất phát.

LixWUvoO.jpgPhóng to
TS Lê Đình Tuân chạy thử con tàu đệm khí trên sân bóng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Bảo Thịnh

Tiếng reo mừng, những tràng vỗ tay vang lên. Có người vén váy tàu lên để xem bánh xe nằm ở đâu. Buổi chạy thử con tàu đệm khí hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam do thầy trò Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chế tạo đã thành công tốt đẹp.

Tàu đệm khí

Nguyên lý hoạt động của tàu đệm khí là dùng một luồng khí nén áp lực cao nâng con tàu lên, không tiếp xúc với mặt nước, do đó giảm được sức cản của sóng, áp lực khí nén sẽ tác động xuống bề mặt nâng tàu lên, đồng thời cánh quạt gió phía sau sẽ đẩy tàu đi. Ưu điểm của tàu đệm khí là có thể chạy trên mặt nước và trên cạn, ở mọi địa hình...với tốc độ rất cao.

Tàu đệm khí được nhà thiết kế người Anh Saunder-Roe sáng chế năm 1959 cho mục đích dân sự, nhưng sau đó các nước như Mỹ, Nga tập trung nghiên cứu phát triển cho mục đích quân sự.

Ngày hạnh phúc

Mùa hè năm nay, TS Lê Đình Tuân - chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật tàu thủy (khoa kỹ thuật giao thông) - không được nghỉ ngơi như mọi năm vì thầy bận từ sáng sớm đến tối mịt trong xưởng của trường để hoàn tất các công đoạn chế tạo chiếc tàu đệm khí sau một năm rưỡi nghiên cứu tính toán và thiết kế.

Trong lúc chạy nước rút, thầy đã bán cả chiếc nhẫn 1 chỉ vàng đang đeo để tạm ứng tiền mua keo dán và huy động cả các thầy cô trong ban để có 11 triệu đồng trả tiền sơn con tàu. Giấc ngủ của thầy cũng có mặt động cơ, váy tàu, chong chóng và cả tiếng léo nhéo của sinh viên: “Thầy ơi, lấy cho em cái kìm”, “Thầy lấy giùm em cái kéo”...

Và ngày hạnh phúc nhất đã đến - ngày 10-9 - thầy Tuân cùng các thầy trò khoa kỹ thuật giao thông đã xuất xưởng “cô tàu” Bakvee (Bach Khoa Air Cushion Vehicle) với vỏ tàu màu xanh cốm được chế bằng các vật liệu nhẹ như composite, ván ép và sợi cacbon. Nhóm chế tạo gọi chiếc tàu là “cô” bởi dưới lớp váy tàu có bốn chiếc guốc nhỏ xinh làm trụ đỡ.

“Cô tàu” dài 4,7m tính từ mũi đến bánh lái và rộng 2,2m khi váy căng, trọng lượng không tải là 200kg, có thể chạy trên mặt nước với tốc độ 40-50km/giờ. Tàu có thể chở hai hoặc ba người. Điểm đặc biệt của “cô tàu” Bakvee là có thể đậu ở bất cứ đâu từ sân vườn, nhà kho đến bờ nước mà không cần bến neo đậu như tàu thủy. Khi hoạt động, tàu không tạo ra sóng gây sạt lở bờ như tàu cánh ngầm. Chỗ để chân đã được thiết kế dự phòng thành phao nổi và mũi tàu được bơm đầy vật liệu xốp siêu nhẹ nên tàu sẽ không thể bị chìm. Các bộ phận của tàu được chế tạo riêng biệt có thể tháo rời từng chi tiết để bảo dưỡng và thay thế. Theo nhóm chế tạo, thời gian tháo toàn bộ tàu chỉ mất bốn giờ.

Tàu đệm khí Bakvee có khả năng cân bằng động rất tốt trong điều kiện gió mạnh. Tàu có tốc độ cao, khởi động và tăng tốc rất nhanh, đồng thời có thể đi trên cạn lẫn dưới nước, ở vùng nước có nhiều vật cản như rong rêu, cành khô, đá ngầm hay đầm lầy, là những nơi tàu thủy không thể đi được. Tàu cũng đã được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS nên có thể kiểm soát vị trí, đường đi của con tàu ở bất cứ nơi đâu bằng máy tính. Do vậy, con tàu này rất thích hợp để làm tàu cứu hộ, cứu nạn và cả du lịch.

Áp dụng công nghệ tàu thủy và máy bay

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - bộ môn kỹ thuật hàng không, thành viên nhóm chế tạo - cho biết các bộ môn trong khoa ít có cơ hội liên kết với nhau nhưng khi thực hiện đề tài này, các bộ môn trong khoa và cả khoa điện tử, sinh viên từ năm 2-4 cùng góp sức. Thầy và thầy cảm thông hơn, thầy và trò thân hơn và trò còn được học hỏi nhiều hơn về lĩnh vực khác. Sinh viên là một nguồn “nước sông công lính” rất mạnh, mà nếu không có, việc chế tạo tàu không thể hoàn thành. “Quá trình chế tạo con tàu đã giúp rất nhiều sinh viên làm đề tài tốt nghiệp và cả luận văn thạc sĩ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chế tạo tàu đệm khí bay và mong muốn có nguồn kinh phí làm học bổng cho sinh viên tham gia đề tài, có như thế mới thu hút sinh viên” - thầy Tống tâm sự.

Kinh phí nghiên cứu do ĐHQG TP.HCM cấp xuống eo hẹp, vì thế cả thầy và trò đều rất cân nhắc, tiết kiệm khi mua vật tư. Vy Bảo Thịnh, sinh viên lớp tàu 07, trưởng nhóm sinh viên được thầy Tuân giao cắt váy tàu, dù cắt thử trên giấy nhiều lần nhưng khi cắt thật thì cầm kéo nâng lên hạ xuống rồi đưa trả lại cho thầy vì sợ làm hỏng miếng vải. Suốt lúc may váy và đính váy vào tàu, cả nhóm không biết hình dạng cái váy sẽ thế nào cho đến khi may xong, lật ngược con tàu lên thấy váy tròn đều, bơm khí vào váy không nhăn và đẹp còn hơn những chiếc tàu của nước ngoài đã xem, cả nhóm mừng hết biết. Khi làm xong con tàu, từ những sinh viên không biết gì về composite, các bạn đã am hiểu về composite, độ ống xả, hệ thống điện, gas và cả may vá. Thịnh mơ ước sẽ thành lập câu lạc bộ về tàu đệm khí cho sinh viên.

“Thông thường những người làm khoa học rất cô đơn, nhưng chúng tôi thì không - TS Tuân, chủ nhiệm đề tài, chia sẻ - Ban đầu đề tài chỉ có tôi lo thiết kế, kết cấu, thi công tàu và thầy Tống phụ trách phần khí động, sức cản. Sau có rất nhiều thầy khác tham gia, mỗi người giúp một ít như TS Trần Công Nghị giúp phần thủy động, ThS Trần Ngọc Dân giúp phần hàn, PGS.TS Nguyễn Thạch giúp hệ thống động lực, điện - điện tử và GPS”.

Con tàu trông đơn giản nhưng kết hợp những công nghệ phức tạp của kỹ thuật làm tàu thủy và máy bay do chính các nhà khoa học VN tự nghiên cứu và thực hiện. Không ngại nhận phản biện để hoàn thiện con tàu và được các doanh nghiệp đóng tàu, du lịch tiếp tục hỗ trợ đưa tàu đệm khí Bakvee ứng dụng vào thực tế là mong mỏi của TS Tuân và nhóm chế tạo tàu.

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên