Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu với huy chương Fields - Ảnh: Hoài Linh - Tuổi Trẻ |
Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo CHâu - Ảnh: Hoài Linh |
"Huy chương Fields không giải quyết được vấn đề gì cụ thể trong cuộc sống của mỗi người, nhưng nó đã khơi dậy niềm tin vào khả năng của con người Việt Nam" Giáo sư Ngô Bảo Châu |
Tôi không định làm bạn đọc ăn bánh chưng mất ngon bằng cách miêu tả chi tiết các dự định nghiên cứu toán học tiếp theo của mình. Chỉ có một điều chắc chắn là cách làm toán của tôi sẽ phải khác trước. Từ trước đến nay, vì một lý do hiện sinh nào đó, lúc nào tôi cũng cảm tưởng rằng mình cần đi thật nhanh. Muốn đi nhanh, chắc chắn phải đi một mình.
Trong tương lai, thay cho tốc độ di chuyển, ưu tiên của tôi sẽ là có thêm bạn đồng hành. Nói cho cùng, sức sống của toán học khởi nguồn từ sự cố gắng khám phá riêng của mỗi cá nhân cũng như việc giúp những người khác, những người trẻ hơn, cùng khám phá. Trong phạm vi giúp người khác khám phá, rõ ràng tôi còn phải học rất nhiều, đặc biệt từ ông thầy Laumon của tôi.
Ngoài những công việc thuần túy vì toán học, năm 2010 cũng đánh dấu những bước chân đầu tiên của tôi trong các hoạt động cộng đồng.
Huy chương Fields đã tạo một niềm hân hoan lớn trong lòng nhiều người Việt Nam. Không giải quyết được vấn đề gì cụ thể trong cuộc sống của mỗi người, nhưng nó đã khơi dậy niềm tin vào khả năng của con người Việt Nam.
Rất ít người mang trong mình niềm tin sắt đá, thường ít nhiều mang màu sắc tôn giáo, còn đại đa số cần niềm tin gắn liền với những gì cụ thể. Cách tốt nhất để nuôi dưỡng niềm tin chính là đặt nó vào những dự định cụ thể và có ý nghĩa.
1. Dự định thứ nhất là việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán. Ý tưởng thành lập một viện nghiên cứu cao cấp theo mô hình viện ở Princeton đã nảy mầm ở Việt Nam từ hơn mười năm trước. Giáo sư Griffiths, nguyên giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp ở Princeton, đã thiết kế giúp nhiều nước đang phát triển xây dựng viện nghiên cứu theo mô hình của Princeton, đã có những thành công đáng kể, đặc biệt ở Brazil và Hàn Quốc. Ông đã thuyết phục thủ tướng Phan Văn Khải lúc đương nhiệm về sự đúng đắn của mô hình này đối với hoàn cảnh Việt Nam.
Vì nhiều lý do, kế hoạch của ông Griffiths gặp nhiều trở ngại và rơi vào quên lãng. Cái mốc thứ hai là cuộc thi Olympic toán quốc tế tổ chức thành công ở Việt Nam năm 2007. Tại cuộc thi đó, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khuyến khích cộng đồng toán học Việt Nam xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia về toán. Hội Toán học Việt Nam đã tổ chức xây dựng dự thảo cho chương trình này mà một trong những nội dung chính là xây dựng Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán.
Chương trình trọng điểm quốc gia ngành toán đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 8-2010, trước ngày khai mạc Đại hội toán học thế giới. Và bốn tháng sau, chỉ vài ngày trước khi tờ lịch cuối cùng của năm 2010 rơi xuống, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán.
Một vai trò chính của viện là nâng cao khả năng nghiên cứu tại các khoa toán trong các trường đại học ở Việt Nam. Để thực hiện được vai trò đó, viện cần có một mô hình hoạt động linh hoạt. Viện sẽ trả lương ở mức cao hơn thông lệ tại Việt Nam để đảm bảo cho người đến làm việc ở viện toàn tâm toàn ý vào nghiên cứu khoa học. Ngược lại, viện sẽ không có biên chế, mỗi người chỉ đến làm việc cho viện trong khoảng thời gian hạn chế, ngắn thì hai tháng, dài thì hai, ba năm. Lựa chọn người đến làm việc sẽ chủ yếu dựa vào lý lịch khoa học, dự án nghiên cứu cũng như khả năng cộng tác với đồng nghiệp.
Những người đến làm việc cho Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán sẽ là cán bộ giảng dạy toán tại các trường đại học ở Việt Nam, các viện nghiên cứu, các nhà toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài cũng như các nhà toán học quốc tế.
Viện hi vọng sẽ là một điểm đặt chân cho những nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, có nguyện vọng về làm việc trong nước. Một trong những câu hỏi lớn của đại học Việt Nam là làm thế nào cuốn hút về mình những người trẻ tài năng được đào tạo ở nước ngoài. Bản thân Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán không trả lời được câu hỏi đó thay cho các trường đại học, nhưng viện sẽ làm phần việc của mình để các trường đại học có thêm thời gian tìm ra câu trả lời thích đáng.
Tôi có để ý thấy các đề tài nghiên cứu của toán học Việt Nam hầu như không thay đổi từ hai mươi năm nay. Tôi đồ rằng nhận xét này cũng đúng ở các mức độ khác nhau, trong những ngành khoa học khác. Một vai trò khác của Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán sẽ là tổ chức những nhóm nghiên cứu mới, làm việc trên những đề tài khoa học mới. Làm được việc này không chỉ cho toán mà cho tất cả các ngành khoa học khác, sẽ là cơ sở cho sự khởi sắc của khoa học Việt Nam.
Có khá nhiều người thắc mắc tại sao Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán chỉ phục vụ ngành toán, trong khi mô hình của nó là Viện IAS ở Princeton hay Viện KIAS ở Hàn Quốc thì có cả các ngành khoa học khác. Câu trả lời thế này: Thứ nhất, Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán là một bộ phận của chương trình trọng điểm quốc gia về toán. Thứ hai, nếu muốn tập hợp tất cả các ngành lại họp thì chắc còn phải họp thêm mười năm nữa Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán mới ra đời. Theo ý kiến của tôi, mô hình Viện IAS với đa số cán bộ luân phiên liên tục chỉ phù hợp với các ngành khoa học lý thuyết, ít cần máy móc thiết bị. Bản thân Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán cũng sẽ rất cởi mở và ưu tiên cho hợp tác giữa toán học và các ngành khoa học khác: khoa học máy tính, vật lý, khoa học sự sống, kinh tế…
Tôi xem vai trò của cá nhân tôi là khuyến khích những nhà khoa học có tiềm năng, trong nước và ngoài nước, bắt tay với nhau xây dựng những đề án hoạt động khoa học có tính thời sự và khả thi. Trên cơ sở những đề án nhận được, hội đồng khoa học mà tôi là thành viên sẽ lựa chọn, xây dựng chương trình hoạt động hằng năm cho viện. Cá nhân tôi cũng sẽ tham gia hướng dẫn một đề án dài hơi trong phạm vi lý thuyết số.
2. Dự định thứ hai mà tôi rất gắn bó là việc xây dựng một quỹ khuyến học. Nói chuyện cùng nhiều bạn bè có tâm huyết với khoa học Việt Nam, tôi hiểu thêm được nhiều. Đặc biệt là bên cạnh việc khuyến học còn cần cả khuyến hành nữa, chữ “hành” cần được hiểu theo nghĩa tích cực. Trong bối cảnh đó, quỹ Trí tuệ Việt Nam được sáng lập bởi anh Nguyễn Mạnh Hùng - đại diện cho Viettel, anh Nguyễn Thành Nam - đại diện cho FPT - và cá nhân tôi.
Thời gian đầu, quỹ sẽ trao một số giải thưởng có giá trị cho các nhà khoa học trẻ đang làm việc ở Việt Nam, tổ chức một cuộc thi sáng tạo khoa học cho sinh viên và nghiên cứu sinh, tổ chức định kỳ các buổi nói chuyện để các nhà khoa học lớn, kỹ sư trưởng gặp gỡ trao đổi với sinh viên và tất cả những người có nguyện vọng hiểu biết thêm về những tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Cá nhân tôi rất hi vọng quỹ Trí tuệ Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, các cá nhân có tâm huyết với sức sống của khoa học Việt Nam và sự ủng hộ từ chính bản thân các nhà khoa học.
Để Viện Nghiên cứu cao cấp ngành toán và quỹ Trí tuệ Việt Nam thực hiện được những dự định tốt đẹp mà chúng ta mong đợi, bên cạnh những yếu tố khách quan thuận lợi, cái cần nhất chính là niềm tin và sự phấn đấu bền bỉ. Đó cũng là những yếu tố quyết định đã giúp tôi hoàn thành Bổ đề cơ bản. Thành công của viện và của quỹ cần niềm tin và sự phấn đấu không mệt mỏi của rất nhiều người.
Thay cho lời kết, tôi xin gửi đến họ, những người bạn đồng hành của tôi, cùng với tất cả độc giả của báo Tuổi Trẻ những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Tết Nguyên đán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận