06/09/2009 15:14 GMT+7

Trẻ nghèo Huế đi Nhật nói chuyện môi trường

HUY THỌ ghi
HUY THỌ ghi

TTCT - Vẻ lam lũ của Luýt và Huy đã khiến các cán bộ xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất phải hỏi: “sang Nhật làm gì?”. Và khi nghe trả lời: “Tụi cháu đi báo cáo chuyện làm môi trường” thì họ càng ngạc nhiên hơn, phải mời vào phòng riêng nghe cho tường tận...

YUfDz5h5.jpgPhóng to
Luýt kể chuyện mình và các bạn ở Huế đi gom rác hữu cơ để ủ phân compost - Ảnh: LBK

Cứ mỗi năm BAJ (Tổ chức phi chính phủ cầu châu Á - Nhật Bản) lại đưa ít nhất hai cậu bé trong số cả trăm em thuộc dự án giáo dục môi trường ở phường Phú Bình (một phường rất nghèo ở TP Huế) sang Nhật khoảng ba tuần. Mục đích để các em được mở rộng tầm mắt khi chứng kiến chuyện bảo vệ môi trường ở một đất nước hiện đại, để các em tự tin báo cáo những công việc mình đã làm trước hàng trăm cử tọa là những bạn bè đồng trang lứa ở các trường học.

Ngoài ra, như người thực hiện chuyến đi này - anh Huỳnh Huy Tuệ, điều phối viên của BAJ, cho biết: “Công việc của các em ở Phú Bình ngoài giờ học là thu gom bao nilông, rác hữu cơ để ủ phân compost. Lúc nhỏ thì không sao, nhưng lớn lên một tí các em có phần mắc cỡ. Vì vậy, chúng tôi muốn các em đến Nhật để thấy việc thu gom rác chẳng có gì xấu hổ vì ở đó những người thành đạt, trí thức hằng tuần đều đi dọn rác ở bờ sông, công viên là bình thường”.

Năm nay, các thiếu niên tham gia dự án giáo dục môi trường của BAJ tại phường Phú Bình đã họp và quyết định cử Trương Văn Luýt (năm nay lên lớp 7) và Đỗ Quốc Huy (lớp 9) đều trong nhóm Sôi Động làm đại diện đi Nhật. Cũng như mọi bạn bè khác ở Phú Bình, cả hai đều sinh ra trong những gia đình lao động nghèo khổ. Đặc biệt, Luýt sống cùng gia đình (ba mẹ làm công cho các lò mổ bò) trong căn nhà tồi tàn dưới gầm cầu Bạch Yến.

Họ chỉ giàu hơn mình thôi

Mấy cậu nhóc con nhà nghèo đi báo cáo và học tập chuyện làm môi trường, chuyện phát triển bền vững mới nghe đã thấy lạ lùng. Vì vậy Luýt kể: “Mấy chú sĩ quan xuất nhập cảnh ở sân bay không tin tụi con. Mấy chú kêu cả hai anh em vô phòng riêng, và tụi con phải kể tường tận mình sẽ qua Nhật để kể về chuyện bảo vệ môi trường ở Huế như thế nào, khi đó mới được đi”.

Thế các bạn nhỏ của Huế kể gì với các bạn đồng lứa ở Nhật?

Luýt nói: “Ở trường trung học tại thị trấn Ohnang, tụi con kể chuyện phường Phú Bình là nơi ngày xưa rất dơ bẩn. Người lớn, trẻ con toàn đi vệ sinh ngay sát nơi mình ở, không có hầm tự hoại. Ở đó có xóm vạn đò, có chợ cá rất hôi thối. Bao nhiêu thứ dơ bẩn trên bờ bị nước mưa giội xuống đẩy ra sông. Những thứ dơ bẩn đó làm ô nhiễm sông, mà ô nhiễm sông thì tôm cá không thể sống được. Nhưng từ ngày có vợ chồng bác Tuệ (anh Huỳnh Huy Tuệ) đến xây nhà vệ sinh, chỉ tụi con biết vào đó để đi kẻo không gây ô nhiễm dòng sông. Dòng sông ô nhiễm thì tôm cá không sống được. Và như vậy những người quen như gia đình anh Bia sống bằng nghề đánh bắt tôm cá sẽ không thể có cơm ăn áo mặc”.

Còn Huy nói: “Tụi con giới thiệu với các bạn Nhật chuyện đi thu gom bao nilông mỗi tuần hai lần ở hơn 100 hộ dân trong phường. Mỗi lần như thế được trên 30kg, bán lấy tiền bỏ vào quỹ hoạt động của nhóm. Hay chuyện đi vào các chợ cá thu gom rác để ủ phân compost. Việc làm này không chỉ giải quyết được nguồn phân bón hữu cơ cho ruộng, trồng rau, lúa, bắp... sạch trên Hưng Long của nhóm mà còn giảm mùi hôi thối ở các chợ cá”.

Thái độ của các bạn như thế nào khi nghe câu chuyện của trẻ em Phú Bình làm môi trường?

Luýt nhanh nhảu: “Các bạn nể tụi con lắm”. Còn Huy thì: “Sau báo cáo, các bạn Nhật dẫn tụi con đi tham quan công việc phân loại rác trong trường. Con thấy họ cũng như mình thôi, chẳng qua họ giàu hơn mình nên có điều kiện, có nhiều máy móc vì vậy làm cái gì cũng thấy sạch sẽ, gọn gàng chứ không vất vả như mình”.

Và hai cậu bé cùng ước: Không biết bao giờ mình mới giàu như họ, chú nhỉ?

ZLoCUzwo.jpgPhóng to
Các bạn Nhật tập trung nghe Huy và Luýt thuyết trình chuyện bảo vệ môi trường - Ảnh: LBK

Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Nhưng chuyến đi đến đất nước giàu hàng bậc nhất thế giới của hai cậu bé nghèo cố đô không chỉ có báo cáo những chuyện mình đã làm. Cả hai cho chúng tôi xem nhật ký viết về chuyến đi.

Trong đó, Huy ghi lại chuyện đi đến cảng cá Niyura. Em được gặp những ngư dân Nhật và nghe họ nói chuyện ngoài biển con cá này là thức ăn của con cá kia, rồi con cá kia là thức ăn của con cá nọ. Sự hiện diện của mọi loài trong thiên nhiên liên quan đến nhau như một sợi dây xích, mắt này móc với mắt kia. Vì vậy, nếu con người khai thác không cẩn trọng, tận diệt một loài nào đó thì sợi xích sẽ đứt và điều ấy gây ảnh hưởng đến muôn loài. Rồi chuyện mỗi một loài như thế người ta có luật chỉ ăn con lớn, không ăn con nhỏ, vào mùa sinh sản của mỗi loài thì phải biết tránh không khai thác để giữ nguồn lợi cho tương lai.

Huy cho chúng tôi xem hình một ngư dân đi bắt trìa (các em không biết tên tiếng Nhật của nó là gì, nhưng trông rất giống con trìa ở Huế - một giống nghêu to) và họ chỉ bắt con nào có chiều ngang từ 7cm trở lên, nếu nhỏ thì để nó tiếp tục lớn. Huy cười: “Họ không giống như ở mình, to nhỏ chi cũng bắt cho vào nồi hết. Chuyến ni về con sẽ nói với các bạn ở Phú Bình, những bạn có gia đình sống bằng nghề chài lưới nên học như người ta, chỉ bắt con to thôi chứ đừng bắt con nhỏ”.

Còn Luýt ấn tượng nhất điều gì? Cậu bé có gương mặt rất sáng này liến láu: “Hôm ấy là 23-7, tụi con dậy sớm từ 4g30 sáng để đi cùng bác Tuệ đến tham quan chợ đầu mối nông sản Otachi ở Tokyo. Ui chao ơi, cái chợ hắn lớn. Mà nghe đâu ở Tokyo có đến 11 chợ đầu mối như thế này. Ở đó thật nhộn nhịp, từng lô hàng được thương lái đưa ra giới thiệu và bán đấu giá, ai trả cao nhất thì được. Điều con thích nhất là mỗi lô hàng như thế đều ghi rõ của nông trại nào, có cả ảnh của nông dân trồng ra nó. Con có chụp ảnh về một lô dưa, trong đó người ta ghi rõ lô dưa này có sáu lỗi. Họ không giấu cái xấu như ở chợ Đông Ba mình đâu, chú ơi. Một điều nữa con cũng rất thích là tất cả dòng sông, con kênh đều rất sạch. Chuyến ni về con sẽ kể cho ba mạ nghe để ba mẹ đi làm mổ bò đừng đổ hết các chất thải xuống kênh. Có rứa kênh rạch, sông ngòi mình mới sạch được”.

Trong nhật ký của Luýt, chúng tôi còn thấy em ghi rất nhiều những điều mắt thấy tai nghe và rút kinh nghiệm phải về phổ biến lại cho mọi người biết. Ví dụ như chuyện em đi tham quan một vườn ươm, ở đó người ta trồng cây giống trong những ống tre chứ không phải bao nilông như ở VN. Khi trồng, họ chôn cả ống tre xuống đất và nó sẽ bị tiêu hủy, chứ nếu dùng nilông như ở VN thì không hay cho môi trường. Hay câu chuyện đi thăm làng nghề truyền thống Asuke cũng được Luýt viết trong nhật ký: “Ở Huế mình cũng có nhiều nghề truyền thống hay lắm, nhưng không tập trung như ở Asuke cho mọi người tham quan. Ở Hưng Long mà làm một làng nghề như thế thì hay lắm”.

Yqnt0lMT.jpgPhóng to

Luýt đạp xe ba bánh đi thu gom bao nilông ở phường Phú Bình - Ảnh: LBK

gBxeDcmN.jpgPhóng to
Khương (giữa) cùng Luýt (bìa trái) và Huy trước cổng vào làng nghề truyền thống Asuke - Ảnh: H.H.T.
Gần 5 năm xây dựng một thói quen

Đi cùng với Huy và Luýt còn có Lý Bá Khương, một điều phối viên của BAJ. Khương năm nay 27 tuổi, cách đây năm năm đã tốt nghiệp đại học ngân hàng. Mẹ Khương là nhân viên Ngân hàng NN&PTNT ở Huế, muốn con trai theo nghiệp của mình. Nhưng trong thời gian chờ xin việc, Khương tình cờ biết được dự án giáo dục môi trường của BAJ. Vốn thích chơi với trẻ em và cũng để giết thời gian, Khương đi theo giúp việc cho dự án. Không ngờ anh đâm ghiền luôn và gắn bó với nhóm trẻ phường Phú Bình đến tận bây giờ.

Khương kể: “Chuyện giáo dục môi trường nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản chút nào. Chỉ một chuyện nhỏ như xây dựng cho các em thói quen không xả rác bừa bãi, chúng tôi cũng mất đến gần năm năm. Ví dụ như trước đây cho kẹo thì các em lập tức lột ra và vất vỏ kẹo bừa bãi. Nhưng nay tất cả đều đã khác, nếu không nhìn thấy thùng rác xung quanh các em lập tức vo giấy kẹo bỏ vào túi, khi nào thấy thùng rác mới bỏ vào. Nhờ xây dựng được cho các em thói quen đó nên khu Lò Mì dưới gầm cầu Bạch Yến, nơi các em ở, tuy nghèo nhưng không có rác”.

HUY THỌ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên