20/05/2024 12:55 GMT+7

Giữ rừng san hô Côn Đảo

'Lần đầu tôi lặn kiểm tra rạn san hô ở hòn Cau (Côn Đảo), vừa mới lặn xuống đáy biển đã thấy mấy con cá bè to xuất hiện, tiến ra phía ngoài lại gặp đàn cá mập bự chà bá đang bơi về hướng mình'.

Rừng san hô dưới đáy biển Côn Đảo

Rừng san hô dưới đáy biển Côn Đảo

Ông Nguyễn Văn Vững (Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa kể sự đa dạng sinh học của rừng san hô Côn Đảo, vừa chuẩn bị bình oxy để lặn kiểm tra...

Nguy cơ thành thảm họa

Tôi nhảy xuống biển lặn theo ông Vững, nhìn thấy san hô đẹp mê hồn, nó mọc dày như cánh rừng, thi thoảng gặp cả những bụi san hô lung linh có tán rộng hơn sải tay.

Ông Vững kéo tay tôi đến nhìn thấy con sao biển gai đang ôm chặt bụi san hô, xung quanh có những chỗ san hô chết màu trắng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình thù con sao biển gai đang ăn san hô, có nhiều chân tua dài, rất sợ.

Sao biển gai (Acanthaster planci) chuyên ăn thịt san hô cứng.

"Một con sao biển gai trong vòng một năm ăn gần 20m2 san hô, nó cứ ôm chặt cây san hô hút hết chất dinh dưỡng. Hết đám này chuyển sang đám khác" - ông Vững vừa trồi lên khỏi mặt nước, giải thích.

Vùng biển Côn Đảo có 1.800ha san hô mọc quanh các hòn đảo, san hô ở đây gần như còn nguyên vẹn.

"2021 là năm cao điểm sao biển gai bùng phát rất mạnh, giống như dịch dưới đáy biển, chỗ nào cũng thấy nó, phải huy động nhiều người ở Côn Đảo biết lặn biển tham gia chiến dịch bắt sao biển gai.

Lần dập dịch đó đã bắt được 3.000 con, nếu số này không bị tiêu diệt sẽ nhân ra gấp đôi, gấp ba, thậm chí gần 10 lần, đồng nghĩa diện tích san hô dưới đáy biển bị tàn phá ghê gớm", ông Vững tính toán.

Lặn bắt sao biển gai là nhiệm vụ thường xuyên của Vườn quốc gia Côn Đảo. Trước mùa mưa bão, đội biệt kích chống sao biển gai phải đi lặn "tuần tra" ở các đảo có rạn san hô.

Có sao biển gai, họ phải huy động lực lượng xử lý ngay, vì mấy tháng mùa mưa bão biển động mạnh không thể đưa tàu thuyền ra biển lặn được, nguy cơ phát triển thành đại dịch sao biển.

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang, chuyên gia đầu ngành về rạn san hô, giải thích: "Sao biển gai là một thành phần của rạn san hô, với mật độ nhất định thì nó cân bằng sinh thái.

Nhưng nó bùng nổ số lượng lớn sẽ trở thành thảm họa đối với san hô, nó ăn chết trắng hàng loạt. Một số tỉnh miền Trung đã bị sao biển gai tàn phá san hô, thiệt hại rất nặng".

Rùa biển dưỡng thai ở rạn san hô

Sao gai bị bắt để khỏi tàn phá rạn san hô Côn Đảo

Sao gai bị bắt để khỏi tàn phá rạn san hô Côn Đảo

Rạn san hô dưới đáy biển giống như rừng trên cạn, là nơi cư ngụ và phát triển nhiều loại sinh vật biển, tạo nên sự đa dạng sinh học.

"Hằng năm, vùng biển Côn Đảo đón nhiều rùa biển di cư đến đẻ trứng. Tại sao nó đến vùng này đẻ trứng?

Bởi vì Côn Đảo có nhiều rạn san hô cùng nhiều loài cá và sinh vật sinh sống, đây là môi trường lý tưởng để rùa dưỡng thai.

Trước khi rùa quyết định lên bờ đẻ trứng, nó đã về ở vùng biển này khá lâu, dò xét tình hình, thấy thật an toàn mới bò lên bờ đào ổ đẻ trứng.

Bảo vệ được rạn san hô đồng nghĩa bảo vệ được loài rùa đến đẻ trứng ngày càng nhiều", PGS.TS Tuấn nêu chi tiết quan trọng.

Các đảo ở huyện Côn Đảo có nhiều bãi rùa lên đẻ trứng, nhiều nhất vẫn là hòn Bảy Cạnh.

Khu vực này có bãi san hô rộng lớn, kín gió, bãi cát dài. Ông Phạm Trung Kiên (trạm phó Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo) cho biết:

"Bắt đầu từ ngày 1-4 đến ngày 31-10 hằng năm cấm tất cả mọi phương tiện, con người đi vào khu vực Bảy Cạnh, để dành riêng nơi yên tĩnh cho rùa đến nghỉ ngơi và chuẩn bị đẻ trứng. Năm 2023, rùa lên bờ đẻ 1.700 tổ trứng, những năm gần đây số lượng rùa đến Bảy Cạnh đẻ trứng luôn tăng cao".

Tất cả những con rùa mẹ lên đẻ trứng ở Côn Đảo phải được lập "lý lịch" riêng, bấm mã số... "Khi bấm mã số vào con rùa, giống như số định danh của căn cước, thông tin ghi trên thẻ: CĐ, mã số, số điện thoại di động của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Nhờ bấm mã số, năm 2023 có một con rùa vào Bảy Cạnh đẻ, xác định được con rùa đó đã bấm mã số từ năm 1994. Hằng năm, có khoảng 20% số rùa đã bấm mã số quay trở về Bảy Cạnh đẻ trứng", ông Kiên kể.

Bảo vệ rạn san hô bằng mọi giá

Trước năm 1990, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đã ra Côn Đảo nghiên cứu công trình khoa học về rạn san hô và tính đa dạng sinh học, kể câu chuyện gặp ông Lê Quang Vịnh - bí thư Quận ủy Côn Đảo (hiện nay là Huyện ủy), người đã 3 lần bị Mỹ tuyên án tử hình và lưu đày địa ngục Côn Đảo 14 năm.

"Anh Vịnh khoe với tôi: Côn Đảo vừa mới ký hợp đồng với một tỉnh, cho khai thác san hô ở Côn Đảo đưa vào bờ nấu vôi cung ứng cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghe vậy, tôi mới giải thích quá trình hình thành Côn Đảo phải trải qua hàng triệu năm mới có những bãi san hô. Nếu anh cho khai thác hết san hô ở phía trước, đảo này sẽ bị sóng biển đánh phá dữ dội...

Nghe hay quá, anh Vịnh nói: Anh giải thích kỹ lại lần nữa cho tôi nghe.

Nghe xong, anh Vịnh quay sang nói với anh chủ tịch quận Côn Đảo: Anh triệu tập họp Ban thường vụ Quận ủy gấp vào ngày mai, tôi quyết luôn "xé hợp đồng" với tỉnh kia, bảo vệ san hô Côn Đảo nghiêm ngặt".

Rừng trên đảo, rừng san hô dưới đáy biển của huyện Côn Đảo là báu vật của quốc gia.

Côn Đảo hiện nay đang chịu áp lực lớn, mỗi ngày có mấy ngàn khách du lịch ra đảo tham quan. Khu bảo tồn biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang) mở cửa du lịch toàn dân, sau mấy chục năm san hô ở Hòn Mun không còn, chính quyền phải đóng cửa không cho hoạt động du lịch.

Lấy bài học mất rạn san hô ở vịnh Nha Trang soi rọi vào Côn Đảo, từ đó mới có giải pháp bảo vệ rừng san hô ở đây tốt hơn.

Sao biển gai đang ăn san hô ở biển Côn Đảo - Ảnh: HẢI LUẬN

Sao biển gai đang ăn san hô ở biển Côn Đảo - Ảnh: HẢI LUẬN

Xử lý hình sự

"Vườn quốc gia Côn Đảo đã tuyên truyền, giải thích, vận động người dân có ý thức bảo vệ môi trường biển. Một số người vẫn vi phạm thì phải xử phạt, thậm chí phải xử lý hình sự.

Năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo tuyên phạt 10 tháng tù đối với một người vận chuyển 116 quả trứng rùa biển. Năm 2019, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo tuyên phạt hai người, tổng cộng 5 năm tù, về tội tàng trữ thịt rùa biển.

Năm 2022, 2023, cơ quan điều tra Công an huyện Côn Đảo khởi tố điều tra thêm mấy vụ tàng trữ trứng rùa biển" - ông Nguyễn Khắc Pho, giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, thông tin.

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đề xuất: "Những bãi san hô được xem là vùng lõi không nên cho du lịch toàn dân ra lặn xem sinh vật cảnh bởi vì đa số "dân tay ngang" không biết cách tránh né bảo vệ san hô khi lặn xuống biển.

Ở Côn Đảo cần thu phí cao, chỉ những người có chứng chỉ về lặn biển mới đến đây xem san hô, vì họ có kiến thức và tình yêu san hô rất cao.

Tôi sang Úc lặn xem san hô, phải đóng mức phí 250 USD/lần lặn.

Tất cả những bãi san hô ở Côn Đảo phải làm những vị trí neo cố định cho ca nô du lịch đến buộc vào, tránh tình trạng cứ thả neo vô tội vạ lên thảm rạn san hô, mỗi lần như thế này là phá hàng mét vuông san hô dưới đáy biển, lâu dần trở thành "biển chết".

Hãy bảo vệ rạn san hô Côn Đảo bằng cả tinh thần và trách nhiệm cao".

Núi Chúa - rừng thiêng huyền bí - Kỳ 4: Trên công viên đá, dưới thủy cung san hôNúi Chúa - rừng thiêng huyền bí - Kỳ 4: Trên công viên đá, dưới thủy cung san hô

TTO - Ở các khu vực bị chắn gió, lượng mưa ít nhất trong năm, những dãy núi đổ ra biển từ hệ thống Núi Chúa tạo ra một cảnh quan bán hoang mạc chỉ toàn cây bụi, xương rồng và đá tảng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên