Vụ khủng bố Crocus: Logic của các cáo buộc

TƯỜNG ANH 29/03/2024 09:54 GMT+7

TTCT - Chỉ một ngày sau khi Nga chính thức công bố kết quả bầu cử tổng thống với thắng lợi áp đảo của ông Vladimir Putin, một cuộc khủng bố đẫm máu đã nổ ra tối 22-3 ở ngoại ô Matxcơva.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Số người chết, theo thống kê chính thức đến sáng 26-3 đã là 139. Các avatar Nga trên Telegram đồng loạt chuyển màu đen trắng. Truyền thông đưa ảnh những hàng dài người xếp hàng chờ hiến máu. Tại những điểm tưởng niệm tự phát, bên cạnh hoa, nến là những con sếu giấy trên nền bài hát Khi đàn sếu bay qua huyền thoại.

Cuộc tấn công khủng bố diễn ra tại khán phòng có sức chứa 6.000 người của khu phức hợp Crocus City Hall, Krasnogorsk, ngoại ô Matxcơva, ngay trước buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock Picnic nổi tiếng nhất Nga hiện nay. Báo Thổ Nhĩ Kỳ Milliyet gọi cuộc tấn công khủng bố này là "vụ 11-9 của nước Nga".

13 phút hủy diệt

Truyền thông Nga tóm tắt: Vào 19h58, một chiếc Renault trắng dừng lại trước lối vào khu phức hợp, những kẻ khủng bố cầm súng máy lao khỏi xe, chạy về phía tòa nhà, bắn người dân, giết bảo vệ. Sau đó, chúng chạy đến khán phòng nơi sắp diễn ra buổi hòa nhạc của nhóm Picnic, xả súng vào khán giả, đốt ghế, ném lựu đạn hoặc bom cháy. 

Đám cháy bắt đầu. Vào 20h04 có những tin tức đầu tiên về vụ nổ súng từ các nhân chứng sống sót dọc tuyến đường bọn khủng bố chạy vào, và từ những người kịp trốn thoát qua các lối thoát hiểm.

20h11, bọn khủng bố rời tòa nhà. Tổng cộng chúng ở hiện trường 13 phút. Cháy lớn đã cản trở việc cứu hộ và những người sống sót được sơ tán khỏi khán phòng qua phần mái tòa nhà đang cháy mà sau đó, vào 22h05, cũng sập. Tổng diện tích cháy lên tới 12.900m2. Toàn bộ đám cháy chỉ được khống chế vào 5h giờ sáng 23-3.

Số người chết tăng lên sau mỗi đợt hoạt động tìm kiếm. Các nhân viên cứu hộ tường thuật những cảnh tượng thương tâm, khi "28 người chết ngạt do trốn bọn khủng bố trong nhà vệ sinh. 14 thi thể được tìm thấy trên một cầu thang sơ tán. Có những gia đình chết trọn nhà, những bà mẹ chết còn ôm con trong tay...", kênh Vaza kể.

Đến 1h07 sáng 23-3, ảnh từ camera an ninh chụp chiếc Renault Symbol trắng chở những nghi can khủng bố tẩu thoát được công bố. 11 giờ trưa, người đứng đầu FSB báo cáo với ông Putin rằng 11 người đã bị bắt giữ, trong đó có 4 kẻ liên quan trực tiếp đến vụ tấn công. Bốn nghi can này bị bắt cách nhau vài giờ, ở vùng Bryansk, cách biên giới Ukraine 100km.

RIA Novosti Nga sơ tả chân dung bốn nghi can khủng bố: mang hộ chiếu Tajikistan, đều nói tiếng Nga kém (hoặc giả vờ nói kém) và hai người cần có phiên dịch. Vụ tấn công khủng bố được thực hiện "vì tiền". 

Theo lời khai, một người "không có họ tên" liên lạc với bọn khủng bố qua Telegram, tự xưng là "trợ lý của nhà truyền giáo". Tên của "nhà truyền giáo" cũng không được nêu, nhưng một trong những kẻ khủng bố thừa nhận đã nghe bài giảng của ông ta. 

Thổ Nhĩ Kỳ là nơi một trong những kẻ khủng bố đã đến hôm 4-3, nhưng không rõ hắn có gặp "nhà truyền giáo" không. Những kẻ khủng bố sống cùng nhau trong một nhà trọ ở phía bắc Matxcơva, hầu như không quen biết trước đó: ít nhất hai trong bốn người chỉ gặp nhau "10-12 ngày trước".

Vũ khí chúng lấy từ một nơi theo chỉ định qua Telegram. Chiếc Renault mua qua họ hàng với lý do "để chạy taxi". Trong chuyến tẩu thoát tới biên giới, vũ khí đã bị vứt bỏ. 

Nói tóm lại: "Không có một bức tranh mạch lạc từ những đoạn thẩm vấn. Không hoàn toàn rõ ràng những gì đã kết nối những người này và động cơ của chúng là gì khi thực hiện một trong những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nước Nga", RIA Novosti kết luận.

Ảnh: Sky News

Ảnh: Sky News

"Dưới ngọn cờ Hồi giáo"?

Ngay sau khi vụ khủng bố diễn ra, truyền thông thân Ukraine đưa tin nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) được cho là đã nhận trách nhiệm. (Phía Nga phản bác tuyên bố này là giả mạo, với lý do những thông điệp này không xuất hiện trên bất kỳ kênh nào của IS). 

Đến chiều 23-3, thêm các "chứng cứ IS" được tung ra trên mạng xã hội: đoạn video do chính một tay súng quay lại trong vụ tấn công khủng bố Crocus, nơi chúng chế nhạo không thương tiếc những người đã chết. 

Một kẻ khủng bố cố tình đâm nhiều lần một người đàn ông đã chết. Trên đoạn phim có ba kẻ khủng bố, kẻ thứ tư đang quay phim. Đoạn phim đi kèm các khẩu hiệu, cử chỉ và hành vi khủng bố của những kẻ cực đoan Hồi giáo.

Trong những phát ngôn đầu tiên liên quan đến vụ khủng bố, Cố vấn An ninh quốc gia phụ trách thông tin liên lạc của Nhà Trắng John Kirby nói: "Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine hoặc người Ukraine có liên quan đến vụ nổ súng". 

Các hãng tin Nga lưu ý trong phát ngôn đầu tiên này, Nhà Trắng không gọi sự cố là khủng bố, cũng không chia buồn với mất mát to lớn của Nga, mà chỉ vội "biện hộ cho đồng minh". Gần một ngày sau vụ việc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới phát biểu lên án vụ tấn công khủng bố Crocus.

Phụ họa, nhà báo Andrew Roth của tờ The Guardian dẫn tin tình báo Mỹ nói với các hãng thông tấn Mỹ rằng "không có lý do gì để nghi ngờ tuyên bố của nhận trách nhiệm của IS". 

Roth giải thích: "Cuộc tấn công được cho là do nhóm Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K), một chi nhánh khu vực của IS, thực hiện. Nhóm này có trụ sở ở Afghanistan và ngày càng chuyển sự chú ý sang Nga kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021. Nhóm được các tay súng Pakistan và Uzbekistan thành lập năm 2015, hoạt động ở Trung Á và Nga. Vào tháng 1, IS-K đã thực hiện hai vụ đánh bom ở Iran khiến khoảng 100 người thiệt mạng...". 

Colin Clark thuộc Trung tâm Soufan bình luận thêm: "IS-K đã tập trung vào Nga hai năm qua và thường chỉ trích Putin trong các hoạt động tuyên truyền của họ".

Các báo đài lớn của Mỹ như The Washington Post, The New York Times, CNN ngày 23-3 cũng đồng thanh: Vụ khủng bố không phải do Ukraine, mà là IS. Wall Street Journal thì nhấn mạnh chuyện "Mỹ đã cảnh báo Nga trước vụ tấn công". 

Tờ này cũng đưa cụ thể cảnh báo khủng bố từ phía Mỹ, dẫn lời một quan chức Mỹ: "Chúng tôi đã có nguồn thông tin tình báo ổn định kể từ tháng 11 rằng IS muốn tấn công bên trong nước Nga", và bình luận: 

"Vụ nổ súng gợi lại các cuộc tấn công khủng bố vào thủ đô của phiến quân Chechnya vào những năm 2000 và làm xấu đi hình ảnh một Putin bất khả chiến bại mà ông đã cố gắng thể hiện trước cuộc bầu cử tổng thống".

Saidakrami Murodali Rachabalizoda, một nghi phạm trong vụ tấn công, bị cảnh sát Nga bắt giữ ngày 24-3. Ảnh: aawsat.com

Saidakrami Murodali Rachabalizoda, một nghi phạm trong vụ tấn công, bị cảnh sát Nga bắt giữ ngày 24-3. Ảnh: aawsat.com

"Dấu vết Ukraine"

Trong khi đó, Kremlin và không ít các chuyên gia Nga cũng như quốc tế không ủng hộ giả thiết chủ mưu khủng bố là IS, kể cả khi những người thực hiện là tín đồ Hồi giáo. 

Tối 23-3, trong phát biểu ngắn trên truyền hình liên quan đến vụ khủng bố mà ông gọi là "đẫm máu và man rợ", Tổng thống Putin nói: "Những kẻ khủng bố di chuyển về phía biên giới Ukraine, nơi từ phía Ukraine đã chuẩn bị sẵn một "cửa sổ" để đón chúng vượt qua biên giới. Đây là lời cáo buộc gián tiếp chống lại Ukraine" (ông nhấn mạnh hai lần từ "gián tiếp").

Sau đó, tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ngày 25-3, ông Putin nhắc lại: "Chúng tôi biết cuộc khủng bố do tay ai thực hiện, nhưng chúng tôi quan tâm, ai là kẻ đặt hàng. Mỹ, thông qua nhiều kênh khác nhau, đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng không có dấu vết của Kiev trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Crocus, rằng đó là IS... Chúng ta cần hiểu liệu những kẻ Hồi giáo cực đoan có thực sự quyết định tấn công Nga hay không".

Nhà khoa học chính trị Sergey Markov cho rằng những nghi can bị bắt cư xử "không phải như những người tử vì đạo, sẵn sàng chết vì đức tin, mà giống những tên lính đánh thuê, đi bắn người và nhận thù lao". 

Nhà bình luận chính trị cực hữu Mỹ Jack Posobiec thì đặt câu hỏi trên tài khoản X: "Bạn đã bao giờ thấy chiến binh thánh chiến IS bỏ chạy sau một cuộc tấn công chưa?". 

Tương tự, cựu thành viên Nghị viện châu Âu Aymeric Chauprade (Pháp) viết trên Telegram: "Chẳng phải Gaza vào thời điểm này quan trọng hơn với người Hồi giáo so với xung đột Nga - Ukraine sao? Bề ngoài cuộc tấn công chắc chắn là Hồi giáo, nhưng kẻ chủ mưu rất có thể là "cổ đông lớn" của IS/Al-Qaeda".

Những lập luận tương tự khiến không ít ý kiến cho rằng cái mác IS chỉ nhằm "giương trên cuộc khủng bố một lá cờ Hồi giáo". 

Một chuyên gia chống khủng bố nhận xét trên tờ Tin Tức (Nga) sau khi có tin về những cung khai đầu tiên của các nghi phạm: "Họ bị biến thành những kẻ cuồng tín chỉ trong 2-3 tuần. Người phụ trách, thủ lĩnh tinh thần của họ không cần phải có mặt trên lãnh thổ Nga. Những kẻ thừa hành này được lựa chọn ngẫu nhiên, có mức độ thông minh và tư duy phản biện rất thấp".

Ảnh: NBC News

Ảnh: NBC News

Nhiệm kỳ không có tuần trăng mật

Cuộc khủng bố đẫm máu đã phủ bóng lên nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Putin, báo hiệu những ngày tháng khó khăn sắp tới, khi tình hình nóng hơn và có thể leo thang. Người đứng đầu Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov thì lưu ý: Trong bối cảnh tấn công khủng bố, kẻ thù đang cố gắng phá hoại tình hình ở Nga bằng cách sử dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Tờ Vzgylad của Nga nhấn mạnh: những kẻ tổ chức vụ khủng bố không chỉ lợi dụng cảm xúc sợ hãi, mà còn lợi dụng những mâu thuẫn trong xã hội Nga liên quan đến quy định di trú và chính sách đối với Ukraine và phương Tây. 

Cuộc tấn công khủng bố đã mở rộng phạm vi tranh luận và cảm xúc này. Một số đề nghị phải tổ chức hiệu quả hơn việc hội nhập người di cư vào xã hội Nga. Những người khác phản đối, yêu cầu áp dụng chế độ thị thực với các nước Trung Á.

Tương tự là thái độ đối với cuộc chiến ở Ukraine: một số đề nghị tiến hành chiến dịch tới biên giới các lãnh thổ sáp nhập rồi dừng lại, tập trung vào các nhiệm vụ khác. Số khác yêu cầu phải tiến quân đến hữu ngạn sông Dnieper và buộc NATO đàm phán theo điều kiện của Nga. 

Thế nhưng vấn đề chính, theo bài báo, là "khả năng của kẻ thù tuyển mộ người một cách nặc danh ngày càng tăng và biến họ thành máy bay không người lái bằng hai chân".

Nhận diện những khó khăn này, trong phát biểu chiều 23-3 ông Putin khẳng định: "Sẽ không ai thành công trong việc gieo mầm mống độc hại của sự bất hòa, hoảng loạn và bất hòa trong xã hội đa sắc tộc của chúng ta. Nga đã nhiều lần trải qua những thử thách khó khăn, đôi khi không thể chịu nổi, nhưng thậm chí lại trở nên mạnh mẽ hơn sau đó. Giờ cũng sẽ như vậy".■

Hãng tin Nga TASS trích dẫn nguồn tin từ cơ quan an ninh Nga cho biết "thông tin của Mỹ có tính chất chung chung, không có bất kỳ điều gì cụ thể".

Còn đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết Washington không chuyển bất kỳ thông tin tình báo liên quan nào cho Nga trước hoặc sau vụ tấn công khủng bố: "Không hề có liên lạc nào cả. Ngay cả những lời chia buồn cơ bản nhất cũng không được chuyển đến người Nga thông qua đại sứ quán".

Đài Nga RT nhắc lại: Ngày 7-3, Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã đăng trên trang web chính thức rằng các cuộc tấn công khủng bố ở những nơi đông người, bao gồm cả các buổi hòa nhạc, có thể xảy ra ở Matxcơva, và khuyến cáo công dân Mỹ tránh đến những nơi như vậy trong hai ngày. Thế nhưng không có thông báo nào như vậy được đăng trên phiên bản tiếng Nga của trang web này.

Về phía Ukraine, trong một phát biểu trên truyền hình ngày 23-3 về vụ khủng bố, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói:

"Hàng trăm nghìn người Nga hiện đang bị giết trên đất Ukraine chắc chắn sẽ đủ để ngăn chặn bất kỳ kẻ khủng bố nào. Và nếu người Nga sẵn sàng chết lặng lẽ ở Crocus và không đặt bất kỳ câu hỏi nào với cơ quan tình báo của họ, Putin sẽ cố gắng giải quyết nhiều tình huống như vậy có lợi cho quyền lực cá nhân của mình".

Đi xa hơn nữa, Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho rằng vụ khủng bố là để đánh lạc hướng khỏi các cuộc tấn công của Nga vào nhà máy thủy điện Dnieper, ám chỉ chính Nga đứng sau vụ việc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận