"Voi Còi yêu quý" ở xứ sở kim chi

HẢI HIỀN 15/01/2012 22:01 GMT+7

TTCT - “Voi Còi” là biệt hiệu đúng chất sinh viên mà bạn bè Việt Nam trìu mến đặt cho Choi Hana, thời cô gái cao lớn này sang học ở Việt Nam. Cô lấy luôn biệt hiệu ấy làm địa chỉ email của mình: voicoiyeuquy@... Choi Hana, còn có tên Việt là Minh Hà, có lẽ là cô gái nói tiếng Việt giỏi bậc nhất xứ Hàn Quốc.

Phóng to
Choi Hana đi điền dã ở Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp

“Hiếm có học viên như Hana...”

Cô giáo hướng dẫn luận văn đã nói như vậy khi nhắc đến sự miệt mài, chăm chỉ của học viên Choi Hana, giảng viên Đại học Văn hóa Hàn Quốc.

Bắt đầu học tiếng Việt từ những năm đầu thập niên 1990, khi ấy Hana mới tròn 19 tuổi. Đến nay, Hana nói tiếng Việt... như người Việt. Không những thế, hồi tháng 6-2011, Hana đã đạt 9,9 điểm cho luận văn thạc sĩ dày hơn 100 trang, mà theo nhận xét của giáo sư sử học Nguyễn Quang Ngọc, viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), “đây là luận văn của người nước ngoài viết bằng tiếng Việt hoàn hảo, không có một lỗi chính tả nào, thể hiện trình độ chuyên môn, trình độ ngôn ngữ tiếng Việt của học viên rất cao”.

Với đề tài “Hợp tác phát triển Hàn - Việt qua ODA”, Hana tiết lộ hiện luận văn đã được gửi tới nhà xuất bản xem xét và có thể sẽ ra mắt trong năm tới.

Để có được thành công, Hana đã chọn một phương pháp riêng, bởi cô xác định viết tiếng Việt thuần thục là việc khó nhất đối với mình. Năm thứ nhất học thạc sĩ, cô chỉ ngồi nghe giảng chứ không thể viết được một bài luận nào. Thấy có vẻ không ổn, bước sang năm thứ hai, cô chủ động qua những người quen gặp gỡ nhiều chuyên gia ngôn ngữ để nhờ giúp đỡ. Họ đơn giản chỉ đưa cho cô những luận văn, sách của họ và bảo cô tự nghiên cứu.

Vậy là Hana lao vào đọc rất nhiều luận văn, tiểu luận, bài viết như thế, thậm chí đến vài ba tuần không bước chân ra khỏi nhà. Kết quả là trong chín tháng cô đã viết được gần 30 bài, cho đến khi hoàn thành xuất sắc luận văn thạc sĩ của mình...

Và “tác dụng phụ” của những ngày ngồi miệt mài nghiên cứu đó, mà Hana tiết lộ, chính là “sự tăng cân đến chóng mặt”. Tuy nhiên, khi tôi đùa liệu có thể công bố trọng lượng này lên báo không, Hana dí dỏm trả lời: “Đó là một bí mật... khủng khiếp”. Khi về Hàn Quốc, các bác sĩ lệnh cho cô không được ngồi trước máy vi tính, không đọc sách, đi bộ nhiều, thế nhưng Hana vẫn đang theo học một giáo sư nổi tiếng Hàn Quốc chuyên về lịch sử Việt Nam.

Lý do để cô tiếp tục tìm hiểu về đất nước hình chữ S này chỉ đơn giản vì cô muốn “hiểu thấu đáo hơn về Việt Nam và làm vai trò cầu nối giữa hai đất nước Hàn - Việt, đồng thời làm điều gì đó đóng góp cho xã hội Việt Nam”.

Hiện Hana đang tập trung dịch tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra của nhà văn Hồ Anh Thái sang tiếng Hàn. Theo Hana, đây là tác phẩm xuất sắc về cuộc sống Việt Nam đương đại, từng được dịch ra nhiều thứ tiếng và được giới nghệ sĩ, nhà nghiên cứu xã hội của nhiều nước quan tâm.

“Tôi dịch cuốn này vì muốn độc giả Hàn Quốc hiểu thêm về điều kiện xã hội Việt Nam đương đại. Tôi tin rằng những chuyên gia Hàn Quốc chuyên nghiên cứu về Việt Nam và các nhà văn Hàn Quốc sẽ rất quan tâm” - Hana chia sẻ. Năm ngoái, cô đã dịch tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo (cũng của nhà văn Hồ Anh Thái) sang tiếng Hàn và được độc giả xứ sở kim chi háo hức đón nhận.

“Kỷ niệm nào cũng quý”

Hana cho rằng có rất nhiều kỷ niệm với Việt Nam và “kỷ niệm nào cũng quý”. Nhìn lại, Hana nhận thấy mình may mắn vì là người học tiếng Việt ngay từ những ngày Việt Nam - Hàn Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao (1992) và được gặp rất nhiều người Việt Nam mến khách.

Hana nhớ rất rõ lần đầu tiên sang Việt Nam, lúc gặp các bạn sinh viên, có người hỏi Hana có làm thơ không? Hana rất ngạc nhiên và thoáng nghĩ “chẳng lẽ phải biết sáng tác thơ mới được làm sinh viên?”. Nhưng sau đó mới hiểu ra bạn sinh viên đó đang học khoa văn và là tác giả lời một bài hát về Hà Nội, nên hỏi thế cũng không có gì lạ.

Một chuyện nữa mà Hana vẫn thường kể cho bạn bè nghe, đó là lần đón ba người bạn ở miền Nam Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Lúc Hana vừa bước vào phòng, các anh cứ gặng hỏi: “Em có thích tắm không?”. Một phút sững sờ trước câu hỏi “chưa bao giờ được hỏi” đó, Hana chợt hiểu rằng thời tiết ở miền Nam rất nóng nên người ta cho rằng “tắm xong sẽ sảng khoái cả người”, vả lại các anh đều lớn tuổi, chỉ muốn Hana cảm thấy thoải mái nên mới hỏi vậy. Nghĩ thế nên Hana không giận mà chỉ thấy... “kỳ cục và buồn cười”.

Một kỷ niệm mà Hana luôn trân trọng là lần cùng người bố nuôi là họa sĩ Lê Lam cùng họa sĩ Ngọc Linh đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi. Hana nhớ như in, hôm đó cô diện áo dài tím, trên tay là hai chậu hoa màu tím và màu hồng mang từ TP.HCM ra, hồi hộp chờ đến giờ đi chúc thọ đại tướng.

Với Hana, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tượng trưng cho niềm tự hào Việt Nam và cô luôn nhớ đến ông như một người anh hùng. Cô cũng khoe rằng bố nuôi của cô đã vẽ một bức chân dung rất đẹp về vị tướng huyền thoại này.

Hana hầu như đi khắp Việt Nam. Cô có nhiều bạn bè ở các bộ ngành vì từng làm phiên dịch cho rất nhiều đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại. Những đường phố mới ở Hà Nội, chỗ nào bạn chưa biết có thể hỏi Hana. Những con đường từ Hà Nội đi các tỉnh nên đi đường nào thì gần hơn, ít quanh co gập ghềnh hơn thì có lẽ bạn cũng nên hỏi... Hana.

Đã đón nhiều cái tết ở Việt Nam, từng chen trong dòng người đông nghịt để xem bắn pháo hoa ở hồ Hoàn Kiếm, khi ở TP.HCM thì ra đại lộ Nguyễn Huệ xem đường hoa, cũng hái lộc mang về nhà...

Hana nói rằng cô rất thích cái lạnh trong đêm giao thừa ở miền Bắc - cái lạnh thật nên thơ, thường làm cho những tâm hồn nhạy cảm rung động trước khoảnh khắc giao hòa của đất trời. Còn cảm tưởng về cái tết phương Nam, đó là màu vàng rực của hoa mai cùng những trái cây nhiệt đới chín vàng, hòa trong màu đỏ rực của câu đối, của những chiếc đèn lồng...

Về món ăn ư? Ngày tết, “Voi Còi yêu quý” chỉ thích nồi măng hầm với chân giò.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận