Về một xu hướng khác trong tuyển dụng giáo viên

VĨNH HÀ 14/06/2023 16:25 GMT+7

TTCT - Việc tuyển người tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác làm giáo viên đang là một hướng khả quan.

Theo Bộ GD-ĐT, vào cuối năm 2022, cả nước còn thiếu trên 100.000 giáo viên. Nhưng không chỉ Việt Nam, thiếu giáo viên. 

TS Nguyễn Văn Cường (nguyên giảng viên ĐH Potsdam, Đức) cho biết do tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng trong nhiều năm nên ở Đức, việc tuyển giáo viên tay ngang là bắt buộc.

VỀ MỘT XU HƯỚNG KHÁC TRONG TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN - Ảnh 1.

Tuyển giáo viên bên ngoài trở thành giải pháp mạnh

Đức đang duy trì nhiều hình thức đào tạo giáo viên. Có mô hình song song đào tạo giáo viên kết hợp khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục ngay từ đầu chương trình đào tạo. 

Và có cả chương trình đào tạo tiếp nối: tiếp nhận cử nhân khoa học chuyên ngành để đào tạo nâng cao và đào tạo bổ sung khoa học giáo dục.

Trong tình thế cấp bách thiếu giáo viên, các trường sẽ tuyển những người tốt nghiệp chuyên ngành gần với môn học đang thiếu giáo viên. Những người này sẽ được bồi dưỡng thêm với các chương trình đào tạo khác nhau theo quy định của mỗi bang và theo yêu cầu với mỗi đối tượng tuyển dụng.

Việc tuyển giáo viên "tay ngang" ban đầu chỉ là giải pháp tình thế, nhưng sau đó trở thành giải pháp thường xuyên. Ở một số bang, số lượng giáo viên "tay ngang" chiếm tỉ lệ cao hơn giáo viên được đào tạo sư phạm bài bản.

Việt Nam: Cho phép sau 7 năm gián đoạn

Ở Việt Nam, tuyển dụng giáo viên là cử nhân các ngành khác nhau, có chứng chỉ sư phạm từng được áp dụng từ lâu nhưng tới năm 2014, Bộ GD-ĐT ngừng cho phép. Việc này do quan điểm giáo viên phải được đào tạo bài bản trong các cơ sở đào tạo giáo viên mới đảm bảo chất lượng.

Từ sau năm 2014 đến 2021, tình trạng thiếu giáo viên các cấp mầm non, phổ thông dai dẳng. Nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số môn chuyên biệt, các môn học mới như tin học, ngoại ngữ cấp tiểu học, mỹ thuật, âm nhạc thiếu trầm trọng khiến nhiều địa phương không triển khai được.

Cùng với việc lại cho phép tuyển dụng người có bằng cử nhân và chứng chỉ sư phạm làm giáo viên, Bộ GD-ĐT ban hành hai thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT và số 11/2021/TT-BGDĐT quy định chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, THCS, THPT.

Để được cấp chứng chỉ sư phạm làm giáo viên THCS, THPT sẽ phải hoàn thành 17 tín chỉ chung và 17 tín chỉ nhánh THCS, 17 tín chỉ nhánh THPT. 

Người muốn trở thành giáo viên tiểu học phải hoàn thành 31 tín chỉ. Chủ yếu nội dung học để cấp chứng chỉ sư phạm tập trung vào trang bị lý luận dạy học, phương pháp dạy học, cách tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục, đánh giá trong giáo dục, giao tiếp sư phạm, các kiến thức tâm lý học, giáo dục học…

E ngại với giáo viên nguồn "bên ngoài"

Xét ở khía cạnh tích cực, những giáo viên là cử nhân ngành khác có thêm chứng chỉ sư phạm được đào tạo khối lượng kiến thức nhiều hơn khoảng 30% so với sinh viên cùng ngành ở các trường sư phạm.

Nhưng nhiều tỉnh thành vẫn dè dặt trong việc tuyển dụng giáo viên từ các nguồn đào tạo khác. Giáo viên trong diện này chỉ là giải pháp tình thế, thường được tuyển theo diện hợp đồng. 

Trong khi đó, một tiêu chí đặt ra ở các kỳ tuyển dụng giáo viên luôn là phải tốt nghiệp trường sư phạm hệ chính quy. Có địa phương nêu cụ thể người tốt nghiệp trường đại học sư phạm nào thì mới tuyển. Quan điểm "trọng bằng cấp" hơn năng lực thực tế vẫn rất nặng nề.

"Đào tạo giáo viên là một ngành mà Bộ GD-ĐT phải quy định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào, chứng tỏ chất lượng đào tạo sư phạm hệ chính quy được xem trọng.

 Nhưng cấp chứng chỉ sư phạm cho người không được đào tạo sư phạm chính quy thì lại chưa có quy định rõ ràng cơ sở nào được phép đào tạo, cấp chứng chỉ. Bộ đã ban hành chương trình bồi dưỡng nhưng cần có kiểm soát từ cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng", một lãnh đạo sở GD-ĐT chia sẻ lý do e ngại tuyển giáo viên trong diện trên.

Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) hiện là cơ sở đào tạo lựa chọn mô hình A+B. Trong đó, A là khối lượng kiến thức chuyên ngành do các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội đảm nhiệm, chiếm 65-70% chương trình. B là nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm, chiếm 30-35% chương trình do Trường ĐH Giáo dục đảm nhiệm. 

Với mô hình này, sinh viên đi theo lộ trình đào tạo chuyên ngành trước, nghiệp vụ sư phạm sau.

Nhưng theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh - hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ngoài đào tạo nghiệp vụ sư phạm, Trường ĐH Giáo dục có nhiệm vụ căn chỉnh để sinh viên sau khi học chuyên ngành có định hướng trọng tâm vào kiến thức cốt lõi ở bậc phổ thông.

"Mặc dù theo mô hình đào tạo chuyên ngành trước, nghiệp vụ sư phạm sau nhưng sinh viên ngay từ đầu đã có định hướng làm giáo viên, được đào tạo liên tục. Việc này cũng khác với những người được đào tạo chuyên ngành đã ra trường, đi làm, nay muốn bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên", ông Thanh nói.

Vậy những người đang đứng đầu các trường sư phạm quan niệm ra sao về việc nên hay không rộng cửa tuyển giáo viên từ các nguồn nằm ngoài trường sư phạm?

"Trong tình thế thiếu giáo viên, phải mở rộng tuyển dụng giáo viên trong diện này thì nên áp dụng ở bậc trung học. Bậc mầm non, tiểu học cần tuyển giáo viên đào tạo chính quy, vì đây là lứa tuổi cần chăm sóc, giáo dục tỉ mỉ hơn là dạy kiến thức văn hóa - GS Thanh nói - Nhiều nước đã áp dụng như thế. Hiệp hội giáo viên của các nước mạnh và có quyền lực trong kiểm soát chất lượng các chương trình bồi dưỡng sư phạm nên có sự tin cậy về chất lượng giáo viên "tay ngang" hơn".

GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhìn nhận xu hướng sử dụng giáo viên từ nguồn ngoài trường sư phạm đã áp dụng từ lâu trên thế giới.

 Vấn đề là có lẽ Việt Nam luôn khác, nếu trở thành một trong các nguồn tuyển dụng giáo viên thì "cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về ưu, nhược điểm của các hình thức đào tạo và có các giải pháp đảm bảo chất lượng phù hợp".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận