Trung Quốc trước Đại hội Đảng: Nhân sự mới, chính sách kinh tế mới

H.MINH 12/09/2022 06:12 GMT+7

TTCT - Trong khi ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ ngồi lại, đội ngũ lãnh đạo kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ thay đổi toàn bộ trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang muốn trở thành siêu cường số một trong thế kỷ này.


Trung Quốc trước Đại hội Đảng: Nhân sự mới, chính sách kinh tế mới - Ảnh 1.

Ảnh: MIT Technology Review

Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Lưu Hạc, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương, Chủ tịch Ủy ban điều hành Ngân hàng Trung ương Quách Thụ Thanh, Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn đều có thể rời cương vị vào đầu năm tới do đã tới tuổi hưu hoặc giới hạn nhiệm kỳ.

Ai sẽ phụ trách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?

Đó sẽ là cuộc cải tổ nhân sự điều hành kinh tế lớn nhất ở Trung Quốc một thập niên qua, trong bối cảnh vĩ mô nhiều hung hiểm: thị trường nhà ở đang giảm sâu ở mức lịch sử, thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục - 20%, trong khi lòng tin của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đang xuống thấp vì những kềm tỏa kinh tế của chính sách "zero COVID".

Tuy nhiên, có một điều đã không thay đổi với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ít ra là trong hai thập niên qua: công tác điều hành kinh tế luôn được ủy thác cho những nhà kỹ trị. Ông Lưu Hạc, 70 tuổi, là một ví dụ nổi bật.

Được coi là nhân vật quan trọng nhất về điều hành kinh tế, ông tốt nghiệp Đại học Nhân dân Trung Quốc (Bắc Kinh) với bằng cử nhân kinh tế công nghiệp, rồi lấy bằng thạc sĩ hành chính công ở Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy (Đại học Harvard), trước khi kinh qua các vị trí ở Ủy ban Kế hoạch quốc gia, Trung tâm Thông tin nhà nước và Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc. 

Ông trở thành cố vấn kinh tế số 1 của ông Tập từ năm 2013. Các lãnh đạo mảng kinh tế khác của Trung Quốc đều có một lý lịch học tập và công tác tương tự.

"Nhân sự tất nhiên là rất quan trọng - Victor Shih, giáo sư khoa học chính trị chuyên về Trung Quốc ở Đại học California, San Diego, nói với Hãng tin tài chính Bloomberg - Việc triển khai trên thực tế và tiến trình ra chính sách [kinh tế ở Trung Quốc] ít nhiều nằm trong tay các nhà kỹ trị". 

Điều đó cho phép Trung Quốc bổ nhiệm và sử dụng những chuyên gia như ông Lưu Hạc - bạn nối khố của ông Tập, nhưng làm phó thủ tướng mới từ năm 2018, khi đã 66 tuổi, tổng đạo diễn cuộc cải cách tài chính đại quy mô nhằm giảm nợ xấu diễn ra thời gian qua.

Người kế vị ông sẽ là "người quyền lực nhất" về chính sách kinh tế và sẽ "ảnh hưởng lớn lao đến định hướng chính sách của Trung Quốc trong 5 năm tới và hơn nữa", Hãng tư vấn Trivium cho biết trong một phân tích mới đây. 

Ứng viên hàng đầu hiện giờ là Hà Lập Phong - chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia. Dù cũng là chuyên gia kinh tế, ông Hà "giống một chính trị gia hơn một nhà kỹ trị", theo lời Neil Thomas - chuyên gia về Trung Quốc ở Eurasia Group. "Ông không có chuyên môn sâu về kinh tế như ông Lưu Hạc".

Cũng gây nhiều đồn đoán trong giới kinh tế gia và kinh doanh là chiếc ghế thủ tướng. Ông Lý Khắc Cường, 67 tuổi, có bằng tiến sĩ kinh tế và đã trải qua hai nhiệm kỳ với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng việc làm, giảm thuế và giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. 

Cần lưu ý rằng những người giữ cương vị thủ tướng Trung Quốc vài thập niên trở lại đây trước đó đều từng là phó thủ tướng. Hai phó thủ tướng hiện đang là ủy viên Bộ Chính trị và ở dưới tuổi hưu không chính thức (70 tuổi) là Hồ Xuân Hoa (59 tuổi) và Uông Dương (67 tuổi). Cả hai không có trình độ kinh tế như ông Lý nhưng đều từng kinh qua cương vị lãnh đạo tỉnh Quảng Đông - đầu tàu kinh tế miền Nam đất nước.

Chuyển hướng nền kinh tế

Chính sách kinh tế mới của Trung Quốc nhấn mạnh vào sản xuất và các mảng công nghệ cốt lõi, thay vì các ngành tăng trưởng nóng hoặc có tính đầu cơ cao như dịch vụ - Internet và bất động sản, thật ra đã được triển khai từ lâu.

Các công ty công nghệ một thời tăng trưởng cấp tập đã mất hai nghìn tỉ đô la Mỹ giá trị vốn hóa thị trường vì nhiều chính sách siết chặt của Nhà nước. 

Đầu tháng 8, cả Alibaba và Ant Group - những tập đoàn thương mại và tài chính điện tử lớn nhất Trung Quốc - đều báo cáo doanh thu và lợi nhuận giảm, trong khi tổng tài sản của người sáng lập Jack Ma mất gần 20 tỉ USD trong vài năm qua. 

Tương tự, tài sản của người sáng lập Tập đoàn bất động sản Evergrande Hứa Gia Ấn đã rớt từ 40 tỉ USD năm 2020 xuống còn 6 tỉ USD năm nay.

Nhưng họ chỉ là những ngoại lệ cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các chính sách kinh tế từ Bắc Kinh, điều dù tốt hay xấu đang định hình lại sự phát triển của các doanh nghiệp Trung Quốc. 

Lĩnh vực tư nhân của Trung Quốc thực ra vẫn phát triển mạnh mẽ, ngay cả trong những năm dịch bệnh. Năm 2022, tính tới tháng 8, các công ty Trung Quốc đại lục đã huy động được 58 tỉ USD từ phát hành cổ phiếu lần đầu, một kỷ lục, và vượt xa so với các công ty mới niêm yết ở Mỹ (19 tỉ USD) hay Hong Kong (5 tỉ USD). 

Tạp chí tài chính Tài Tân cho biết vẫn còn khoảng 1.000 công ty Trung Quốc nữa đang sẵn sàng các thủ tục niêm yết.

Cùng với đó là một thế hệ tỉ phú hoàn toàn mới. 10 người giàu nhất Trung Quốc hiện nắm trong tay khối tài sản 167 tỉ USD, theo dữ liệu của Bloomberg. 

Sự dịch chuyển tài sản từ Nhà nước sang tư nhân cũng đã diễn ra mạnh mẽ: Trong 10 năm 2010-2020, các doanh nghiệp tư nhân, từ chỗ chỉ nắm giữ 10% tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán, đã tăng lên hơn một nửa, theo Viện Peterson về kinh tế quốc tế. 

4/5 lực lượng lao động thành thị Trung Quốc hiện làm trong lĩnh vực tư nhân, tương đương 150 triệu người. 32 công ty tư nhân Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất thế giới của Fortune năm 2021, so với zero vào năm 2005.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang chuyển mình ra khỏi những lĩnh vực tích tụ tài sản chính khoảng 10 năm qua là Internet và bất động sản. Có thể kể ra vài cái tên mới toanh: đế chế đồ thể thao toàn cầu Anta Sports với doanh thu 2 tỉ USD năm 2019; CATL là nhà cung cấp pin cho rất nhiều hãng xe điện tầm cỡ thế giới; Zhifei Biological đột ngột xuất hiện trên danh sách Fortune 500 với vai trò nhà sản xuất thiết bị xét nghiệm COVID-19... 

Người giàu nhất Trung Quốc hiện giờ là Chung Thiểm Thiểm, chủ thương hiệu nước đóng chai Nongfu (Nông Phu), với tổng tài sản 63 tỉ USD.

Giống như mọi thứ khác ở Trung Quốc, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân song hành với Nhà nước. Đảng bộ thành phố Nam Dương (tỉnh Hà Nam) chẳng hạn, có hẳn mục tiêu đưa một công ty chăn nuôi heo - Muyuan (Mục Nguyên), vào danh sách Fortune 500 trong nghị quyết của mình. 

Cuối năm 2021, chính quyền thành phố được yêu cầu dành đất đai và kết nối nguồn nhân lực cho công ty, đồng thời gỡ bỏ tối đa các rào cản hành chính, giảm bớt hoạt động thanh kiểm tra... Tổng tài sản của người sáng lập Muyuan, Tần Anh Lâm, hiện đã tăng lên thành 23 tỉ USD.

Đó là ví dụ cụ thể của một tầm nhìn cao hơn. Chính quyền trung ương Trung Quốc - với các chuyên gia kỹ trị nắm nền kinh tế, trái với hình ảnh trì trệ, nhũng nhiễu hay độc đoán đã cũ - thực sự đang tìm mọi cách thúc đẩy kinh tế tư nhân. 

Ông Tập Cận Bình luôn gửi đi thông điệp ủng hộ khởi nghiệp mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là các lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên: điện toán đám mây, năng lượng xanh và sản xuất công nghệ cao. 

Quốc vụ viện Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu doanh nghiệp sáng tạo vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 100.000 doanh nghiệp sẽ là "các công ty kinh doanh chuyên ngành mới" và 10.000 sẽ được nhắm tới vai trò "người khổng lồ nhỏ" (tiểu cự nhân). Những doanh nghiệp này sẽ thu hút nguồn vốn và sự quan tâm đặc biệt từ Nhà nước.

"Tất cả cho thấy lĩnh vực tư nhân theo lý tưởng của ông Tập có thể na ná như Mittelstand kiểu Đức - Hãng Enodo Economics bình luận - Đông đảo các doanh nghiệp tư nhân nhỏ ổn định, sáng tạo, tạo ra công ăn việc làm thu nhập cao và hàng hóa chế tạo đòi hỏi công nghệ".

Với quy mô khổng lồ của mình, Trung Quốc đang thực sự thử thách những tín điều kinh tế xưa nay về sức mạnh của thị trường tự do bằng sự can thiệp sâu rộng của Nhà nước, và cho tới giờ, cuộc thử nghiệm về cơ bản vẫn đang trôi chảy.■

Thống đốc Ngân hàng Trung ương (PBOC) Dịch Cương, cựu giáo sư kinh tế Đại học Indiana-Purdue (Mỹ) và Đại học Bắc Kinh, sẽ bước sang tuổi 65 vào tháng 3-2023, tuổi nghỉ hưu theo truyền thống với cấp bộ trưởng. Do vai trò mang tính chuyên môn rất sâu của PBOC, ghế thống đốc sẽ khó có thể giao cho các chính trị gia. Người phó của ông Dịch hiện giờ, Phan Công Thắng, 59 tuổi, cựu học giả từng làm việc ở các Đại học Cambridge và Harvard, do đó được coi là ứng viên hàng đầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận