“Trái tim tan vỡ” không chỉ là cảm giác

HỒNG VÂN 06/06/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Trái tim tan vỡ là lối nói phổ biến trong văn chương, âm nhạc để chỉ cảm giác khi gặp nỗi đau khôn cùng. Trong y khoa, đây là một hiện tượng đã được xác nhận và có thể đe dọa tính mạng.

 
 Ảnh: Getty Images

Ngày 24-5, cô giáo dạy lớp 4 Irma Garcia, 48 tuổi, tử vong khi cố che chắn cho các học sinh khỏi trúng đạn trong vụ xả súng làm chết 21 người tại một trường tiểu học ở Uvalde (Texas, Mỹ). Hai ngày sau, ông Joe Garcia, chồng cô qua đời.

John Martinez, cháu của cô Irma Garcia, cho biết ông Joe gục xuống tại nhà hôm 26-5 không lâu sau khi mang hoa tới lễ tang của vợ. Bác sĩ cho biết sự ra đi đột ngột của ông Joe sau cú sốc mất vợ có thể là do bị hội chứng trái tim tan vỡ - một tình trạng hiếm xảy ra và có triệu chứng rất giống với một cơn đau tim. 

Điều gì kích thích trái tim tan vỡ?

Hội chứng trái tim tan vỡ có tên gọi chính thức là bệnh cơ tim takotsubo do các bác sĩ Nhật Bản phát hiện vào thập niên 1990. Họ phát hiện tâm thất ở tim của người mắc hội chứng này sẽ phình ra thay vì co lại trong giai đoạn tâm thu. Chỗ phình ra nhìn như  tako-tsubo - thứ bình gốm ngư dân Nhật Bản dùng để bẫy bạch tuộc và họ lấy luôn từ này để đặt tên cho hội chứng.

Theo Katie Connolly - bác sĩ tim mạch và là giáo sư về suy tim tại Đại học McMaster, cơn đau tim hay hội chứng trái tim tan vỡ đều có thể do một sự kiện rất căng thẳng trong cuộc sống gây ra. Trên thực tế, mối liên hệ giữa căng thẳng và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã được ghi nhận. Căng thẳng nghiêm trọng có thể gây ra khi một ai đó bị một căn bệnh bất ngờ hoặc nghiêm trọng, trải qua phẫu thuật hoặc tai nạn lớn, người thân đột ngột qua đời, tức giận hoặc sợ hãi tột độ, mất mát tài chính, bất ngờ quá lớn hoặc các trải nghiệm cảm xúc hoặc thể chất dữ dội khác.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cách đau buồn và căng thẳng biểu hiện qua thể chất như tăng nguy cơ tử vong, rụng tóc, các vấn đề về da và các vấn đề về giấc ngủ. Trước đây, hội chứng trái tim tan vỡ được cho là khá hiếm “nhưng 2-3% các trường hợp giống như cơn đau tim thực ra là hội chứng trái tim tan vỡ, nó thực sự không hiếm như người ta từng nghĩ” - bà Connolly nói.

 
 Ảnh: medcom.uiowa.edu

Các triệu chứng

Đau tim là do các động mạch bị tắc nghẽn, cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tim. Hội chứng trái tim tan vỡ có các triệu chứng như đau ngực và khó thở giống với cơn đau tim nhưng không gây tổn thương cơ hoặc tắc nghẽn trong tim.

Những người bị hội chứng trái tim tan vỡ giải phóng các đợt hormone gây căng thẳng (như adrenaline) ngăn tim họ co bóp đúng cách. Theo Đại học Harvard, bất thường phổ biến nhất trong bệnh cơ tim takotsubo là phần dưới của tâm thất trái bị phồng lên. Sự tăng vọt của hormone có thể “làm choáng” các tế bào, làm thay đổi trong các tế bào tim và mạch máu, gây rối loạn chức năng tim, ngăn tâm thất trái bơm hiệu quả. Tâm thất trái là nơi dày nhất và làm việc chăm chỉ nhất trong bốn ngăn của tim, có nhiệm vụ đưa máu có oxy đến toàn bộ cơ thể.

Dữ liệu cho thấy bệnh phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, nguy cơ còn có thể tăng gấp 5 lần sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, tại sao lại như vậy thì các chuyên gia chưa thể hiểu rõ. “Có thể có một sự liên quan nào đó với mức estrogen - có tác dụng bảo vệ tim mạch - thấp hơn” - giáo sư Connolly nói.

Hội chứng trái tim tan vỡ có nhiều biểu hiện. Đau ngực nhẹ hoặc khó thở là những dấu hiệu rất phổ biến. Bệnh nhân cũng có thể bị rối loạn chức năng tim, rối loạn nhịp tim do tim hoạt động quá nhanh. Các trường hợp ngừng tim nghiêm trọng hoặc tử vong do không đủ máu đến tim chiếm một tỉ lệ nhỏ. Đổ mồ hôi và chóng mặt cũng có thể xảy ra. Các triệu chứng nhìn chung là giống với đau tim. Do đó, chẩn đoán hình ảnh và các biện pháp chẩn đoán khác có thể giúp phân biệt đâu là đau tim, đâu là hội chứng trái tim tan vỡ. “Với hội chứng trái tim tan vỡ, sẽ không có động mạch bị tắc nghẽn vì vậy chỉ cần quản lý bệnh nhân bằng thuốc” - bác sĩ Deepak Bhatt, chuyên gia tim mạch tại Bệnh viện Brigham and Women’s ở Boston, nói với NBC News.

Các xét nghiệm sẽ cho thấy những thay đổi bất thường với tâm thất trái. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng và trong một số trường hợp có thể dẫn đến suy tim sung huyết, huyết áp thấp và các bất thường về nhịp tim gây nguy hiểm đến tính mạng khác. Từ góc độ chuyên môn, điều quan trọng là phải xác định được bệnh nhân bị đau tim hay bị hội chứng trái tim tan vỡ. Từ góc độ của bệnh nhân, dù là bệnh gì thì đó đều là tình huống cần cấp cứu.

Theo bác sĩ Bhatt, một số người có thể gặp hội chứng trái tim tan vỡ trong vòng vài phút sau khi biết tin xấu, trong khi những người khác có thể mất thời gian lâu hơn. “Có thể là nhiều giờ sau đó, trong một số trường hợp, có thể là cả ngày sau đó. Nó cũng có thể xảy ra vào lúc họ chấp nhận người thân của mình thật sự đã mất và sẽ không trở lại” - Bhatt nói. Theo ông, cảm giác khó chịu ở ngực hoặc khó thở bất thường sau một sự kiện buồn có thể là dấu hiệu của hội chứng trái tim tan vỡ, nhưng không phải lúc nào người bệnh cũng có dấu hiệu cảnh báo. Đôi khi biểu hiện đầu tiên của cơn đau tim lại gây tử vong và không phải ai cũng có triệu chứng. Do đó, lời khuyên là “nếu thấy những triệu chứng lạ đáng quan ngại, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế”.

Theo Cleveland Clinic, khoảng 1% người bị hội chứng trái tim tan vỡ tử vong. Phần lớn các bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 1 tháng và không có những tổn thương tim lâu dài. Harmony Reynolds, bác sĩ tim mạch tại Đại học New York Langone (Mỹ), cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị nào ngăn hội chứng trái tim tan vỡ. Tuy nhiên, bà đang nghiên cứu liệu hít thở sâu có thể giúp ích hay không.

 Hội chứng trái tim tan vỡ phổ biến nhất ở phụ nữ từ trên 50 tuổi. Trong một nghiên cứu năm 2021, phụ nữ chiếm khoảng 88% ca mắc. Một nghiên cứu năm 2020 cũng phát hiện tình trạng rối loạn về lo âu phổ biến hơn ở những bệnh nhân mắc hội chứng trái tim tan vỡ so với những người khỏe mạnh.

 

Trái tim vui mong manh

Nghiên cứu cho thấy hội chứng trái tim tan vỡ có thể xảy đến sau một sự kiện vui và các nhà nghiên cứu gọi nó là “hội chứng trái tim vui”. Mặc dù các sự kiện buồn như đau khổ, xung đột hay sợ hãi được cho là tác nhân gây ra hội chứng trái tim tan vỡ, nghiên cứu do Thomas Stiermaier của Bệnh viện Đại học Schleswig-Holstein ở Lübeck (Đức) dẫn đầu cho thấy nó có thể xảy ra sau các sự kiện vui như đám cưới, lễ rửa tội, có thêm cháu hoặc sinh nhật…

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học JACC về bệnh tim ngày 4-5-2022, Stiermaier và các đồng sự đã đánh giá 2.482 bệnh nhân để so sánh các nguyên nhân kích thích làm xảy ra hội chứng trái tim tan vỡ và bệnh trạng của những người bị kích thích buồn và kích thích vui. Trong số 910 bệnh nhân có yếu tố kích thích do cảm xúc, có 37 người trải qua các kích thích vui và 873 gặp kích thích buồn. Tuổi trung bình của các bệnh nhân đều tương đương nhau trong cả hai nhóm là 70 tuổi. Bệnh nhân có hội chứng trái tim vui thường có nhịp tim bất thường và thường là nam giới (18,9% so với 5,0%) so với những người gặp các sự kiện kích thích tiêu cực. Những bệnh nhân gặp hội chứng trái tim tan vỡ và trái tim vui đều có tỉ lệ tử vong trong thời gian dài và biến chứng tại bệnh viện tương tự nhau.

Bác sĩ Jason H. Rogers - giáo sư về tim mạch tại Trung tâm y tế Davis ở Sacramento, Đại học Y California - cho biết: cảm xúc cực đoan, cả tiêu cực và tích cực, trong một số ít trường hợp có thể gây ra hội chứng trái tim tan vỡ dù hầu hết mọi người, gặp buồn vui trong cuộc sống hằng ngày, không phát triển tình trạng này. “Mặc dù cảm xúc là một phần của bản chất con người và không phải dễ kiểm soát, bệnh nhân nên tránh những cảm xúc thái quá. Lời khuyên chung cho các bệnh nhân là nếu cảm thấy đau ngực, áp lực hoặc có điều gì đó không ổn với tim, hãy nhanh chóng đi khám” - bác sĩ Rogers nói.

Các bác sĩ cho rằng chúng ta nên duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần tốt, ngay cả khi xảy ra thảm kịch, để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Cố gắng ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng ở mức độ có thể và yêu cầu sự giúp đỡ nếu cần.

Trở lại chuyện ông Joe Garcia, bác sĩ Bhatt cho rằng rất có thể cái chết của vợ chính là một tác nhân gây căng thẳng tột độ dẫn đến cái chết của ông. Trong khi đó, bà Connolly nói phải khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong thực sự. Mặc dù những gì xảy ra với ông Garcia rõ ràng là một tình huống bi thảm khủng khiếp nhưng “ngay cả trong thời điểm tốt nhất, với tất cả thông tin tốt nhất, rất khó để phân biệt đâu là hội chứng trái tim tan vỡ hay là cơn đau tim” - bà nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận