Thiếu con này ta thế con kia

TRÚC ANH 15/08/2023 16:09 GMT+7

TTCT - Vì sao chuyện vườn thú cho con vật này đội lốt con kia không phải là chuyện hiếm?

Đây là lừa hay ngựa vằn?

Đây là lừa hay ngựa vằn?

Cho đến ngày 6-8, chuyện "gấu giả" ở một sở thú tại Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) vẫn còn là đề tài bàn tán xôn xao. 

Chuyện bắt đầu từ đoạn video ngắn lan truyền trên Weibo hồi cuối tháng 7, cho thấy một con gấu chó đứng thẳng trên hai chân và dường như còn vẫy tay chào đám đông khách tham quan. 

Cư dân mạng Trung Quốc lập tức đặt nghi vấn đấy là người đóng giả gấu, vì chỗ dưới hông phía sau nhăn nhúm như đũng quần của bộ đồ hóa trang. Dân mạng vừa tố vườn thú giả dối, vừa tha hồ mỉa mai châm biếm trên Weibo, trước khi câu chuyện được truyền thông quốc tế đưa tin.

Ngày 29-7, một nhân viên giấu tên của vườn thú phân trần với một hãng tin Trung Quốc rằng Angela (tên con gấu) là thú thật chứ nào phải con người cải trang. Người này nhấn mạnh "chỗ chúng tôi là cơ sở nhà nước, đâu để chuyện đó xảy ra", và thòng thêm: nóng như thế này (40oC) mà chui vào đóng giả thì chỉ chịu được vài phút là cùng, kiểu gì cũng phải lăn ra nghỉ, ở đó mà vững chãi đứng vẫy tay chào. 

Dân mạng vẫn không buông tha, bình luận rằng phải chăng anh này nói từ kinh nghiệm cá nhân, chứ sao lại rành thế? Có khi chính anh ta là Angela không chừng! Bản thân vườn thú cũng đã phát ngôn chính thức; và như thể bị người ta nghi ngờ gấu giả đứng như người là chưa đủ, họ còn cho con gấu tự thanh minh. 

Thiếu con này ta thế con kia - Ảnh 2.

Bản thông cáo "lời con gấu ở vườn bách thú" viết đại ý: em đang ở trong núi mà nghe mình đang nổi rần rần trên mạng, quý vị bảo em giống người khi đứng lên, vậy là không hiểu em rồi, em là gấu chó chính hiệu cơ mà!

Như bao vụ ồn ào trên mạng khác, mỗi cư dân mạng bỗng trở thành nhà gấu học, sở thú học, nhiệt tình bày tỏ ý kiến. Có người nghiêm túc nhìn nhận Angela là gấu thật và chính khách tham quan là người có lỗi - cho nó ăn quá nhiều khiến con vật dần hình thành tư thế đứng lên để xin thêm. 

Charles Robbins, giám đốc nghiên cứu trung tâm gấu thuộc Đại học bang Washington, đồng tình với giả thuyết con gấu chỉ đang cố xin thức ăn vì đã quen được du khách chiều chuộng quá trớn. Theo New York Times, ông này còn cho biết gấu đứng thẳng là chuyện thường, chính ông cũng có một con gấu xám hay đứng và đi bằng hai chân đấy thôi.

Suy cho cùng, người ta nghi ngờ vì những vụ này đã có tiền lệ. Năm 2013, một sở thú ở tỉnh Hà Nam bị tố dùng chó ngao Tây Tạng giả làm sư tử, và mới tháng 5-2021, một video lan truyền trên mạng cho thấy trong chuồng sư tử của một sở thú ở Tây Xương (Tứ Xuyên) là một con chó giống golden retriever. 

Một nhân viên vườn thú nói với người quay video họ Tang chuồng đó đúng là của sư tử thật, nhưng con vật mới chuyển sang chỗ mới, chẳng qua chúng tôi quên tháo bảng thôi. Tang không phục vì đi hết sở thú đó cũng không thấy con sư tử nào.

Những sự vụ này, cùng với chuyện gấu hay người ở Hàng Châu, cho thấy thực tế u ám của việc điều hành sở thú ở Trung Quốc, với các vấn đề như ngược đãi động vật hay du khách làm hư các con thú, Peter Li, phó giáo sư về luật và chính sách động vật tại Đại học Houston-Downtown, nói trong bài viết cho MSNBC. 

Thật ra đây là vấn đề chung chứ không riêng Trung Quốc. Tháng 7-2018, một vườn thú ở Ai Cập bị chỉ trích vì sơn màu để biến lừa thành ngựa vằn châu Phi. Chủ cơ sở kiên quyết phủ nhận, dù có người chụp được ảnh con vật còn lem luốc sơn trên mặt. 

Nhân dịp đó, báo South China Morning Post điểm mặt 5 sở thú với cùng chiêu trò hóa trang động vật, gồm vụ thêm vài nét chấm phá cho chó thành gấu trúc ở Ý, vẽ lừa thành ngựa vằn ở Israel và một trường hợp nữa ở Trung Quốc - cho chó husky vào vai sói.

"Ngựa vằn" với gương mặt lem luốc màu sơn ở Ai Cập trong vụ bê bối năm 2018. Ảnh: BBC

"Ngựa vằn" với gương mặt lem luốc màu sơn ở Ai Cập trong vụ bê bối năm 2018. Ảnh: BBC

Trong mọi trường hợp, người quản lý đều có lý do để trần tình: chủ vườn thú ở Israel nói ngựa vằn thật đắt lắm (45.000 USD/con), dùng lừa đỡ vậy. Một vườn thú tư nhân ở Anh cũng từng bị phát hiện trưng bày toàn thú nhựa trong khu chim cánh cụt, và cũng phân trần - rằng thì là chưa nhập chim thật kịp do có dịch cúm gia cầm. 

Khu chuồng trại này thiết kế riêng cho chim cánh cụt, không "thay đổi công năng" được, thôi thì cho thú nhựa vào, dẫu gì cũng giúp trẻ em vẫn tiếp cận và học về chim cánh cụt. Tim Dowling, người kể câu chuyện này với báo The Guardian, cho rằng nói vậy thật khó tin. Ông đã tận mắt thấy khu vực đó, và muốn bỏ hươu cao cổ nhồi bông vào cũng được, nếu muốn.

Một con chó ngao Tây Tạng bị nhốt trong chuồng, với tấm biển ghi "sư tử châu Phi", tại một sở thú ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh chụp 15-8-2013.

Một con chó ngao Tây Tạng bị nhốt trong chuồng, với tấm biển ghi "sư tử châu Phi", tại một sở thú ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh chụp 15-8-2013.

Tóm lại, vườn thú luôn có lý do bào chữa cho chuyện thú giả, thú này đội lốt thú kia, vô tình hay hữu ý, nhưng công chúng có quyền phẫn nộ. 

Bị lừa không phải là cảm giác dễ chịu, và như Tang nói trong đoạn video "chó trong chuồng sư tử": tiền vé không quan trọng, điều quan trọng hơn là "tôi không biết giải thích chuyện này thế nào với con tôi".

Nhưng tiền vé có lẽ quan trọng với vườn thú chứ. Sở thú ở Hàng Châu không mong ồn ào quanh chuyện gấu hay người sớm hạ nhiệt, bởi từ khi vụ việc nổ ra, khách cứ ùn ùn kéo tới. Riêng ngày 5-8, tức sau đó một tuần, đã bán được hơn 20.000 vé vào cổng, tăng hơn 30% so với thường ngày. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận