Thế giới 3.0 không phẳng

ĐẠT ÂN 16/11/2007 10:11 GMT+7

TTCT - Trong tác phẩm Thế giới phẳng, Thomas Friedman tiên đoán chúng ta đang tiến tới một nền kinh tế toàn cầu không giới hạn, nơi mọi người có thể cạnh tranh bình đẳng với những “cơ hội phẳng” dựa vào công nghệ.

Phóng to
TTCT - Trong tác phẩm Thế giới phẳng, Thomas Friedman tiên đoán chúng ta đang tiến tới một nền kinh tế toàn cầu không giới hạn, nơi mọi người có thể cạnh tranh bình đẳng với những “cơ hội phẳng” dựa vào công nghệ.

Theo đó, lịch sử loài người đã trải qua các “phiên bản” toàn cầu hóa 1.0 (1492-1800), toàn cầu hóa 2.0 (1800-2000), và cuối cùng là toàn cầu hóa 3.0 (bắt đầu từ năm 2000). Tuy nhiên, người ta lại đang nói đến một thế giới 3.0 và trong thế giới này sẽ không có chỗ cho toàn cầu hóa 3.0.

Đơn giản, vì ở đó chi phí vận tải và năng lượng sẽ trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu khi đưa sản phẩm/dịch vụ kinh doanh đến tay người tiêu dùng. Chúng ta đang bước qua ngưỡng cửa của thế giới 3.0 - một thế giới ngày càng khan hiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.

Đỉnh điểm dầu mỏ

Có lẽ một ngày nào đó, các nhà sử học sẽ nhìn nhận lại cách thức mà các nền chính trị, kinh tế, truyền thông và thương mại hiện đại tạo ra một thể chế công nghiệp gây lãng phí môi trường tự nhiên và xã hội, để rồi gọi đó là sự tăng trưởng”
Đỉnh điểm dầu mỏ (hay cao điểm trữ lượng dầu thô - oil peak) là mức sản lượng khai thác dầu ở trạng thái bình ổn trước khi bắt đầu sút giảm do thiếu lượng giếng khoan mới để bù vào nhu cầu sử dụng năng lượng của thế giới. Sự suy giảm này đơn thuần là một qui luật tự nhiên, vì không còn nhiều dầu để mà khai thác nữa.

Tốc độ khám phá các giếng dầu mới trên thế giới đã bão hòa vào năm 1965 và sản lượng dầu đã vượt qua tốc độ này hằng năm kể từ giữa thập niên 1980. Các mỏ dầu có trữ lượng lớn cũng đã đạt mức đỉnh về sản lượng vào giữa thập niên 1960.

Vào ngày 19-10-2007 vừa qua, giá dầu đã có lúc đạt 90 USD/thùng, và việc giá dầu đạt 100 USD/thùng là điều có thể xảy ra trong tương lai gần.

GDP dựa trên nguồn năng lượng giá rẻ

Các chuyên gia kinh tế nói rằng không bao giờ có một bữa ăn miễn phí. Đó là sự thật. Vậy mà qua nhiều thập kỷ, loài người đã dùng bữa trên chiếc bàn Trái đất mà không phải tính tiền. Chúng ta nên sớm dự tính khi nào thì tờ hóa đơn sẽ được chìa ra.

Một trong những sai lầm của nền văn minh hiện đại chính là sự định giá quá thấp nguồn năng lượng do thiên nhiên mang lại, và đã đánh đổi những nguồn tài nguyên không thể tái tạo này để lấy mức tăng trưởng giả tạo và lệ thuộc.

Giá trị của nước máy có thể được nâng lên gấp 10.000 lần nhờ những nỗ lực “kinh doanh” của các tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola và Pepsi, bằng cách đóng chai plastic và chuyên chở qua 9.000 dặm từ đảo Fiji về Mỹ để phục vụ những ai có tiền! Chắc chắn số nhiên liệu hóa thạch sử dụng lãng phí cho việc chuyên chở này không nhỏ chút nào.

Giờ đây, xu hướng trong tương lai đã quá rõ ràng. Các tiêu chuẩn sống, như sức khỏe, an ninh, nghề nghiệp, thực phẩm... đều phụ thuộc giá dầu, khiến con người sẽ có một tương lai hoàn toàn khác với những gì mà Friedman và nhiều người tưởng tượng trong “version” toàn cầu hóa 3.0! Cần phải cân nhắc xem liệu các nước phát triển sẽ thích nghi thế nào với một thế giới mà nguồn cung giá rẻ (nông sản, thực phẩm) từ các nước nghèo luôn bị gián đoạn do các quốc gia này đang phải vất vả chống đỡ cuộc khủng hoảng khí hậu. Cũng thế, với các nước đang phát triển, những cơ sở hạ tầng cho công nghệ sản xuất mà họ đang hăng hái và cần cù xây dựng sẽ không còn giá trị, vì xác suất đánh mất thị trường mục tiêu thuộc các quốc gia Bắc Bán cầu khá cao, một khi việc vận chuyển hàng hóa là “nhiệm vụ bất khả thi” do giá dầu tăng!

Sai lầm lớn nhất chính là hệ thống kinh tế hiện đại của chúng ta trong một thế giới phát triển quá mức đã được xây dựng như thể nguồn tài nguyên năng lượng không bao giờ cạn. Thế giới 3.0 đang bắt đầu bằng những cuộc chiến tranh giành thứ vàng đen quí hiếm, như trường hợp vừa qua của Iraq chẳng hạn, và sự phân hóa cục bộ xã hội loài người như những pháo đài thời Trung cổ với nguồn lương thực thực phẩm và năng lượng tự cung tự cấp. Sự tham lam của con người sẽ được trả giá bằng chính hành động chia rẽ của họ.

Hiện tại, giá thương mại của một thùng dầu thô khoảng hơn 85 USD. Nhưng đó có phải là giá trị chính xác của dầu thô? Marty Sereno, giáo sư Đại học California, đã tính toán như sau:

“Một thùng dầu thô chứa 42 gallon (gần 160 lít) dầu, có thể chiết xuất ra 20 gallon (75 lít) xăng. Mỗi gallon xăng hàm chứa 36 kilowatt giờ năng lượng hóa học. Trong khi đó, một sức ngựa tương đương với 3/4 kilowatt, và sức hoạt động liên tục của con người chỉ bằng từ 1/10 đến 1/5 kilowatt. Vì thế, 20 gallon xăng từ một thùng dầu thô sẽ hàm chứa 180 kilowatt giờ. Nếu chia mức năng lượng trên cho 1/8 kilowatt - dựa trên hiệu năng làm việc liên tục của một người - thì chúng ta sẽ có được 1.440 giờ làm việc nghiêm túc. Giả sử con người đó phải làm việc 6 giờ/ngày, thì chúng ta cần 240 ngày để đạt được hiệu năng của 180 kilowatt giờ, tương đương với chế độ làm việc năm ngày một tuần trong suốt một năm. Tóm lại, một thùng dầu thô = một năm lao động thật nghiêm túc của một cá nhân. Theo luật ở Mỹ, một năm lao động như thế phải được trả ít nhất 10.000 USD”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận