Ra World Cup, ngại gì vốn trời cho!

HUY ĐĂNG 29/07/2023 17:00 GMT+7

TTCT - Trước khi tuyển nữ Việt Nam bước vào World Cup, nhiều người e ngại các cô gái sẽ phải "lấy rổ đựng bóng" khi nằm trong một bảng đấu gồm toàn các đội bóng hùng mạnh.

Nỗi e ngại càng lớn hơn khi Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha không chỉ mạnh, họ còn là các đội bóng phương Tây với lợi thế muôn thuở mang tên hình thể.

Các cô gái Nhật không ngán ngại những đối thủ cao to ở World Cup. Ảnh: REUTERS

Các cô gái Nhật không ngán ngại những đối thủ cao to ở World Cup. Ảnh: REUTERS

David hạ Goliath, chuyện thường trong bóng đá

Những lo ngại đó không phải không có cơ sở. Thống kê của FIFA chỉ ra rằng đoàn quân của ông Mai Đức Chung là tập thể có chiều cao khiêm tốn thứ nhì của giải, với chiều cao trung bình chỉ 1,606m. 

Trong đó, thủ môn dự bị Kiều Oanh là người cao nhất đội chỉ cao 1,7m. Zambia là đội duy nhất thấp hơn Việt Nam, với chiều cao trung bình 1,594m. Trong khi đó, cả 3 đối thủ cùng bảng của Việt Nam đều thuộc loại cao to hàng đầu giải đấu. 

Tuyển Hà Lan có chiều cao trung bình 1,706m, Mỹ là 1,693m, còn Bồ Đào Nha là 1,680m. Nếu Việt Nam chỉ có duy nhất cầu thủ đạt đến chiều cao 1,7m, Hà Lan lại có đến 12 cầu thủ cao trên 1,7m.

Nhưng liệu chiều cao có phải là tất cả? Chắc chắn là không. Trên thực tế, ngay trong trận đấu đầu tiên trước đương kim vô địch Mỹ, các học trò ông Mai Đức Chung đã không quá lép vế trong những pha không chiến. 

Cả trận, thủ môn Kim Thanh cũng như các đồng đội ở hàng phòng ngự ra vào hợp lý, hầu như không để tuyển Mỹ có một cơ hội quá rõ rệt nào từ những tình huống không chiến. Trong 3 bàn thua, duy chỉ có bàn thứ 2 là xuất phát từ một tình huống bóng bổng.

Không phủ nhận chiều cao hay hình thể chiếm một vai trò đáng kể trong bóng đá. Nhưng để nói hình thể quan trọng đến thế nào, câu trả lời rõ ràng lại chưa bao giờ được đưa ra. 

Tổ chức CIES Football Observatory từng làm khảo sát về tương quan chiều cao trung bình các đội bóng châu Âu và thành tích của họ. Khảo sát được thực hiện rộng rãi trên 31 quốc gia, để rồi đưa ra kết luận… không tìm được mối tương quan rõ rệt nào.

Sẽ rất dễ dàng để liệt kê những đội bóng mạnh áp đảo đối thủ nhờ hình thể vượt trội. Nhưng ở chiều ngược lại, người hâm mộ bóng đá cũng chẳng mấy khó khăn nếu muốn tìm ra các câu chuyện gã khổng lồ Goliath bị quật ngã bởi David nhỏ bé. 

Ở bóng đá nam, đó là trường hợp của tuyển Argentina tại World Cup 2022, hay giai đoạn thành công của Barca, tuyển Tây Ban Nha từ 2008 tới 2015. Và với bóng đá nữ, Nhật Bản chính là trường hợp rõ nét.

Tại World Cup 2011 - giải đấu tuyển Nhật Bản tạo nên cơn địa chấn làng bóng đá nữ khi lên ngôi vô địch, họ đồng thời cũng là một trong những đội bóng thấp bé nhẹ cân nhất giải. Năm đó, chiều cao trung bình của các cô gái Nhật chỉ là 1,62m. 

Và chức vô địch của họ ở World Cup 2011 không chỉ là thành tích nhất thời. 4 năm sau, Nhật suýt bảo vệ được ngôi nữ hoàng khi lọt vào đến chung kết (chỉ chịu thua Mỹ). Trước đó, "những bông hoa cẩm chướng" (biệt danh của tuyển nữ Nhật) còn giành HCV Olympic 2012, cũng như thống trị đấu trường châu Á nhiều năm liên tiếp.

Cho đến nay, Nhật vẫn đang là nền bóng đá hàng đầu thế giới. Họ được đánh giá nằm trong top 8 ứng viên vô địch. Và các cô gái Nhật vẫn… thấp bé nhẹ cân như ngày nào. Các cô gái Nhật chỉ cao 1,647m, nhỉnh hơn 2cm so với thế hệ huyền thoại từng vô địch World Cup 12 năm trước, đồng thời là 1 trong 5 đội bóng nhỏ con nhất kỳ World Cup này.

Nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến cái nhìn vị nể mà thế giới dành cho người Nhật. Từ lâu, vấn đề về chiều cao đã được mang ra tranh luận trong môn bóng đá. Kết quả cuối cùng, hầu hết các chuyên gia cho đến HLV đều đồng ý rằng được cái này sẽ mất cái nọ, và ngược lại. Chiều cao kém hiển nhiên dẫn đến không chiến kém, nhưng đi cùng đó là sự nhanh nhẹn, kỹ thuật và có trọng tâm thấp, dẫn đến hạ bàn vững vàng.

Nhìn người Nhật làm bóng đá

Nếu nói đến một nền bóng đá châu Á ra sức cải thiện chiều cao để mơ đổi đời, đó là Trung Quốc. Từ những năm thập niên 1990, bóng đá Trung Quốc đã có xu thế tuyển chọn những VĐV trẻ cao to để chơi bóng đá. 

Kết quả là đến World Cup 2002, HLV Bora Milutinovic có trong tay dàn cầu thủ thể hình hết sức lý tưởng. Chiều cao trung bình của đội Trung Quốc năm đó lên đến 1,83m, trong khi chiều cao trung bình của cả giải đấu chỉ là 1,81m, tức cầu thủ Trung Quốc nằm trong nhóm cao to của giải, còn Nhật (1,78m) và Hàn Quốc (1,8m) nằm ở nhóm thấp. Thủ môn Jin Jiang của Trung Quốc còn là cầu thủ cao nhất giải, 1,98m.

Kết quả, Trung Quốc thua cả 3 trận, ra về sớm với thành tích đứng 31/32 đội dự giải. Ở các kỳ Asian Cup tiếp theo, họ cũng luôn nằm trong nhóm 3 đội cao to nhất giải, nhưng thành tích thi đấu lại chẳng bao giờ lọt vào nổi top 4. Còn ở bóng đá nữ, tuyển Trung Quốc tham dự World Cup 2023 với đội ngũ chiều cao trung bình 1,69m. Và ở trận ra quân, họ đã thua Đan Mạch, đồng nghĩa với việc khó lòng giành vé đi tiếp.

Sau tất cả, hình thể dường như không phải là mấu chốt cho bài toán phát triển của bóng đá châu Á. Thay vào đó, mô hình chuyên nghiệp - bao gồm lò đào tạo, giải đấu, sự nghiên cứu và một tương lai nghề nghiệp bền vững từ lâu đã được người Nhật xem là chìa khóa. Những năm thập niên 1970, bóng đá nữ bắt đầu xuất hiện từ các trường học của Nhật.

Ở châu Âu, bóng đá nữ xuất phát từ các xí nghiệp, giúp các nước phương Tây sớm có một đội ngũ người chơi dồi dào. Còn ở Nhật Bản, mô hình trường học lại thuận lợi cho các cô gái trong việc định hướng nghề nghiệp. 

Từ khoảng những năm 1980, đội tuyển Nhật được thành lập dựa trên nòng cốt là các trường trung học, cao đẳng và đại học. Đến tận năm 2011, khi Nhật Bản vô địch World Cup, một phần đáng kể các trụ cột của họ vẫn là sinh viên đại học, như Maruyama, Kawasumi (ĐH Khoa học thể thao Nippon), Kozue Ando (ĐH Tsukuba, người sau này lấy bằng tiến sĩ khoa học thể thao), Yano (ĐH Kanagawa)…

Nhóm Nghiên cứu kỹ thuật (TSG) đứng sau sự phát triển của cả bóng đá nam và nữ Nhật Bản nhiều thập niên qua. Liên đoàn Bóng đá Nhật (JFA) cho biết từ sau World Cup 1998 (bóng đá nam), họ đã nhận thấy tầm quan trọng của việc phải nghiên cứu xu thế bóng đá thế giới, từ chiến thuật, cách đào tạo cho đến mô hình giải đấu…

Họ hoạt động với khẩu hiệu "Sự phát triển của cầu thủ là một kế hoạch dài hạn", và theo JFA, tất cả các HLV chuyên nghiệp trên khắp cả nước Nhật đều phải tuân theo những nguyên tắc đào tạo cầu thủ mà TSG đặt ra. Như vậy, các cầu thủ trẻ của Nhật được phát triển một cách nhất quán. Và tất nhiên, bao gồm cả các HLV bóng đá nữ.

"Đã có thời kỳ Nhật Bản bắt chước các nền bóng đá hàng đầu thế giới và phải chơi theo đặc điểm của đối thủ. Nhưng theo cách này, chúng tôi không thể nào bước vào top 10 thế giới, hay thậm chí là bước ra thế giới. 

Người Nhật có những đặc điểm riêng biệt. Chúng tôi có thể thua kém đối thủ về thể chất và sức mạnh nhưng chúng tôi cũng có điểm mạnh riêng, điều đã được FIFA thừa nhận. Chúng tôi cần quan sát thế giới - chứ không phải là bắt chước để có thể phát triển", JFA nêu cao quan điểm trên trang web chính thức của họ.

Như cả thế giới đều thấy, "những samurai xanh" đã quật ngã Đức - đối thủ có chiều cao trung bình hơn họ 5cm ở World Cup 2022. Và giờ đây, đến phiên "những bông hoa cẩm chướng" - 1 trong 5 đội bóng thấp nhất giải đấu - tiếp tục khiến làng bóng đá đỉnh cao phải ngước nhìn. Bằng nỗ lực, nghiêm túc và khoa học, bóng đá Nhật chưa bao giờ sợ sệt chuyện thấp bé nhẹ cân.■

Đề cao nữ giới

Người Nhật có quan điểm rất rõ ràng trong phát triển bóng đá nữ: công việc của phụ nữ, phải do phụ nữ đảm trách. Năm 2020, bóng đá Nhật cải tổ toàn diện hệ thống giải đấu của bóng đá nữ, và WE-League ra đời với hình thái chuyên nghiệp hơn so với hệ thống giải cũ. Họ cũng đặt ra một số quy tắc đặc thù: (1) một nửa số nhân viên hành chính các đội bóng là nữ giới; (2) mỗi hạng mục trong ban huấn luyện đều phải có nữ giới; (3) CLB phải có cơ sở điều dưỡng và chăm sóc trẻ em (nhằm hỗ trợ các bà mẹ đi làm)…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận