"Quốc sủng gia khánh" và chuyện rác vi nhựa ở quê nhà

LIÊN HƯƠNG 05/02/2024 06:08 GMT+7

TTCT - Người xưa khôn ngoan quyết không để lại núi vàng, núi của cho cháu con. Nhưng thế hệ tương lai biết ra sao với những núi rác mà chúng ta để lại?

Tranh “Ở một thế giới khác”của Nguyễn Đinh Cát Tường dành cho sự kiện Natural Heartheat.

Tranh “Ở một thế giới khác”của Nguyễn Đinh Cát Tường dành cho sự kiện Natural Heartheat.

Anh bạn đi du lịch xa gởi qua WhatsApp cho tôi xem hai tấm hình. Hôm đó, vợ chồng anh đi lạc vào một làng chài ở vịnh Msasani thuộc thủ đô Dar es Salaam của Tanzania, châu Phi. 

Một vịnh biển xanh trong, xa xa là thành phố tráng lệ với những hàng cây xanh mướt và những ngôi nhà chọc trời. Phía bên này là bãi cát vàng đầy rác, một khu ổ chuột đúng nghĩa. 

Anh không dám chụp dân làng vì tự thấy xấu hổ vì nhìn họ phải sống chui rúc trong rác, con người chẳng khác chi con chuột.

Vài tuần trước, khi dầm mình vào nước biển xanh ấm áp, trên đầu là nắng vàng mật buổi sớm của thành phố Nha Trang quê hương, tôi không thể thoát khỏi một ý nghĩ day dứt. Sóng vỗ bờ, sóng lại ra khơi. Sóng đưa vào và đẩy ra không biết bao nhiêu là túi ni lông, ly nhựa, giấy gói quà, khẩu trang, mảnh lưới rách… 

Bờ biển dài đầy những mảnh nhựa vỡ vụn nằm phơi nắng nhiệt đới, vùi sâu trong cát cũng là nhựa, ni lông, rác các loại. Tôi liên tưởng đến những hòn đảo nổi ngoài đại dương xa, những hòn đảo rác đã rất nhiều năm nay cứ mãi dập dềnh, lênh đênh, đưa vô vàn mảnh vi nhựa vào bụng cá tôm rồi lại vào bụng con người.

Đã nhiều năm nay tôi vào chợ, mang theo những túi plastic sử dụng nhiều lần để đựng hàng hóa mang về. Những túi này ghi Made in Vietnam, từ quê hương tôi đó, chỉ mới đọc dòng tên đã thấy lắm thân thương. Thịt cá, rau củ được để riêng trong những túi hay hộp tự phân hủy làm từ bắp.

Người dùng phải trả tiền cho những chiếc túi này khi mua hàng, sau đó lại dùng nó để đựng rác. Trả tiền là một hình thức đóng thuế để giải quyết các vấn đề về rác và cũng giúp người ta cân nhắc hơn khi mua hàng. 

Đi shopping ai cũng phải mang theo túi vải hay ba lô để đựng, nếu không sẽ phải trả một món tiền kha khá cho các loại túi xách, kể cả túi giấy. Trong các bữa tiệc với gia đình, bạn bè nếu không tiện sử dụng ly chén, muỗng nĩa bằng sứ, kim loại hay thủy tinh thì có loại làm từ giấy, tre hoặc các vật liệu tự phân hủy, được thu gom riêng vào thùng chứa rác thải hữu cơ. 

Rác được phân loại rất kỹ càng. Tất cả mọi người đều làm như một thói quen, một sự tự giác, không có gì nặng nề, không quá mất thời gian mỗi ngày.

Kể từ năm 2016, tại vùng Lombardia của Ý, microchip được gắn vào các thùng rác gia đình, loại dùng chứa rác thải không thể phân loại, không thể tái chế. Việc này nhằm hạn chế số lượng thùng rác đem đổ hằng năm, nếu quá số quy định sẽ phải trả tiền. Nhờ đó mà lượng rác được phân loại và có thể tái chế tăng rất nhiều.

***

Theo dõi tin tức ở Việt Nam, tôi được biết có rất nhiều nhóm tình nguyện hằng ngày đi nhặt rác ở các bãi biển, các mương rãnh, có nhiều người dân mang giỏ đi chợ, mang ly vào tiệm cà phê, mang bình đựng nước uống, mang cà mèn đi mua thức ăn, có nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu nhằm khắc phục và giải quyết hậu quả của rác thải nhựa…

Thực tế sau nhiều năm xa cách, lúc quay về tôi đã bị một cơn sốc: quê hương mình đầy rác và xả rác nhiều đến vậy sao! Chợ búa, siêu thị, nhà hàng, quán xá, các hộ gia đình…hằng ngày thải ra một lượng rác nhựa khủng khiếp. Chỉ trong vài tuần, tôi và gia đình cũng đã tiếp tay thải một lượng lớn rác nhựa, các loại bao bì nhựa mà ở bên Ý chúng tôi phải mất cả hàng năm.

Chúng tôi luôn bỏ rác nhựa vào thùng rác mà không chắc được chúng sẽ đi về đâu, được tái chế hay lại trôi ra biển. Phòng khách sạn có ba thùng rác, tức là có ba cái túi ni lông. Gia đình tôi cố gắng dồn hết rác vào một thùng để mỗi ngày lúc nhân viên vào dọn phòng đỡ phải xài phí hai túi ni lông còn lại.

Một ly nước mía - thứ nước uống tự nhiên và ngon lành nhất - uống tại quán tốn một ly nhựa và một ống hút nhựa, nếu mang về sẽ tốn thêm một miếng nilon ép miệng ly, một túi nilon nhỏ cho mỗi ly và một túi nilon lớn chứa tất cả. 

Trong lúc chờ giờ ra ga, bấm điện thoại là lập tức các món ăn nóng hổi giao tận chỗ, chứa trong các hộp xốp, bao lớn bao nhỏ chứa thức ăn, chứa nước chấm cùng muỗng nĩa bằng nhựa.

Mỗi Seabin (thùng rác nổi) có khả năng thu giữ 90.000 túi nhựa mỗi năm với chi phí chưa đến 1 USD/ngày. Ảnh: www.weforum.org

Mỗi Seabin (thùng rác nổi) có khả năng thu giữ 90.000 túi nhựa mỗi năm với chi phí chưa đến 1 USD/ngày. Ảnh: www.weforum.org

Hai người Úc, Peter Ceglinski, một người từng làm công việc thiết kế sản phẩm và đóng thuyền cùng Andrew Turton - cũng tham gia lĩnh vực hàng hải - đã cống hiến hết mình từ năm 2014 để phát triển Seabin, một chiếc giỏ nổi được tung ra thị trường vào năm 2017, có khả năng hút và thu gom khoảng 500kg rác thải từ mặt nước hằng năm, bao gồm cả hạt vi nhựa từ 5 - 2mm đường kính.

Ở Ý, dự án LifeGate PlasticLess ra đời năm 2018 để góp phần giảm ô nhiễm bằng cách bố trí càng nhiều Seabins càng tốt ở các cảng, sông hồ của Ý, với mục tiêu thu gom 23 tấn nhựa mỗi năm. 

Nhựa được thu hồi từ biển Địa Trung Hải, cùng với nhựa được thu thập ở các khu vực khác trên thế giới được tái sử dụng cho mục đích công nghiệp.

Nhờ dự án LifeGate PlastLess, hai sáng kiến nữa được triển khai ở Ý từ tháng 3-2022 là thùng rác Collec'Thor và máy bay không người lái Pixie.

Giống như Seabin, thùng rác Collec'Thor cũng được lắp đặt trên các ụ nổi của cảng, bến du thuyền, gần các điểm tích tụ rác. Nó hoạt động như một "thiết bị ăn nhựa" cỡ lớn, thu gom các loại rác thải trôi nổi khác nhau như chai nhựa, túi xách, tàn thuốc và rác thải nhựa, hạt vi nhựa có đường kính từ 3mm trở lên. 

Hoạt động 24 giờ/ngày, bảy ngày/tuần nhờ một máy bơm công nghiệp mạnh mẽ đảm bảo tuổi thọ cao và chỉ tiêu thụ 0,75 kilowatt, nó có thể thu gom tới 100kg chất thải trôi nổi một lúc.

Pixie Drone là thiết bị có thể di chuyển tự do để "khám phá" những khu vực nhỏ của biển hoặc hồ, săn lùng rác thải nhựa ở xa các điểm tích tụ rác. Nó hoạt động dưới nước ở độ sâu ít nhất 30cm. Nó có thể được điều khiển từ xa từ khoảng cách 500m và được giám sát nhờ ứng dụng web. Nó có tốc độ 3km/h và thời gian hoạt động tự chủ trong 6 giờ. Trong mỗi đặc vụ của mình, nó có thể thu gom tới 60kg chất thải một lúc từ nhựa đến chất thải hữu cơ, từ thủy tinh đến giấy, từ vải đến cao su.

Dù gì, sự tham gia tích cực, tự giác của mỗi bàn tay, từng con người vẫn là sức mạnh và có hiệu quả nhất.

***

Trông người lại nghĩ đến ta, xin đừng nghĩ đây là những lời chỉ trích, chê bai, nói xấu quê hương. Người xưa khôn ngoan quyết không để lại núi vàng, núi của cho cháu con. Nhưng thế hệ tương lai biết ra sao với những núi rác mà chúng ta để lại?

Những ngày ở Sài Gòn khi cùng con, cùng cháu tham quan Bảo tàng Lịch sử, tôi đã dừng thật lâu, trầm ngâm trước một bức cuốn thư bằng gỗ thếp vàng có từ năm 1933 với dòng chữ "Quốc sủng gia khánh" (Nước vẻ vang, nhà hạnh phúc) trổ những con rồng bay lên, uốn lượn hiên ngang, mạnh mẽ. 

Tết đã về gần tới cửa nhà. Tết Giáp Thìn, Tết rồng. Mong con rồng năm nay, biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, cũng sẽ là biểu tượng của đất nước vươn cao, vươn xa, hướng tới tương lai phát triển và hội nhập cùng thế giới. Rồng hiển vinh, đất nước vẻ vang, nhà nhà hạnh phúc, hành tinh này mãi mãi xanh tươi. 

(2024, những ngày chạp Tết)

Theo WWF, tình trạng ô nhiễm từ chất thải nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất cần giải quyết, cả do mức độ nghiêm trọng của nó, nhất là đối với sức khỏe con người và cả vì chúng ta đã bỏ qua nó quá lâu.

Trong những thập niên gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ đồ nhựa đã tăng trưởng theo cấp số nhân và gây ra hiện tượng ô nhiễm trên đất liền và trên biển, đặc biệt ở nhiều quốc gia thuộc châu Á và châu Phi, nơi hệ thống thu gom rác thải thường kém hiệu quả hoặc không tồn tại.

Những con số cũ kỹ từ WWF từng ghi nhận rằng:

450 triệu tấn nhựa được sản xuất ra mỗi năm.

8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương hằng năm.

700 loài đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ô nhiễm nhựa.

Nếu đem lọc tất cả lượng nước mặn trên thế giới, chúng ta sẽ tìm thấy mỗi cây số vuông chứa khoảng 46.000 vi hạt nhựa lơ lửng. Cứ như thế, cho tới năm 2050, theo Ellen MacArthus Foundation, tổng trọng lượng nhựa trên biển sẽ vượt quá trọng lượng cá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận