Ông ngoại và Juliette

CAO HUY THUẦN 01/05/2023 10:56 GMT+7

TTCT - Trong bốn mươi năm tôi chiến thắng, tôi đánh gục, phất cờ. Vậy mà nay đành thất trận trước đứa bé thơ...

Tôi đã đọc khá nhiều thơ Victor Hugo trong các sách của tôi. Lần này lại đọc nữa vì một lý do mà ai đến tuổi làm ông đều thông cảm: vì ông nào cũng mê cháu, và Victor Hugo đã nâng cái hạnh phúc được làm ông lên thành nghệ thuật với tập thơ danh tiếng cuối cùng của ông: Art d'être grand-père (Nghệ thuật làm ông).

GS Cao Huy Thuần và cháu gái Juliette. Ảnh gia đình cung cấp

GS Cao Huy Thuần và cháu gái Juliette. Ảnh gia đình cung cấp

Nghệ thuật... Trời, ông già Hugo dễ thương làm sao! Ông thành trẻ con với trẻ con, ông thành cháu, cháu thành ông, ngang vai ngang vế, bình đẳng.

Thế kỷ 19, kỷ luật trong gia đình rất nghiêm, phạm một lỗi, dù nhẹ, cũng bị phạt. Hugo, con người đấu tranh cả đời cho luật pháp, tự cho mình cái quyền được vượt qua luật pháp của mẹ các cháu, để cưng chiều cháu, cháu khóc thì ông cũng chảy nước mắt thôi. 

Đây là một trường hợp: Bé Jeanne bị mẹ phạt giam vào phòng tối, chỉ được ăn bánh mì lạnh với nước lã. Ông nội Hugo len lén dúi một lọ mứt vào phòng tối cho tội nhân đang van xin hối lỗi: "con không thọc ngón tay vào mũi nữa", "con không để cho mèo cào mặt nữa đâu".

Được phạm luật, sung sướng biết bao nhiêu! Huống hồ, có luật nào cao hơn sự ngây thơ của đứa bé? Có luật nào dám sánh với cái trong vắt nơi con mắt của bé thơ? 

Và có luật nào, có luật nào dám vói tới câu nói trịch thượng, bình đẳng này của bé Jeanne khi ra khỏi phòng tối: "Lần sau cháu sẽ dúi lọ mứt cho ông".

Một trường hợp khác: Jeanne bị một vết thương nơi tay. Không đợi vết thương lành hẳn, cô bé tháo băng dán ra, vết thương chảy máu. Ông nội mắng.

Tôi mắng, cháu khóc, và tôi nhìn cháu khóc

Xuống giọng ngay: Ông xin hòa, ông buông khí giới

Với điều kiện, Jeanne, cháu tặng cho ông một tiếng cười.

Tức thì con bé hiền lành của tôi nhảy xổ vào lòng

Và nói, với giọng khoan hồng và bề trên long trọng:

Cháu không làm lỗi nữa, vì cháu yêu ông.

Hai ông cháu bằng lòng vì đã quên đứt rồi chuyện lỗi

Cháu quên ông đã khoan hồng, ông quên cháu đã tha tội.

Tôi cũng có cái hạnh phúc được xuống giọng như thế thường xuyên. Bởi vì tôi cũng có cái hạnh phúc được làm ông, ông ngoại, của Juliette, cháu tôi.

 La và mắng cháu là một cái tội, tội ấy, dù được cháu tha bổng, lòng vẫn dặn lòng đừng nên bao giờ tái phạm, vì cháu là tác phẩm tuyệt vời, và vì ông là tín đồ của nghệ thuật. 

Nghệ thuật làm ông là phải biết cưng và chiều, và xuống giọng sáu câu vọng cổ khi trót lỡ lầm lên giọng hơi cao.

Juliette của tôi tự nhiên mà biết như thế, và còn biết hơn thế nữa: biết ông ngoại chẳng bao giờ lên giọng. Cho nên cháu biết vượt qua kỷ luật của mẹ dễ như ăn kẹo mỗi khi được ở với ông. 

Chẳng hạn, mẹ bận việc đâu đó, gửi cháu cho ông một buổi chiều. Mẹ vừa khép cửa đi ra, Juliette đã lân la cạnh ông với vẻ mặt buồn buồn. Ông ngoại lo lắng: "Juliette, có việc gì vậy?". Cháu lửng lơ: "Chẳng có việc gì cả". Rồi nghiêng đầu vào vai ông ngoại, rồi kéo tay ông ngoại đi. Đi vào phòng làm việc của ông, nơi có cái máy vi tính. Ông ngoại ngoan ngoãn đi theo, tuân thủ ngồi vào ghế mà cháu đã chỉ, nghĩa là trước cái máy. Kỷ luật của mẹ là chiều nay phải làm cho xong bài tập, không được mở máy xem phim hoạt họa. 

Nhưng kỷ luật là mây, mây bay rồi, để lộ bầu trời trong vắt của ông ngoại, trong đó chỉ còn một vầng trăng tự do là Juliette. Thỉnh thoảng ông ngoại cũng biết làm bổn phận nhắc nhở, nhưng cái lưỡi cứ ấp úng: "Juliette... chiều nay bài tập... cháu làm... xong chưa?". Cái giọng, sao bỗng ngọt như mía lùi, càng nhắc càng ngọt. Vợ tôi thường nói: "Giá như anh cũng nói với em bằng cái giọng đó...". A, không được ví von, lạc đề!

Có khi mẹ cháu nới lỏng một chút kỷ luật sắt, cho phép xem phim 45 phút. Juliette gật đầu ba bốn lần: "Con hứa, con hứa". Ông ngoại nhìn đồng hồ: tim ông và tim cháu đập cùng một nhịp thời gian và cùng oán trách cái đồng hồ quá tàn nhẫn, chạy quá nhanh. 

Đã hơn một giờ! Đã gần hai giờ! Vợ tôi giục: "Dọa Juliette mẹ sắp về". Tôi đã lấy can đảm dọa ba lần rồi, lần này, chắc phải lên giọng: "Juliette...". Chưa kịp nói gì thêm, cháu đã xua tay lên giọng trước: "Ông ngoại!". Lập tức ông ngoại im. Và cửa mở, mẹ cháu về, bắt quả tang cả ông lẫn cháu đều tội phạm. Ông ngoại vội vàng biện hộ: "Phim hay quá, hai ông cháu cùng xem, mê luôn...".

Tranh của Georgios Jakobides (1890)

Tranh của Georgios Jakobides (1890)

Cái hạnh phúc được thua cháu, sướng lắm! Cả đời mình, mình chỉ muốn hơn. Đến già, mới biết có cháu là để mà thua, để thấy thua là hạnh phúc vô biên. Từ ông ngoại hèn mọn này đến ông nội Hugo lẫy lừng kia, cái hạnh phúc ấy là giống nhau, không ai thua ai. 

Chỉ có điều là ông Hugo viết thành thơ còn mình thì không nói được, đành mượn ông để nói thay mình. 

Đây này, con người đã đứng trên tột đỉnh vinh quang, con người đã chế ngự bao nhiêu bão táp của thời đại, con người chưa hề cúi đầu trước mọi quyền lực, con người Victor Hugo ấy đã để lại cho cháu Jeanne một ông nội như thế này:

Tôi đã lùa vào vực sâu, lùa la liệt

Nào quân vương, nào khanh tướng, triều thần

Nào ngụy thánh, ngụy thần, ngụy thuyết lừa dân

Nào máy chém, nào ngai vàng, nào gươm, nào trượng

Gươm của bạo quyền và trượng của đế vương

Tôi đà lùa tất cả xuống khe xuống vực.

Trước đại đế, đại vương, đại hùng quyền lực

Trước những ai mà nhân gian ngưỡng mộ, ghét bỏ, tôn thờ

Trong bốn mươi năm tôi chiến thắng, tôi đánh gục, phất cờ

Vậy mà nay đành thất trận trước đứa bé thơ.

Hèn mọn, tôi chưa có cái vinh quang đánh gục ai, cũng chẳng biết làm thơ, may mà nhờ có cháu nên mới biết được chút hát ru. Tôi hát nhé :

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng xung quanh mây hồng

Cô kia mới cưới cưng chồng

Còn tôi cưng cháu, tôi bồng cháu tôi.

Xin kính tặng tất cả những ai có cháu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận