Myanmar: Một thực tại kỳ lạ

HỮU NGHỊ 11/03/2024 04:50 GMT+7

TTCT - Tình hình Myanmar 3 năm sau khi phe quân nhân lật đổ chính quyền dân sự được bầu lên từ cuộc tổng tuyển cử ngày 8-10-2020 vẫn rắc rối. Chiến sự vẫn dữ dội. Ai là ai trong đất nước này là một câu hỏi khó.

Ba tay súng của lực lượng PDF trong một trại huấn luyện quân sự. Ảnh chụp tháng 11-2023. Ảnh: World Politics Review

Ba tay súng của lực lượng PDF trong một trại huấn luyện quân sự. Ảnh chụp tháng 11-2023. Ảnh: World Politics Review

Hôm thứ ba 4-3, theo tờ The Irrawaddy (tờ báo độc lập do một nhóm nhà báo Myanmar sống tại Thái Lan lập năm 1993), chiến sự vẫn tiếp diễn với tin chiến thắng của Quân đội Kachin độc lập (KIA). Còn tờ New Light of Myanmar của giới tướng lĩnh nắm quyền thì kịch liệt bác bỏ "thông tin sai lạc lan truyền về sự cố ở Kawlin".

Cuộc chiến thông tin

Tờ New Light of Myanmar hôm 5-3 phiền trách rằng "các phương tiện truyền thông độc hại đã lan truyền thông tin sai lệch cho rằng lực lượng an ninh đã đốt cháy và phá hủy một số ngôi làng, bao gồm Thakhukkon, Ywama, Pekon, Kyauktan và Ngagyiai ở thị trấn Kawlin, trong khu vực Sagaing, dẫn đến việc ba thường dân bị bắt giữ và thiệt mạng". 

Theo báo này: "Các thông tin độc hại này lan truyền trên mạng xã hội nhằm đánh lừa dư luận..., đổ lỗi cho lực lượng an ninh và che đậy hành động của những kẻ khủng bố".

New Light of Myanmar đưa ra phiên bản tin tức của họ: "Theo một viên chức an ninh, vụ việc xảy ra sau khi các nhóm khủng bố KIA và PDF rút khỏi Kawlin. Khi rút lui, họ đã nổ súng vào lực lượng an ninh đang rà phá bom mìn và tiến hành công việc phục hồi thị trấn". 

Đáng nói là, cũng theo tờ này, "bọn khủng bố sau đó cố tình bắn vũ khí hạng nặng vào các ngôi làng, dẫn đến thương tích và tử vong".

Có thể thấy qua bản tin trên, Chính phủ Myanmar coi các tổ chức KIA và PDF là những nhóm khủng bố và thủ phạm vụ bắn giết. Song, những vụ bắn giết thế này đã từng xảy ra, nếu không muốn nói là lặp đi lặp lại. New Light of Myanmar 11-2 từng loan tin tương tự: 

"Những kẻ khủng bố KIA và PDF đã phát động cuộc tấn công vào thị trấn Kawlin ở khu vực Sagaing vào hôm 3-11-2023 bằng cách sử dụng sức mạnh quá mức" và "bọn chúng đã nổ súng vào đơn vị an ninh và đồn cảnh sát".

Nếu chỉ tấn công phe chính phủ, còn hiểu được, song hành động sau, theo tường trình thuật của New Light of Myanmar, quả là "khủng bố". Tờ báo tố cáo: "Ngoài ra, chúng còn giết dân địa phương, đòi tiền, đốt phá các tòa nhà, đặt mìn nhằm phá hoại cơ chế hành chính của chính phủ và phá hủy, đột nhập vào các ngôi nhà". 

Tất nhiên, quân chính phủ đã anh dũng chống trả. Theo tờ báo này, quân đội chính phủ (Tatmadaw) và Lực lượng Cảnh sát đã phong tỏa thị trấn Kawlin, sau đó Tatmadaw địa phương đã tung ra một mũi phản công, quân tiếp viện cũng đã đến, dứt khoát không để căn cứ lọt vào tay "bọn khủng bố".

Có thể thấy, chiến sự chủ yếu tập trung ở thị trấn Kawlin trong khu vực Sagaing, cả trong vụ nêu trên nổ ra từ tháng 11-2023, lẫn trong vụ mới đầu tháng này. Kawlin là điểm giao thông chính từ nam tới bắc của khu vực Sagaing, nên được coi là vị trí thích hợp để kiểm soát các mỏ vàng lậu và thăm dò dầu trái phép gần đập Thaphanseik, nên trở thành tâm điểm chiến sự là dễ hiểu.

Vấn đề đặt ra là trên đây mới chỉ là thông tin từ chính quyền quân sự, còn sự thực như thế nào?

Ảnh: THe New Humanatarian

Ảnh: THe New Humanatarian

Hiện thực kỳ lạ của Myanmar

Cuộc nội chiến ở Myanmar không phải bắt đầu sau cuộc đảo chính của quân đội năm 2021, mà lâu hơn thế nhiều. Những gì đang diễn ra có thể coi là diễn biến nối dài của các biến cố từ tận năm... 1948, khi Liên minh Quốc gia Karen (KNU) nổi lên với tư cách tổ chức vũ trang sắc tộc đầu tiên xuất hiện trên chiến trường.

Ở đất nước Myanmar gồm 135 dân tộc, nhiều phe phái vũ trang đã nổi lên kể từ đó, thường đi kèm với các cánh chính trị tương ứng. Theo thời gian, một số nhóm giải thể, đổi tên rồi tái tham gia cuộc chiến. 

Theo Geopolitical Monitor 27-2, hiện tại hơn 25 phe vũ trang đang hoạt động, trong đó hầu hết đối lập với chính quyền quân đội, một số đứng về phía chính phủ và những phe khác hiện đang tuân thủ một lệnh ngừng bắn. 

Bất chấp những nỗ lực nhiều lần của chính phủ nhằm đảm bảo Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) với các nhóm này, tình hình đã không được cải thiện nhiều. Một số nhóm từng ký NCA thì đã đổi ý sau cuộc đảo chính năm 2021.

Chống lại Tatmadaw và chính quyền quân sự chính là mẫu số chung của nhiều nhóm sắc tộc vũ trang này, trong đó nổi bật hơn cả là Quân đội Arakan (AA), Quân đội Kachin độc lập (KIA), Liên minh Dân tộc Karen/Quân đội Giải phóng quốc gia Karen (KNU/KNLA), Quân đội Giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) và Quân đội Bang Wa thống nhất (UWSA). 

Báo cáo "Thông tin tình hình Myanmar" của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc công bố ngày 11-11-2022 ghi nhận tính phức tạp của thực trạng này: "Bên cạnh việc bảo vệ người dân trước quân đội và các tổ chức vũ trang sắc tộc khác, họ thường xuyên đảm nhận một số chức năng của nhà nước trong khu vực họ kiểm soát, như cung cấp giáo dục, y tế và các dịch vụ khác, cũng như đánh thuế và kiểm soát hoạt động buôn bán cả hợp pháp và bất hợp pháp".

Éo le ở chỗ trong khi họ hoạt động như vậy, "ranh giới giữa một quân đội theo chủ nghĩa dân tộc và các băng nhóm tội phạm thường mờ nhạt và khác nhau tùy theo từng nhóm vũ trang". Hậu quả là "các cá nhân liên quan đến các nhóm vũ trang vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của vi phạm nhân quyền". 

Nôm na mà nói, họ vừa đóng vai nhà nước, lại có khi đóng vai kẻ cướp. Càng éo le khi có lúc nhóm vũ trang sắc tộc này chống lại (các) nhóm vũ trang sắc tộc khác. Đây là đặc điểm của đất nước mà khái niệm quốc gia chưa vượt qua được những chia rẽ sắc tộc, và đáng ngại thay lại gồm tới 135 nhóm dân tộc và 7 bang với đông người dân tộc thiểu số, nói tới 100 ngôn ngữ khác nhau.

Ảnh: Al Jazeera

Ảnh: Al Jazeera

Hai đối thủ chính

Trở lại với việc Tatmadaw nay liệt hai nhóm KIA và PDF vào hàng khủng bố. Mô tả về PDF trong báo cáo đã dẫn giải thích tại sao Tatamdaw lại đặc biệt "ưu ái" hai nhóm này. 

Theo báo cáo, vào ngày 5-5-2021, tổ chức Chính phủ Đoàn kết quốc gia (NUG) tuyên bố thành lập PDF, tổ chức vũ trang của họ, với mục đích "bảo vệ tính mạng, tài sản và sinh kế của người dân khỏi bạo lực của quân đội và các lực lượng khác".

Mục tiêu dài hạn của PDF bao gồm lật đổ chế độ quân sự và thành lập Lực lượng Liên minh liên bang, kết hợp với các tổ chức vũ trang sắc tộc của Myanmar. PDF nằm dưới sự chỉ huy trung tâm của NUG và được chia thành 5 bộ chỉ huy khu vực (Bắc, Nam, Đông, Tây, Trung). 

PDF đã tham gia chiến đấu trực tiếp với lực lượng an ninh, phá hoại cơ sở hạ tầng và thực hiện tấn công bằng súng và thiết bị nổ cải tiến (IED) nhằm vào binh lính, cảnh sát và các quan chức chế độ; cũng như ám sát những người ủng hộ chế độ hay bị cáo buộc cộng tác/cung cấp thông tin. 

Họ là nhóm vũ trang gây thiệt hại nhiều nhất cho quân đội. Càng dễ giận hơn nữa khi PDF mới chỉ "khai sinh" được hơn 3 năm.

Nhóm thứ nhì bị chính quyền Myanmar liệt vào dạng khủng bố là KIA. Theo báo cáo, bạo lực ở bang Kachin gia tăng mạnh mẽ sau đảo chính và giao tranh giữa quân đội với KIA lan rộng sang phía bắc bang Shan, Sagaing và Mandalay sau khi xuất hiện những hình ảnh lực lượng an ninh giết chết những người biểu tình không vũ trang ở Myintkyina, thủ phủ bang Kachin hồi tháng 3-2021. 

Viện Hòa bình và An ninh Myanmar (MIPS) đã ghi nhận 312 vụ đụng độ giữa KIA và quân đội chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Báo cáo của Úc cho biết vào tháng 10-2022, quân đội Myanmar đã không kích một buổi hòa nhạc ngoài trời ở bang Kachin, giết chết khoảng 60 người, hầu hết là dân thường. Vụ này đã được báo chí thế giới đăng tin (như The New York Times 25-10-2022). 

Tới tháng 4-2023, máy bay phản lực và trực thăng quân đội lại tấn công một đám đông đang tụ tập ở làng Pazigyi, phía nam Sagaing, khiến cả trăm người chết, trong đó có 30 trẻ em (NYT 11-4-2023). 

Được biết, không quân Myanmar hiện có các loại máy bay sau có khả năng thực hiện những vụ tấn công như vậy: cường kích Nanchang Q-5, tiêm kích Su-30, MiG-29, JF-17, và trực thăng tấn công Mi-35P.■

Sagaing là khu vực hành chính của Myanmar nằm ở phía tây bắc đất nước, giáp các bang Nagaland, Manipur và Arunachal Pradesh của Ấn Độ ở phía bắc, bang Kachin (tiếp giáp Trung Quốc) và bang Shan (tiếp giáp cả Trung Quốc, Lào và Thái Lan). Khu vực này rất quan trọng với Myanmar do có đập Thaphanseik và các tài nguyên vàng và dầu mỏ.

The tờ Irrawaddy: "Đập Thaphanseik nằm trên sông Mu ở thị trấn Kyunhla, có sức chứa hơn 3,6 mega-lít nước khi đầy, và gồm 12 cửa xả... Con đập mới sẽ được sử dụng để kiểm soát dòng nước tưới cho hơn nửa triệu mẫu đất trồng trọt và dự kiến sẽ cho phép trồng trọt gấp đôi ở khu vực Hạ Sagaing".

Không chỉ nguồn nước, Sagaing còn là bang giàu có nhiều thứ khác: "Công ty mỏ Ivanhoe Mines của Canada cho biết các mẫu lấy từ dự án Moditaung ở thị trấn Pyawbwe, phía đông nam Meiktila, đã ghi nhận "lượng vàng chất lượng rất cao"".

Ivanhoe Myanmar Exploration, công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Ivanhoe Mines, có 83% cổ phần trong dự án liên doanh với Bộ Khai khoáng do quân đội Myanmar kiểm soát này. Công ty cũng đang tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế để mở rộng mỏ đồng liên doanh trị giá 400 triệu USD gần Monywa, Thượng Myanmar.

Về dầu mỏ, năm 2019, sản lượng dầu thô khai thác tại Myanmar là khoảng 5,51 triệu thùng, theo Statista, tức hơn phân tổng nửa sản lượng của Việt Nam năm 2022. Còn vàng của Myanmar, theo CEIC, có sản lượng 770kg vào tháng 12-2022. Tất cả những tài nguyên này đều đang bị tranh giành bởi các lực lượng khác nhau ở Myanmar.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận