Châu Phi của những cú đảo chánh

DANH ĐỨC 06/08/2023 15:56 GMT+7

TTCT - Cuộc đảo chánh hôm 26-7 tuần rồi ở Niger là vụ chánh biến thứ 9 trong vòng 3 năm qua tại Tây và Trung Phi. Trước Niger là Burkina Faso, Mali, Chad, Guinea... Điều gì đang xảy ra ở các quốc gia này?

Thứ tư 26-7, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị chính lực lượng phòng vệ phủ tổng thống câu thúc trong dinh tổng thống. Đến thứ sáu 28-7, chỉ huy lực lượng này, chuẩn tướng Tchiani Abdourahamane, lên truyền hình đọc tuyên ngôn giải thích tại sao đảo chánh.

Lực lượng đảo chính và người dân Niger tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey ngày 30-7. Ảnh: Reuters

Lực lượng đảo chính và người dân Niger tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey ngày 30-7. Ảnh: Reuters

Ai cũng có thể đảo chánh

Lý do phải hai ngày sau vụ chính biến, phe đảo chánh mới chính thức ra mắt bằng thông điệp truyền hình là họ phải đợi tình hình ngã ngũ, quân đội chịu thần phục và bổ nhiệm ông Tchiani làm chủ tịch Hội đồng Cứu quốc. Tướng Tchiani được giao trọng trách bảo vệ tổng thống từ thời tổng thống Issoufou Mahamadou vào năm 2011, sau khi ông Bazoum lên nắm quyền thì được "lưu dung".

Chuyện oái oăm "kẻ bảo vệ lật đổ người được bảo vệ" này từng diễn ra cũng tại Niger vào năm 2010, khi thiếu tá Salou Djibo đứng lên đảo chánh. Djibo lúc đó chỉ huy đại đội 5 hỗ trợ và công vụ, với trọng trách bảo vệ thủ đô, các trụ sở chính trị, và quan trọng hơn cả là kho vũ khí của quân đội. 

Thế nên hơn ai hết, ông nắm rõ kế hoạch bảo vệ an ninh cho chính phủ. Vì vậy mà hôm 18-2-2010, đợi cho hội đồng bộ trưởng vừa họp xong, ông Djibo cho quân bắt gọn tổng thống và các quan chức, rồi lên cầm quyền, giữ luôn chức chủ tịch Hội đồng tối cao vãn hồi dân chủ. 

Thiếu tá Djibo sau đó còn tự thăng mình lên đại tướng, nhưng cũng may là ông đã giữ lời hứa tổ chức bầu cử sớm". Năm sau 2011, bầu cử diễn ra, ông Issoufou đắc cử. Ông Djibo, vì vậy, cũng đáng gọi là hảo hán!

Cú đảo chánh ở Mali thì gọn hơn: ngày 24-5-2021, một nhóm quân nhân bắt giữ một hơi cả tổng thống Bah N'Daw, thủ tướng Moctar Ouane và bộ trưởng quốc phòng Souleymane Doucouré. 

Qua hôm sau, Phó tổng thống Assimi Goïta tuyên bố giải tán chính phủ và đứng ra cầm quyền. Thiệt ra, cú đảo chánh chỉ là phần tiếp theo của cuộc đảo chánh trước đó mới 9 tháng 6 ngày (18-8-2020) lật đổ tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta, cầm quyền từ năm 2013 (ông Keïta lên nắm quyền trong cuộc bầu cử hơn một năm sau... cuộc đảo chánh tháng 1-2012). 

Trong cuộc đảo chánh tháng 8-2020, đại tá lực lượng đặc biệt Goïta có tham gia, sau đó lên làm phó tổng thống, rồi làm tổng thống luôn sau một cú đảo chánh nữa!

Còn cú đảo chánh ở Burkina Faso ngày 30-9-2022 là do đại úy pháo binh Ibrahim Traoré cầm đầu, lật đổ tổng thống Paul-Henri Sandaogo Damiba, người mới được Hội đồng Hiến pháp tuyên bố là tổng thống hôm 10-2-2022, chỉ ba tuần sau... cú đảo chánh ngày 23-1-2022! Trước khi lên làm tổng thống, ông Damiba là trung tá chỉ huy vùng 3 Burkina Faso và từng thuộc lực lượng bảo vệ tổng thống Blaise Compaoré.

Các nhân vật đứng đầu đảo chánh ở Niger, Mali và Burkina Faso đều xuất thân từ các lực lượng tinh nhuệ như cảnh vệ tổng thống, lực lượng đặc biệt hoặc không quân, đều từng kinh qua nhiều chiến trường ở châu Phi như Congo hay chống Jihad Hồi giáo, song chưa phải là những tướng lĩnh cao cấp đã mãn nguyện với sự nghiệp, nên vẫn đang chờ cơ hội để... đảo chánh.

Vì bất mãn trước tình hình

Ở Niger, trong tuyên cáo đầu tiên về cuộc đảo chánh hôm 28-7, chuẩn tướng Tchiani trách cứ tổng thống bị lật đổ Bazoum đã không nhất quán trong chính sách chống khủng bố vũ trang, khi thì tấn công, khi thì phóng thích, hậu quả là tình hình an ninh xấu đi hẳn kể từ năm 2015, tức từ khi các nhóm khủng bố vũ trang ra mặt tấn công nhiều vùng của đất nước. 

Ông Tchiani tỏ thái độ bất mãn: "Có một thực tế khắc nghiệt về tình trạng mất an ninh ở Niger, mà quân đội và an ninh chúng tôi đã trải qua, với nhiều người chết, phải sơ tán trong nhục nhã và thất vọng". 

Thực tế nhục nhã đó là, theo ông, là "các cuộc tấn công giết người và tàn bạo vào các thị trấn Bosso, Inatès, Chinagoder, Anzourou, Bakorat và nhiều nơi khác". Nên đừng trách tại sao nay ông đảo chánh: "Cách tiếp cận an ninh hiện tại không thể đảm bảo an ninh cho đất nước".

Cũng như chuẩn tướng Tchiani ở Niger, đại úy Ibrahim Traoré ở Burkina Faso bất mãn trước tình hình an ninh ngày càng xấu đi, cụ thể là sau những vụ tấn công khủng bố chết người, đặc biệt là vụ tấn công Gaskindé ở miền bắc đất nước, nơi một đoàn xe tiếp tế rơi vào ổ phục kích của bọn khủng bố, khiến 11 binh sĩ thiệt mạng và một số dân thường mất tích. 

Mặt khác, đại úy Traoré bất mãn việc "sếp lớn" Damiba không tôn trọng những cam kết đã đưa ra trong cuộc đảo chánh đầu tiên, nên ông và các sĩ quan cùng cấp quyết định truất phế ông Damiba.

Ở Mali, cuộc đảo chánh tháng 8-2020 diễn ra trong bối cảnh đất nước sa lầy trong cuộc chiến tranh đầy bạo lực khủng bố giữa các chủng tộc, trong khi quần chúng thì thịnh nộ, thể hiện qua làn sóng biểu tình phản kháng từ tháng 6-2020. Tổng thống lâm thời Assimi Goïta xuất thân từ những cuộc biểu tình đó.

Ngay sau những cuộc đảo chánh ở Mali và Burkina Faso, Pháp đã lên án phe đảo chánh. Các chính quyền mới ở Tây Phi lập tức đáp trả. Đầu năm 2022, phe đảo chánh ở Mali yêu cầu cả đại sứ lẫn lực lượng đồn trú Pháp rời nước này. 

Trước đó 9 năm, vào năm 2013, theo yêu cầu của chính phủ Mali lúc đó, Pháp đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm ngăn chặn bước tiến của một nhóm thánh chiến Jihad và phiến quân Tuareg đang tiến về thủ đô Bamako. 

Chiến dịch Barkhane này trở thành hoạt động quân sự ở nước ngoài kéo dài nhất của Pháp kể từ chiến tranh Algérie, huy động tới 5.500 binh sĩ, triển khai ở ba nước Mali, Niger và Chad với sự hợp tác của 5 quốc gia trong nhóm G5 Sahel (Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger và Chad), vùng ảnh hưởng lâu đời của Pháp với quá khứ thuộc địa.

Đến 23-1-2023, tới phiên chính quyền mới của Burkina Faso yêu cầu Pháp rút lực lượng 400 quân khỏi đây trong vòng một tháng. Theo Euronews 23-1, từ khi nắm quyền hồi tháng 9-2022, đại úy Ibrahim Traoré đã bày tỏ mong muốn đa dạng hóa các quan hệ đối tác, đặc biệt là trong cuộc chiến chống phe thánh chiến Jihad.

Phản ứng của Pháp

Tất nhiên, Pháp, vốn đã cai trị ở Niger cho tới năm 1960, phản ứng ngay. Hôm thứ tư 26-7, khi cuộc đảo chánh mới bắt đầu, Bộ Ngoại giao Pháp đã ra tuyên bố "lên án mạnh mẽ mọi cố gắng giành chính quyền bằng vũ lực", đồng thời "liên kết với các lời kêu gọi của Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhằm khôi phục tính toàn vẹn của các thể chế dân chủ Niger". 

Hai ngày sau 28-7, Pháp ra tiếp tuyên bố nêu rõ "Tổng thống Mohamed Bazoum, được người dân Niger bầu lên một cách dân chủ, là tổng thống duy nhất của Cộng hòa Niger" và "Pháp không công nhận chính quyền xuất thân từ cuộc đảo chính do tướng Tchiani cầm đầu". Một ngày sau nữa 29-7, Pháp lại ra tuyên bố nói họ đã "ngưng mọi trợ giúp phát triển và hỗ trợ ngân sách cho Niger, có hiệu lực ngay tức khắc".

Qua 31-7, "lãnh đạo phe đảo chánh ở Burkina Faso và Mali đã cảnh cáo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger để khôi phục tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum sẽ được coi là "lời tuyên chiến" chống lại hai quốc gia này" (France 24 1-8).

Trước đó, hôm chủ nhật, hàng ngàn người đã tuần hành trước Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey của Niger ủng hộ phe đảo chánh. Cờ Pháp bị đốt, cờ Nga và khẩu hiệu ủng hộ Nga bằng tiếng Pháp được giương lên. 

Tòa đại sứ Pháp bị một số người tấn công, đốt phá. Cảnh sát Niger sử dụng lựu đạn cay để giải tán. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố "sẽ không dung thứ bất cứ cuộc tấn công nào chống lại nước Pháp và các lợi ích của Pháp tại Niger", và "sẽ trả đũa ngay tức khắc và không nương tay" (Le Monde 30-7). ■

Cũng vụ việc này, Sputnik của Nga hôm 31-7, trích nguồn truyền thông Niger cho biết hàng ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Pháp và ECOWAS tại thủ đô Niamey của Niger hôm chủ nhật:

"Trước đó, nhà chức trách mới ở Niger đã yêu cầu người dân phản đối nước Pháp, vốn đã cai trị Niger trong chế độ thực dân trong hơn 60 năm, và ECOWAS, do khả năng can thiệp vào nội bộ nước này".

Còn trên Tass 28-7, bên lề Thượng đỉnh Nga - châu Phi, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố: "Nga không liên quan đến các diễn biến vi hiến ở Niger". Khi được hỏi về tin có cờ Nga xuất hiện trong các cuộc biểu tình ủng hộ đảo chánh ở Niger, ông Bogdanov nhẹ nhàng giải thích:

"Không, chuyện này không liên quan gì đến Nga. Chúng tôi không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác... [Ở các nước châu Phi], nhiều người bất mãn trong quân đội, dân thường và xã hội nói chung... và thể hiện vượt ra ngoài môi trường hiến pháp, nhằm thay đổi quyền lực".

Sang thứ hai 31-7, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna phát biểu trên Đài BFMTV cho rằng "việc Nga tìm cách trục lợi tình hình ở Niger là có thể". Trong một diễn biến khác, chiều 29-7 tại St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần lượt gặp cả hai tổng thống tạm quyền Ibrahim Traoré (Burkina Faso) và Assimi Goïta (Mali).

Còn hôm 27-7, tức ngay sau cuộc đảo chánh ở Niger, ông Putin cũng đã gặp Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Azali Assoumani (Tổng thống Comoros), người đứng đầu tổ chức mà Chính phủ Pháp kêu gọi lên án cuộc đảo chánh ở Niger.

Vào thời điểm đó, St. Petersburg đang là nơi tổ chức Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai. Ông Putin đã phát biểu bế mạc: "Quý đồng sự, nếu không ai phản đối, thì những tài liệu quan trọng nhất này đã được thông qua. (Vỗ tay) Xin cảm ơn". Chẳng ai lên án ai đảo chánh gì hết!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận