Bất ngờ với chủ nhà SEA Games 32

HUY ĐĂNG 08/05/2023 09:24 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên tổ chức SEA Games, quốc gia thì nghèo với GDP đầu người chưa tới 2.000 USD/năm, nhưng Campuchia đã gây được nhiều thiện cảm và ấn tượng tốt.

Bất ngờ với chủ nhà SEA Games 32 - Ảnh 1.

Giải Angkor Wat Marathon là minh chứng cho thấy Campuchia có thể tổ chức sự kiện thể thao lớn. Ảnh: REUTERS

Chính thức khai mạc vào ngày 5-5, nhưng từ cuối tháng 4, các đoàn thể thao và người hâm mộ từ khắp Đông Nam Á đã có thời gian để trải nghiệm SEA Games 32 qua những buổi tập và những môn thi đấu đầu tiên.

Chịu chơi…

Từng có nhiều e ngại về khả năng tổ chức SEA Games của Campuchia. Khoảng một tháng trước khi SEA Games bắt đầu, Thái Lan và một số đoàn thể thao lớn khác tỏ ra khá ngao ngán trước công tác chuẩn bị của nước chủ nhà, dẫn đến những phản ánh gay gắt trong các cuộc họp. Sau đó, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố miễn phí ăn ở cho các đoàn thể thao như một cách bù đắp cho các sơ suất của họ.

Miễn phí không đồng nghĩa với chu toàn mọi thứ. Chưa có gì đảm bảo rằng trong suốt nửa tháng diễn ra SEA Games, các đoàn thể thao sẽ không gặp trục trặc. Như việc phát vé xem bóng đá miễn phí mà không có kế hoạch chuẩn bị từ trước cũng đẩy các CĐV vào tình trạng hỗn loạn.

Nhưng không thể phủ nhận lòng tốt của chủ nhà Campuchia đã khiến họ tiêu tốn 10 - 20 triệu USD - khoản tiền mà họ có thể nhận về từ bản quyền truyền hình, chi phí phục vụ ăn ở các đoàn thể thao, cho đến bán vé. 

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh của Campuchia cho biết toàn bộ chi phí cho công tác tổ chức (không bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng) của SEA Games 32 lên đến 118 triệu USD, trong khi Campuchia không thu lại khoản tiền trực tiếp nào.

Hạ tầng sân bãi là điểm cộng quan trọng của SEA Games 32. Ở hai lượt trận đầu tiên của vòng bảng môn bóng đá nam, hầu như không ai phàn nàn chuyện sân bãi và điều kiện tập luyện. 

Ông Philippe Aw, HLV U22 Singapore, chia sẻ đội bóng của ông gặp chút khó khăn khi thích nghi với mặt cỏ mềm của sân Visakha - nơi diễn ra các trận đấu ở bảng B. 

"Nhưng đây là chuyện tất yếu khi đến các quốc gia khác thi đấu. Vấn đề thời tiết nắng nóng cũng tạo ra khó khăn, nhưng chuyện này khó tránh. Còn lại, mọi người đều có được sự chuẩn bị tốt nhất", HLV Aw nói.

Khoảng một nửa các môn thể thao quan trọng của SEA Games 32 được tổ chức tại khu phức hợp thể thao Morodok Techo - "viên ngọc quý" của làng thể thao Campuchia lúc này. 

Với kinh phí lên đến 160 triệu USD, Morodok Techo nằm trong danh sách những công trình thể thao đắt giá của khu vực. 

Để so sánh, Gelora Bung Karno của Indonesia được xây vào cuối thập niên 1950 với mức đầu tư 12,5 triệu USD, sau đó tu bổ với chi phí khoảng 100 triệu USD để chuẩn bị cho Asiad 2018. KL Sports City của Malaysia cũng chỉ tốn 112 triệu USD trong đợt xây dựng đầu tiên. Đến SEA Games 2019, Philippines xây hàng loạt công trình thể thao tiêu tốn 144 triệu USD.

Channel News Asia cho biết Trung Quốc tài trợ toàn bộ chi phí xây Morodok Techo, nhưng thông tin này không chính thức. Tính mọi chi phí, Campuchia bỏ ra khoảng 270 triệu USD để tổ chức SEA Games, tương đương 1% GDP nước này năm 2021. Để so sánh, tuy Nhật Bản bỏ ra 13 tỉ USD đăng cai Olympic Tokyo, nhưng số tiền đó chỉ bằng 0,26% GDP của họ.

Một kỳ SEA Games được tính toán kỹ lưỡng

500.000 du khách nước ngoài là cột mốc mà CAMSOC (Ban tổ chức SEA Games 32) dự kiến cho khoảng một tháng tổ chức SEA Games. Nếu thành hiện thực, SEA Games sẽ trở thành cột mốc giúp hồi sinh du lịch Campuchia, thậm chí đẩy họ lên một tầm cao hơn.

Chounvady, hướng dẫn viên du lịch ở Siem Reap, cho biết cuộc sống của anh hoàn toàn đảo lộn vì đại dịch. Hơn 10 năm trước, thu nhập hằng tháng của Chounvady lên đến 3.000 USD. Đó là khoảng thời gian Campuchia tập trung phát triển du lịch, và cố đô của đế quốc Khmer là trọng tâm.

Năm 1998, lượng du khách nước ngoài tới Campuchia chỉ vào khoảng 280.000 người. Sau 10 năm, con số này tăng lên thành 2,1 triệu (2008), và sau 10 năm nữa là 6 triệu (2018). Đà tăng trưởng không ngừng của Campuchia khiến họ được dự đoán sẽ vượt mặt một số nước lớn trong khu vực về du lịch.

Siem Reap luôn chiếm khoảng 1/3 trong tổng số du khách nước ngoài của Campuchia. Thành phố nhiều danh lam thắng cảnh và cũng đi trước về tư duy giữ chân du khách. Năm 1996, chính quyền Siem Reap tổ chức giải chạy bộ quốc tế Angkor Wat Half Marathon, thu hút khoảng 600 người tham dự từ 14 quốc gia ngay trong lần đầu tiên. 

Đến 2019, hệ thống hai giải marathon và bán marathon ở Angkor Wat thu hút khoảng 15.000 người tham dự, phần đông là người nước ngoài.

Đại dịch giáng một đòn đau vào ngành du lịch của mọi quốc gia, nhưng Campuchia đang rất quyết tâm vực dậy ngành kinh tế trọng điểm này. Ông Hoàng Xuân Khoa, hội trưởng Hội Người Việt tại Siem Reap, cho biết trong 3 năm qua thành phố không ngừng xây mới đường sá, trồng thêm cây xanh, sẵn sàng để đón du khách trở lại. 

SEA Games 32 là cơ hội cho tất cả. Chounvady cũng tin cuộc sống của những người dựa vào du lịch như anh sẽ thay đổi từ SEA Games.

Có thể nói ý tưởng dùng SEA Games để thúc đẩy du lịch ít nhiều dựa trên Angkor Wat Marathon - giải đấu song hành với sự hồi sinh của thành phố Siem Reap. 

Năm 2022, lượng du khách của Campuchia đã phục hồi, ở mức 2,2 triệu, dù vẫn chỉ bằng khoảng 1/3 mức đỉnh trước dịch. Nếu SEA Games thành công và thu hút được nửa triệu du khách như dự kiến, du lịch Campuchia hứa hẹn sẽ phục hồi 100% vào năm 2026.

Từ những gì mà Campuchia đang thể hiện trong công tác tổ chức ở SEA Games, kế hoạch của họ hoàn toàn khả thi. Bỏ qua một số trục trặc nhỏ mà những nền thể thao còn kém kinh nghiệm như Campuchia thường mắc phải, SEA Games 32 đang tạo được cảm tình cho du khách. 

Cho tới giờ đã không có những lời phàn nàn về sân bãi, những nhà thi đấu xập xệ xuống cấp, hay những sự cố "chặt chém" du khách. Cũng cần nhắc rằng Campuchia sẽ đăng cai cả ASEAN Para Games, sự kiện mà Việt Nam đã bỏ qua vào năm ngoái.■

"Huy chương có được từ gian lận chỉ mang lại nỗi xấu hổ"

Tiếp nối những chỉ thị đanh thép gây sốt trước thềm SEA Games 32, mới đây nhất Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp tục có bài phát biểu về vấn nạn chủ nhà "vơ vét" huy chương. "Một huy chương có được từ gian lận sẽ chỉ mang lại nỗi xấu hổ và ô nhục, đó không phải là chiến thắng", ông Hun Sen nói trước các cán bộ đoàn thể thao Campuchia. "Các bạn đã có được sự chuẩn bị tốt nhất và hãy nỗ lực tối đa để giành HCV, nhưng tất cả đều phải chính đáng. Các bạn đang phải mang một trách nhiệm nặng nề hơn khi là chủ nhà. Thể thao là để xây dựng tình bạn và quan hệ ngoại giao", ông Hun Sen nói thêm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận