Dân số, vị thế xã hội, những siêu sao hàng đầu hay các học viện danh giá liệu có tạo ra nhiều sự khác biệt trong những lần đầu tham dự World CuP? Câu trả lời là Chưa biết được.

Bởi nếu có câu trả lời xác định, người hâm mộ có lẽ nên bỏ qua những trận đấu của Iceland hay Panama - những đội bóng lần đầu đặt chân đến giải đấu số một hành tinh, với hành trang gần như trống rỗng.

World Cup luôn có chỗ cho những cuộc phiêu lưu - Ảnh 1.

World Cup 1998 trên đất Pháp, cái tên Croatia lần đầu tiên được giới thiệu trên bản đồ bóng đá thế giới. Tách ra khỏi Nam Tư cũ từ năm 1991, việc nền bóng đá Croatia có thể giành vé đến World Cup chỉ 7 năm sau ngày độc lập đã được xem là một sự phát triển thần tốc. Và rồi một câu chuyện thần tiên dành cho những người hâm mộ đội bóng áo ca-rô được viết nên trên đất Pháp.

Không nhiều người ngạc nhiên khi Croatia đứng vị trí thứ nhì bảng H, nơi họ được đánh giá cao hơn Jamaica và Nhật Bản, chỉ thua mỗi Argentina.

Nhưng khi Croatia vượt qua Romania - khi ấy vẫn còn là một quyền lực của bóng đá châu Âu, họ chính thức được xem như ngựa ô của giải. Và rồi cú sốc chấn động nhất World Cup 1998 xảy ra, Croatia đè bẹp Đức 3-0 ở tứ kết, trước khi thua Pháp ở bán kết và kết thúc hành trình phiêu lưu kỳ diệu bằng trận thắng Hà Lan 2-1 trong trận tranh hạng 3.

Năm đó, Croatia thật ra đã được đánh giá khá cao khi vẫn còn sở hữu một số ngôi sao từng khoác áo Nam Tư cũ như Davor Suker, Aljosa Asanovic, Drazen Ladic…

Lịch sử các kỳ World Cup còn ghi nhận nhiều câu chuyện kỳ diệu hơn nữa của các đội bóng nhỏ trong lần đầu được góp mặt, như Triều Tiên ở World Cup 1966, Đan Mạch 1986, Nigeria 1994, Senegal 2002, Ghana và Ukraine 2006 hay Slovakia 2010… Đó đều là những đội bóng vượt qua được giai đoạn vòng bảng ngay trong lần đầu dự World Cup.

Triều Tiên cũng là một hiện tượng khác trong lịch sử bóng đá với kỳ tích loại Ý và Chile từ giai đoạn vòng bảng ở World Cup 1966.

Ở vòng 16 đội, họ suýt chút nữa đã đánh bại Bồ Đào Nha - đội á quân giải năm đó trong một cuộc đấu điên rồ. Triều Tiên dẫn trước 3-0, nhưng rồi điểm yếu thể lực và kinh nghiệm khiến họ cuối cùng phải nhận thất bại 3-5.

World Cup luôn có chỗ cho những cuộc phiêu lưu - Ảnh 2.

Nếu dò hỏi một CĐV trung lập về việc chờ đợi đội bóng nào trong nhóm hạt giống thấp sẽ tạo nên bất ngờ ở World Cup 2018? Nhiều khả năng chúng ta sẽ nhận được câu trả lời mang tên Iceland.

Băng đảo tham dự World Cup 2018 với một hành trang khá tương tự Croatia của năm 1998. Trước khi làm nên cơn địa chấn ở World Cup 1998, Croatia đã ghi dấu ấn 2 năm trước đó khi lọt vào tứ kết Euro 1996. Iceland giờ đây tương tự, cũng lần đầu tiên dự World Cup ngay sau khi gây sốc ở Euro.

Người hâm mộ có lẽ vẫn chưa thể quên hành trình kỳ diệu của HLV Heimir Hallgrimsson trên đất Pháp mùa hè 2016. Đất nước nhỏ nhất, ít dân nhất, hoàn toàn không có một thành tích bóng đá nào trong quá khứ đã làm nên câu chuyện thần kỳ khi vào đến tận tứ kết.

World Cup luôn có chỗ cho những cuộc phiêu lưu - Ảnh 3.

Câu chuyện cổ tích của Iceland tại Euro 2016 - Ảnh: REUTERS

Và sau 2 năm, vẫn là những con người đó, với HLV trưởng Hallgrimsson, đội trưởng Aaron Gunnarsson, tiền vệ ngôi sao Gylfi Sigrudsson…

Thay đổi lớn nhất của Iceland sau 2 năm là sự ra đi của HLV người Thụy Điển Lars Lagerback -người dẫn dắt Iceland suốt giai đoạn 2011-2016 chung với Hallgrimsson. Với kinh nghiệm của một chiến lược gia từng dẫn dắt Thụy Điển, Nigeria, ông Lagerback chính là "bộ não chiến thuật" của Iceland ở Euro 2016, trong khi công việc của HLV Hallgrimsson gần giống như một người quản lý đội hơn.

Nhưng Iceland vẫn tiếp tục đà phát triển sau Euro 2016. 5 năm làm việc với ông Lagerback, HLV Hallgrimsson chứng tỏ ông đã tiếp thu hoàn hảo tư duy chiến thuật của chiến lược gia hơn mình 19 tuổi, và nâng nó lên 1 tầm cao mới.

Ở vòng loại World Cup 2016, họ xếp trên Croatia, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, chứng tỏ kỳ tích 2 năm trước trên đất Pháp hoàn toàn không phải ăn may.

Nếu Croatia nổi bật về chất kỹ thuật truyền thống của bóng đá Đông Âu, thì Iceland là một tổ hợp giữa tư duy chiến thuật và tinh thần chiến đấu cực cao.

Để nối bước Croatia, Băng đảo cần phải vượt qua chính… Croatia, cùng với Argentina và Nigeria ở bảng D. Đây được đánh giá là bảng đấu khốc liệt nhất ở World Cup 2018. Nhưng đừng quên ở Euro 2016, Iceland đã vượt qua bảng đấu có Bồ Đào Nha và Áo.

World Cup luôn có chỗ cho những cuộc phiêu lưu - Ảnh 5.

Muốn đưa ra một cái nhìn lạc quan nào đó về Panama ở World Cup 2018 thực sự không dễ dàng. Nếu Iceland là quốc gia nhỏ bé nhất tham dự World Cup 2018 thì Panama mới chính là nền bóng đá thấp kém nhất trong tổng số 32 cái tên.

‘Những gì mà chúng ta có thể tìm thấy về cái tên Panama trong tư liệu của làng bóng đá thế giới chỉ là chức vô địch năm 2009 ở Giải Copa Centroamericana - một giải đấu mà có lẽ hầu hết người hâm mộ VN chưa từng nghe tên. Đội tuyển 14 năm trước còn xếp hạng dưới cả VN đã giành vé đến World Cup 2018 đầy may mắn nhờ cú vấp ngã khó tin của Mỹ.

Tuyển Panama bị đánh giá thấp đến mức, trên lý thuyết họ kém rất xa so với… Saudi Arabia. Đội ngũ do HLV Dario Gomez triệu tập lần gần nhất chỉ được transfermarkt định giá vỏn vẹn hơn 1 triệu euro, trong khi đội xếp áp chót của World Cup 2018 là Saudi Arabia cũng được định giá hơn 21 triệu euro. Toàn bộ các cầu thủ Panama đều thi đấu ở giải trong nước, và phần đông trong số họ không có thông tin trên Wikipedia.

Thêm vào đó, Panama còn phải nằm chung bảng với Anh và Bỉ - và phải chạm trán cả 2 trong 2 vòng đầu tiên. Mùa hè nước Nga có thể chỉ là một buổi dạo chơi của thầy trò HLV Dario Gomez.

Nhưng cũng chính vì vậy, Panama đến Nga với một tâm thế hoàn toàn thư thả. Có lẽ Panama không thể mơ tiến xa, nhưng Anh và BỈ hãy sẵn sàng cho những cuộc đấu đầy khó chịu của lối đá phòng ngự mang thương hiệu Bắc Trung Mỹ.

World Cup luôn có chỗ cho những cuộc phiêu lưu - Ảnh 6.

Roman Torres - ngôi sao được kỳ vọng của Panama - Ảnh: AFP


HUY ĐĂNG
THÙY TRANG
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên