Quan hệ Trung - Mỹ: Khó ở trung ương thì chuyển xuống địa phương

THANH TUẤN 24/09/2023 17:12 GMT+7

TTCT - Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trên nhiều mặt trận từ công nghệ, thương mại đến chính trị, ngoại giao, các địa phương hai nước vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác về thương mại, biến đổi khí hậu và công nghệ.

Quan hệ Trung - Mỹ đan cài nhiều yếu tố phức tạp, với lợi ích cũng rất lớn, chứ không chỉ có đối đầu. Ảnh: Politico

Quan hệ Trung - Mỹ đan cài nhiều yếu tố phức tạp, với lợi ích cũng rất lớn, chứ không chỉ có đối đầu. Ảnh: Politico

Theo South China Morning Post, Bắc Kinh đang chủ động đẩy mạnh tương tác với các chính quyền địa phương ở Mỹ để tận dụng các chính sách thân thiện và tính tự chủ đặc thù trong nền chính trị Mỹ, bất chấp căng thẳng ở cấp quốc gia vẫn tiếp tục nóng.

Chuyển từ D.C. sang Sacramento

Chiến thuật này thể hiện rõ tại Hội chợ quốc tế về đầu tư và thương mại đầu tháng 9 vừa rồi ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, khi các đại diện thương mại từ California, Illinois và New York được chào đón nhiệt liệt. Các vị này cũng được nghe một loạt đề án về năng lượng mới, kinh tế xanh và công nghệ y sinh của Trung Quốc.

Cách tiếp cận này có vẻ hiệu quả. Mary Ma, người đại diện của tiểu bang Illinois ở Trung Quốc, trích lời Thống đốc J. B. Pritzker nói Illinois đang cố gắng trở thành "bang thân thiện nhất ở Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc". 

Thống đốc Pritzker mới đây công bố thỏa thuận với công ty phát triển pin Gotion về xây dựng dự án 2 tỉ USD ở Illinois - dự án đầu nước ngoài lớn nhất trong nhiều thập niên qua ở tiểu bang này, bất chấp giám sát ngày càng chặt của chính quyền liên bang Mỹ với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

"Đây là câu hỏi 165 tỉ USD - Eleni Kounalakis, phó thống đốc tiểu bang California, nói về kim ngạch thương mại giữa bang này với Trung Quốc năm 2022 - Nếu muốn đánh giá tình hình thương mại Mỹ - Trung, hãy tới cảng Long Beach thì sẽ biết. Tôi tin tưởng vào mối quan hệ kinh tế lâu bền (giữa hai bên)".

Cảng California này là cửa ngõ quan trọng với lượng lớn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Quy mô nền kinh tế của California hiện là 3.700 tỉ USD - nền kinh tế lớn thứ năm thế giới nếu đứng độc lập. 

Công nghệ và nhân lực từ California là những tài nguyên đặc biệt được Bắc Kinh nhắm tới. Bà Kounalakis nói California là kho tàng lớn cho Trung Quốc khi kết hợp được cả Silicon Valley, các đại học đẳng cấp quốc tế và những tập đoàn lớn.

Bang hiện có 20 thỏa thuận với các tỉnh Trung Quốc trong một loạt lĩnh vực từ xe điện, giảm ô nhiễm môi trường tới giải pháp về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận gần đây nhất được ký giữa California với tỉnh Hải Nam hồi tháng 8 ở Sacramento và Thống đốc Gavin Newsom đã ca ngợi tiềm năng hợp tác về trung hòa carbon và xe điện.

Các phòng thí nghiệm chung cũng sẽ được lập ở Đại học California, Berkeley và Davis để trao đổi kinh nghiệm hay, công nghệ mới và mô hình kinh doanh nhằm giảm phát thải carbon trong vận tải, năng lượng và công nghiệp. 

Ý tưởng hiện là vẫn giữ quan hệ giữa các địa phương nồng ấm, bất chấp băng giá trong quan hệ giữa hai thủ đô. California cũng có thỏa thuận về thành phố thông minh và năng lượng sạch với Giang Tô và Bắc Kinh.

Duy trì ảnh hưởng ở các bang quan trọng

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một loạt biện pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, và tuyên bố tình trạng khẩn cấp về công nghệ trong quan hệ với Trung Quốc. 

Nhưng trợ lý bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Chunjiang (Trần Xuân Giang) lại nói với giới quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ trong sự kiện ở Hạ Môn rằng những trao đổi lâu dài giữa các tỉnh Trung Quốc với các tiểu bang Mỹ có thể giúp lãnh đạo địa phương ở Mỹ "ghi điểm chính trị".

David Zweig, giáo sư danh dự của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói Trung Quốc vẫn hy vọng đối tác ở các tiểu bang Mỹ sẽ giúp giới doanh nghiệp nước này tiếp cận các công nghệ hiện đại. 

Nhưng ông cũng cảnh báo hy vọng này có thể "không thực tế": "Khi xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc được đẩy lên thành vấn đề an ninh quốc gia, các tiểu bang có ít kẽ hở để lách dù có muốn thúc đẩy hơn giao thương".

Các tiểu bang ở Mỹ cũng cạnh tranh nhau về tạo môi trường và thu hút đầu tư từ Trung Quốc. New York đã có những cơ chế hợp tác với Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang từ năm 2016 và hiện đang cạnh tranh với California trong thu hút đầu tư từ đại lục. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất ngoài Bắc Mỹ của New York, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của bang này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho biết tính tới năm 2021, có 50 thỏa thuận hữu nghị giữa các tỉnh Trung Quốc với các bang Mỹ và khoảng 233 thỏa thuận thành phố kết nghĩa giữa hai bên.

Khác biệt trung ương và địa phương

Hai học giả Cheng Li (Lý Thành) và Xiuye Zhao (Triệu Tu Nghiệp) viết trên Viện Brookings từ năm 2021 rằng các thống đốc và thị trưởng địa phương ở Mỹ vẫn có ảnh hưởng và lợi ích trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Theo hai học giả, tranh luận về chính sách của Mỹ với Trung Quốc tập trung quá nhiều vào cạnh tranh và các vấn đề căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh mà ít để ý góc nhìn từ các địa phương, vốn theo sát hơn ảnh hưởng lợi ích của thương mại. 

"Trong khi quan điểm chung nói lưỡng đảng ở Mỹ ủng hộ chính sách cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, giới lãnh đạo địa phương vẫn cố gắng cứu các quan hệ kinh tế, giáo dục và văn hóa mà họ đã dành nhiều thập niên xây dựng", hai học giả này viết.

Quyết định "phân tách" do chính quyền liên bang thúc đẩy đã tác động đến nhiều địa phương ở Mỹ. Ví dụ ở tiểu bang Washington, nơi 1/3 số việc làm liên quan tới thương mại - từ cherry tới máy bay Boeing, xuất khẩu đã giảm 65% trong năm 2020. Đại học Michigan cũng giảm 16% số sinh viên Trung Quốc nhập học giai đoạn 2018-2020. Các ví dụ khác là ngành trồng đậu nành ở South Dakota hay nhân sâm ở Wisconsin.

Ngay giữa đối đầu về chính trị liên quan đến đại dịch, Thống đốc bang Tennessee Bill Lee vẫn xuất hiện trên video trong một hội nghị đầu tư ở Bắc Kinh hồi tháng 9-2020 để kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc tới bang của ông. Khi được Ngoại trưởng Mike Pompeo nhắc về việc doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan tới chính quyền, ông Lee đáp: "Chúng tôi thu hút doanh nghiệp, không thu hút chính quyền".

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở các tiểu bang Mỹ cũng lớn về du lịch, khi có khoảng 3 triệu du khách Trung Quốc tới Mỹ năm 2019. 1/3 số đó có ghé Los Angeles, trong khi năm 2022 con số này giảm chỉ còn 110.000 người. 

"Sẽ không thể có hồi phục kinh tế hoàn toàn ở Los Angeles nếu không có du khách trở lại từ Trung Quốc" - ông Adam Burke, chủ tịch và CEO Hội đồng Du lịch và hội nghị Los Angeles, nói với Nikkei Asia. Hội đồng này ước tính chỉ khoảng 410.000 du khách Trung Quốc tới thành phố trong năm nay.

Theo số liệu gần nhất của Morning Consult, chỉ khoảng 19% người Trung Quốc có kế hoạch du lịch Bắc Mỹ trong 12 tháng tới, thấp hơn nhiều so với 37% năm 2022. Thiếu chuyến bay, khó khăn visa và căng thẳng chính trị là rào cản chính trong thu hút du khách Trung Quốc, điều dự báo sẽ ảnh hưởng không tốt lên ngành có doanh thu 30 tỉ USD mỗi năm này ở Mỹ. Văn phòng Du lịch quốc gia Mỹ ước tính nước này sẽ đón khoảng 849.000 du khách Trung Quốc trong năm nay, chỉ bằng 30% năm 2019. ■

Số chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc hiện chỉ là hơn 10 chuyến mỗi tuần từ mỗi nước so với hơn 150 chuyến trước dịch. "Chúng tôi vẫn chưa biết khi nào mới quay lại được con số của 2019" - Hubertus Funke, người phụ trách du lịch của Hiệp hội Du lịch San Francisco, nói.

Năm 2019, khoảng nửa triệu du khách Trung Quốc tới San Francisco và chi tiêu hơn 1 tỉ USD. Năm nay, con số này dự tính là khoảng 100.000. Năm 2014, Mỹ bắt đầu cấp visa 10 năm cho công dân Trung Quốc. Hiện có khoảng 9 triệu người Trung Quốc còn visa 10 năm, nhưng nhóm visa đầu tiên hết hạn sẽ là vào năm tới, gây áp lực thêm cho hệ thống xin visa đang quá tải của Mỹ.

"Hiện có nhiều điều đang cản trở người Trung Quốc tới (Mỹ)" - Edward Siu, quản lý một doanh nghiệp lữ hành ở Chinatown của San Francisco, nói. Siu cho biết hiện ông chủ yếu có khách Trung Quốc hoặc người Mỹ gốc Hoa muốn đi Trung Quốc sau thời gian dài Trung Quốc đóng cửa vì zero Covid. "Nhưng du khách từ Trung Quốc thì vẫn chưa thấy đâu", ông nói.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận