Khi Nhật Bản 'cởi trói' cho quốc phòng

NHẬT ĐĂNG 26/09/2023 17:38 GMT+7

TTCT - Sau hơn nửa thế kỷ áp dụng một chính sách quốc phòng nhiều hạn chế, Nhật Bản đang có những bước đi ngày càng mạnh mẽ trong việc trở thành cường quốc quân sự.

Mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ đồng nghĩa Nhật Bản phải tăng cường năng lực quốc phòng tự thân. Ảnh: defense.gov

Mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ đồng nghĩa Nhật Bản phải tăng cường năng lực quốc phòng tự thân. Ảnh: defense.gov

Ngày 31-8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã trình một ngân sách kỷ lục lên tới 52,9 tỉ USD cho năm tài khóa 2024, lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Ngân sách này hiện đang được xem xét ở Bộ Tài chính và quyết định dự kiến được đưa ra vào tháng 12 tới. Khoản tiền nói trên sẽ được chi cho một loạt hạng mục của các lực lượng không quân, tên lửa, và hải quân.

Do đặc thù là một quốc gia quần đảo, có thể nhìn vào dự chi cho lĩnh vực hải quân để thấy được thái độ và đường hướng đang thay đổi mạnh mẽ của nền quốc phòng Nhật Bản. Nói ví dụ, 2,6 tỉ USD dự kiến sẽ được chi ra để đóng hai tàu chiến có trang bị hệ thống lá chắn Aegis. 

Các tàu này sẽ dài 190m, rộng 25m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 12.000 tấn, tức là sự nâng cấp đáng kể so với hai tàu lớp Maya trang bị Aegis của Nhật Bản hiện giờ, vốn dài 170m, rộng 21m và lượng giãn nước tiêu chuẩn 8.200 tấn. 

1,2 tỉ USD nữa được dành ra để đóng hai khinh hạm lớp Mogami mới, rồi 290 triệu USD để nâng cấp các tàu sân bay trực thăng lớp Izumo và gần nửa tỉ USD để cùng Mỹ phát triển hệ thống lá chắn tên lửa siêu thanh Glide Phase Interceptor (GPI)...

Tất cả những động thái này là để cụ thể hóa ba tài liệu an ninh mới, cơ bản, mà Nhật Bản đã công bố cùng lúc hồi tháng 12-2022: Chiến lược an ninh quốc gia (NSS), Chiến lược quốc phòng (NDS) và Chương trình xây dựng quốc phòng (DBP). 

Tất cả là những cột mốc đánh dấu tham vọng "lịch sử" của Nhật Bản và chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio trong thực thi chính sách an ninh cởi mở hơn, đáp ứng nhu cầu của Tokyo với bức tranh chính trị thế giới hiện nay.

Nhật thay đổi khi an ninh thay đổi

Theo DBP, Nhật Bản sẽ dành tổng cộng 42 ngàn tỉ yen (321 tỉ USD) chi tiêu quốc phòng, chia cho giai đoạn 5 năm 2023 - 2027, để đến năm tài khóa 2027, chi tiêu quốc phòng của nước này sẽ là 8,9 ngàn tỉ yen (66 tỉ USD), tăng 65% so với năm 2022. 

Dự chi ngân sách quốc phòng giai đoạn 2023 - 2027 như vậy sẽ tăng 56% so với thời kỳ 2019 - 2023; và đến 2027, tương đương 2% GDP, so với mức 1% được duy trì lâu nay. Nếu đúng lộ trình này, Nhật Bản sẽ trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, theo Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.

Giới quan sát nhận định động thái này xuất phát từ việc người Nhật thấy tình hình an ninh đang thay đổi, với ba mối đe dọa chính. Thứ nhất, Triều Tiên đã phát triển công nghệ tên lửa tiên tiến, và chương trình vũ khí hạt nhân của nước này có vẻ ngày càng tăng tốc. 

Thứ hai, trong NSS, Nhật xác định Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất và chưa từng có", liên quan tới hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, biển Hoa Đông, và Đài Loan. Thứ ba, thời sự hơn, là biến cố cuộc chiến Ukraine.

Nói cách khác, tăng cường ngân sách quốc phòng và chiến lược an ninh mới là cách Tokyo ứng phó bối cảnh mới, mà họ khẳng định là "môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II".

Bức tranh hợp tác mới

Ngoài những con số thuần túy, giới phân tích cũng rất chú ý tới mức độ chủ động mới của Tokyo, thể hiện qua hai yếu tố: tăng cường xuất khẩu vũ khí và khả năng "phản công".

Sau Thế chiến II, Nhật Bản đã theo đuổi chính sách quốc phòng theo hướng phòng thủ, được định hình trong điều 9 Hiến pháp 1946. Theo đó, Nhật Bản chỉ được sử dụng lực lượng vũ trang trong trường hợp nước Nhật và người dân bị tấn công. 

Khi Nhật hồi phục hậu chiến và trở thành cường quốc kinh tế những năm 1970 và 1980, đã xuất hiện nhiều ý kiến về việc liệu Tokyo có nên "bình thường hóa" chính sách đối ngoại và an ninh hay không.

Khi môi trường an ninh ngày càng thay đổi, Nhật Bản thường xuyên được mô tả là có chính sách quốc phòng chưa tương xứng với vị thế và tầm ảnh hưởng của họ. Mãi đến năm 2015, thủ tướng khi ấy Abe Shinzo mới thúc đẩy thành công chính sách cho phép SDF tham gia các nhiệm vụ tác chiến ở nước ngoài.

Nhưng điểm thay đổi lớn nhất trong NSS mới của Nhật là sự xuất hiện của cụm từ "khả năng phản công" - đồng nghĩa Nhật có thể tấn công các mục tiêu quân sự trên đất đối phương, ví dụ bãi phóng tên lửa ở nước khác, nếu xác định chính xác rằng đối phương đang thực hiện một cuộc tấn công Nhật Bản.

Một thay đổi đáng chú ý nữa là lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Nhật Bản có ba nguyên tắc cho việc này, bao gồm không bán vũ khí cho các quốc gia đang hoặc có thể tham gia một cuộc xung đột quốc tế. 

Vào cuối tháng 7, Kyodo News cho biết chính phủ đang cân nhắc bỏ lệnh cấm xuất khẩu các loại vũ khí do Nhật Bản hợp tác sản xuất với nước khác. Đây là động thái mở đường cho việc xuất khẩu chiến đấu cơ mà Tokyo hợp tác với Anh và Ý trong dự án gần đây.

Cả hai điểm này đều vấp phải chỉ trích trong nước. Đầu tiên, chính quyền Thủ tướng Kishida cần đảm bảo SDF chỉ được phép "phản công", chứ không phải "tấn công phủ đầu". 

Còn với chuyện xuất khẩu vũ khí, một nhóm công tác đã báo cáo với Quốc hội Nhật Bản khuyến cáo rằng nước này chỉ nên bán thiết bị quốc phòng với vũ khí sát thương, bao gồm tàu và phương tiện phi tác chiến, cho các quốc gia có hợp tác với Nhật về an ninh, kèm điều kiện cung cấp cho mục đích cứu hộ, vận chuyển, cảnh báo, do thám hoặc quét mìn.

Cho đến nay, các văn kiện chính sách của ông Kishida vẫn chưa có tính ràng buộc pháp lý, và phải chờ Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, đây có vẻ là một bước đi không thể tránh khỏi. 

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) lập luận rằng sự thay đổi của Nhật Bản không chỉ xuất phát từ môi trường an ninh đang tệ đi, mà còn bắt nguồn từ phản ứng của Nhật với tình hình an ninh ấy, hay đúng hơn là cách tiếp cận của Tokyo trong mối quan hệ hợp tác các nước khác, đặc biệt là Mỹ. 

Các nhóm an ninh mà Nhật tham gia cùng Mỹ và đồng minh như cơ chế Quad, phòng thủ tên lửa, hay an ninh mạng... đòi hỏi sự chủ động lớn và quy mô quốc phòng lớn hơn nhiều so với hiện tại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận