Câu hỏi đặt ra gần như ngay lập tức sau tuyên bố "hai em bé chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới đã chào đời" của nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê (Jiankui He) chính là phải chăng một thời kỳ mới đáng sợ của công nghệ chỉnh sửa gen chính thức bắt đầu?

Ông Hạ Kiến Khuê đã dùng kỹ thuật CRISPR/Cas9 để chỉnh sửa gen trên phôi cho 7 cặp vợ chồng, kết quả là có hai phôi đậu thai thành cặp song sinh với hai bé gái Lulu và Nana. Hai em bé này - có khả năng miễn nhiễm HIV/AIDS - chào đời theo tuyên bố của nhà khoa học họ Hạ, hiện là giáo sư giảng dạy tại Đại học Khoa học và kỹ thuật Nam Phương (SUST, Thâm Quyến).

CRISPR là công cụ cho phép các nhà nghiên cứu kiểm soát gen nào được biểu hiện (trội) ở thực vật, động vật và cả con người, cũng như xóa các tính trạng (trait) xấu và thêm các tính trạng tốt vào bộ gen. Điều quan trọng là CRISPR cho phép thực hiện các chỉnh sửa trên nhanh hơn và chính xác hơn mọi kỹ thuật trước đây, theo trang VOX.

Theo công bố (chưa được xác minh) của Hạ Kiến Khuê, bố của hai bé gái dương tính với HIV. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã chỉnh sửa phôi (từ thụ tinh ống nghiệm) của cặp vợ chồng này và loại bỏ gen CCR5, vốn là "cửa ngõ" để virút HIV xâm nhập cơ thể. Cách làm này để giúp đứa bé sinh ra với bộ gen được chỉnh sửa có khả năng miễn dịch với HIV/AIDS.

Em bé chỉnh sửa gen và thời kỳ khoa học đen tối? - Ảnh 1.

Nếu đúng như những gì họ Hạ tuyên bố, nhà khoa học Trung Quốc này sẽ là người đầu tiên trên thế giới dùng CRISPR chỉnh sửa gen trên phôi của con người và phôi sau này phát triển đến lúc sinh nở, bất chấp các lệnh cấm không chính thức của cộng đồng khoa học quốc tế về chỉnh sửa gen trên phôi người.

Hank Greely, giáo sư luật và đạo đức Đại học Stanford, gọi thí nghiệm của nhà nghiên cứu Trung Quốc họ Hạ là liều lĩnh vì tỉ lệ rủi ro trên lợi ích rất thấp cho đứa trẻ. Các nhà khoa học khác chỉ trích thí nghiệm là tàn ác và vô lương, trong khi 122 nhà khoa học Trung Quốc thậm chí còn cùng ký một bản lên án nghiên cứu của đồng nghiệp đồng hương.

Em bé chỉnh sửa gen và thời kỳ khoa học đen tối? - Ảnh 3.

Theo trang Quartz, dù mỗi quốc gia có thể có cách quản lý chuyện chỉnh sửa gen riêng, song xét quy mô toàn cầu thì chưa có một bộ quy tắc bắt buộc thực thi nào, chỉ có một bộ hướng dẫn mà các nhà nghiên cứu có thể tự nguyện tuân thủ chứ không bắt buộc. Khi đã có CRISPR thì không chóng thì chày, đến một lúc nào đó cũng sẽ có người ứng dụng nó lên phôi người, nếu không là Hạ Kiến Khuê thì cũng sẽ là một ai khác.

Em bé chỉnh sửa gen và thời kỳ khoa học đen tối? - Ảnh 4.

Tháng 4-2015, các nhà khoa học hàng đầu thế giới nhóm họp tại Thượng đỉnh quốc tế về chỉnh sửa gen trên con người ở thủ đô Washington DC (Mỹ). Sau 3 ngày thảo luận, hội nghị không thể đưa ra được các luật lệ, mà chỉ là bộ hướng dẫn.

Theo tường thuật của WIRED, bộ hướng dẫn không có tính chất bắt buộc này chẳng mang lại thay đổi gì cho toàn cục: "Mỹ vẫn sẽ cấm tài trợ các nghiên cứu chỉnh sửa gen trên phôi người và Chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ cho phép việc này tiếp tục. Các quốc gia khác sẽ tranh cãi tiếp xem nên để các nhà khoa học của họ đi xa đến đâu trong việc chỉnh sửa gen trên con người".

Quartz cho biết một trong các điểm trong hướng dẫn năm 2015 là có thể áp dụng CRISPR lên phôi con người, song phải theo đúng quy trình nghiên cứu và không được để phôi phát triển thành bào thai rồi sinh thành em bé.

Em bé chỉnh sửa gen và thời kỳ khoa học đen tối? - Ảnh 5.

Hạ Kiến Khuê đã để Lulu với Nana chào đời và việc này cho thấy ông phớt lờ các hướng dẫn nói trên. Chuyện này gây bất bình trong cộng đồng khoa học, nhưng vì mọi thứ theo nguyên tắc tự nguyện nên không thể nói Hạ đã vi phạm quy ước toàn cầu.

FT ngày 1-12 nhận định bi quan hơn khi cho rằng đây là khoảnh khắc tăm tối cho cả khoa học lẫn nhân loại, khởi đầu kỷ nguyên mà con người làm chủ được quá trình tiến hóa của chính mình: "Chúng ta đã có quyền năng mang đến các thay đổi vĩnh viễn cho bộ gen của mình và truyền lại nó vĩnh viễn cho đời sau".

Nhưng không chỉ là vấn đề đạo đức. Theo trang Medical Express, cộng đồng khoa học đã chỉ trích việc Hạ Kiến Khuê để phôi được chỉnh sửa gen sinh ra thành em bé là "nguy hiểm, vô trách nhiệm và điên rồ".

"Sẽ ra sao nếu quá trình chỉnh sửa mắc lỗi? Làm sao dám chắc kỹ thuật này có lợi cho nhân loại? Liệu chúng ta có sẵn sàng đối mặt các hậu quả của việc chỉnh sửa gen cho sự tiến hóa của chính chúng ta?" - bài viết đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Việc ông Hạ chỉnh sửa gen chỉ để em bé sinh ra miễn nhiễm HIV cũng được cho là không cần thiết, do lẽ chưa chắc em bé sinh ra từ cha dương tính và mẹ âm tính với HIV cũng mắc bệnh này nếu sử dụng quá trình thụ tinh ống nghiệm thông thường.

Em bé chỉnh sửa gen và thời kỳ khoa học đen tối? - Ảnh 6.

Ngoài ra, đứa trẻ sinh ra dù chưa biết có chắc chắn miễn dịch với HIV không nhưng sẽ giảm khả năng đề kháng trước các bệnh khác như cúm và sốt Tây sông Nile, do lẽ gen CCR5 bị vô hiệu hóa vốn có vai trò quan trọng trong việc kháng các virút này, theo Medical Express.

Ngoài ra, kỹ thuật CRISPR có thể gây ra các đột biến ngoài ý muốn, có thể khiến hai bé gái lớn lên với nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh truyền nhiễm khác. Nghiêm trọng hơn, bộ gen được chỉnh sửa có thể gây hiểm họa cho nhân loại vì các thay đổi này sẽ truyền tiếp cho nhiều thế hệ tiếp theo thông qua di truyền.

Điều này đặt ra vấn đề liệu hai em bé lớn lên đến tuổi sinh sản có bị buộc triệt sản, nhằm ngăn không để các gen được chỉnh sửa chuyển tiếp đến thế hệ tương lai hay không?

Em bé chỉnh sửa gen và thời kỳ khoa học đen tối? - Ảnh 8.

Trả lời phỏng vấn AP, Hạ Kiến Khuê cho rằng "xã hội sẽ quyết định" chuyện có nên chỉnh sửa gen phôi người hay không. Trong khi đó, Feng Zhang, đồng phát minh kỹ thuật CRISPR/Cas9, kêu gọi ban hành lệnh cấm tạm thời việc tiếp tục "sản sinh" những đứa trẻ chỉnh sửa gen.

Một đồng phát minh CRISPR/Cas9 khác là Jennifer Doudna cũng cho rằng công trình của Hạ Kiến Khuê "tái khẳng định nhu cầu cấp bách phải giới hạn kỹ thuật chỉnh sửa gen trên phôi thai người, chỉ được áp dụng trong những trường hợp có các nhu cầu y khoa chưa được đáp ứng và không có cách tiếp cận y học nào khả thi như khuyến nghị của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ".

Em bé chỉnh sửa gen và thời kỳ khoa học đen tối? - Ảnh 9.

Nhà sinh học người Mỹ David Baltimore, chủ nhân giải Nobel sinh lý học và y khoa năm 1975, cho rằng việc Hạ Kiến Khuê thực hiện thí nghiệm của mình cho thấy cộng đồng khoa học đã không thể tự quản lý (self-regulate) chính mình. Điều này chỉ ra một thực tế đáng sợ: cộng đồng khoa học không thể ngăn được những trường hợp các "nhà khoa học xấu" dùng kỹ thuật CRISPR cho nhiều ứng dụng tiềm ẩn nguy hiểm như định hướng tiến hóa, hay tăng khả năng của con người bằng cách chọn giữ lại các đặc tính gen tốt.

Tin tức về em bé Lulu và Nana được công bố chỉ một ngày trước khi các nhà khoa học tiếp tục nhóm họp cho Thượng đỉnh về chỉnh sửa gen trên con người lần 2 ở Hong Kong từ ngày 27 đến 29-11, sau 3 năm kể từ hội nghị đầu tiên.

Medical Express cảnh báo "chúng ta không thể để cho cá nhân các nhà khoa học quyết định vận mệnh của bộ gen loài người" và kêu gọi "cần phải có đối thoại toàn cầu, bao gồm các chuyên gia và công chúng, để đạt sự đồng thuận về việc phải làm gì với các công nghệ gen". Các đối thoại đó từ đây sẽ diễn ra trong bối cảnh chuyện phôi được chỉnh sửa gen và cho sinh ra thành em bé không còn ở thể giả định nữa.

Em bé chỉnh sửa gen và thời kỳ khoa học đen tối? - Ảnh 10.



TRƯỜNG SƠN
KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0