Chuyện dài thu phí và thu học phí

DANH ĐỨC 08/10/2023 10:01 GMT+7

TTCT - Nạn lạm thu ở trường học cho thấy chức phận của Nhà nước không thể chỉ dừng lại ở cung cấp dịch vụ công cơ bản, như giáo dục phổ thông, mà quan trọng hơn là phải tạo được điều kiện để điều hướng nguồn lực, cả công lẫn tư, một cách hiệu quả.

Ảnh: Axios

Ảnh: Axios

Như một quả bom hẹn giờ, vụ thu tiền quỹ lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, tới 10 triệu đồng/học sinh, và chi hơn 200 triệu sửa phòng học, đã làm nổ tung dư luận tuần rồi. 

Đây không phải vụ đầu tiên và e là cũng không phải cuối cùng. Vấn đề là điều gì đã "tạo điều kiện" cho các vụ thu tiền quỹ như vậy? Từ nhà nước "lớn", nhà nước "nhỏ", ban giám hiệu, hội phu huynh học sinh, giáo viên?

Tất nhiên, sau khi nội vụ bùng nổ, đã có những phản ứng chỉ đạo ngay từ Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh: đối với công trình cải tạo lớp học đã quyết toán gần 228 triệu đồng, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ hoàn trả toàn bộ khoản đóng góp cho phụ huynh. Dễ quyết định trả lại cũng dễ như quyết định đã thu, là do đâu?

Cám dỗ từ đâu?

Bản tin ngày 28-9 của trang web Chính phủ: "Thu quỹ lớp hơn 313 triệu: Phê bình hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, hoàn tiền cho phụ huynh", đầy đủ chi tiết về diễn biến vụ việc: "Trường tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh tổ chức họp cha mẹ học sinh các lớp 1 năm học 2023-2024 vào ngày 13-8-2023. 

Trong phiên họp này, giáo viên chủ nhiệm các lớp, trong đó có lớp 1/2 cùng phụ huynh đã thống nhất chọn và bầu ban đại diện cha mẹ học sinh tạm thời của lớp... Sau cuộc họp, ban đại diện cha mẹ học sinh xin ý kiến nhà trường được cải tạo lớp học vì học sinh các lớp tích hợp sẽ học tại các phòng học được phân bố trong suốt năm năm học (từ lớp 1 đến lớp 5)".

Trước vụ ở Bình Thạnh, TP.HCM một vài ngày, một phụ huynh có con học tại Trường THPT Thanh Miện 3, Hải Dương từng phàn nàn với báo chí chuyện đầu năm học phải đóng tới hơn 8,7 triệu đồng và những khoản thu này có dấu hiệu của việc "lạm thu" (Dân Việt 12-9). 

Đọc bản tin thấy những khoản chi như mua ti vi 150.000 đồng/học sinh, tiền ghế ngồi 25.000 đồng/học sinh, thậm chí còn "dự kiến làm lại đường điện riêng vì đường điện ở đây đã 20 năm, không đủ tải cho lắp điều hòa" - hiệu trưởng giải thích.

Có thể thấy trong cả hai trường hợp, sở dĩ thu chi tùy tiện là do có sự lỏng lẻo cấp trên không nhìn thấy, không hay biết. Sự lỏng lẻo đó còn lan tỏa xuống giáo viên như mô tả của chính hiệu trưởng trường ở Hải Dương: 

"Một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 gửi cho phụ huynh học sinh nhưng là những khoản dự kiến và nhiều khoản chưa thu. Ví dụ như học phí hiện chưa có quyết định mức học phí của UBND tỉnh, nên phụ huynh không phải đóng nhưng giáo viên đã gộp tất cả lại để thông báo cho phụ huynh".

Tại sao lại có sự lỏng lẻo đó? Tất nhiên có những quy định những gì được thu, không được thu như qua thông tư 55 của Bộ GD-ĐT, theo đó không được thu bảy khoản. 

Tuy nhiên, có mấy phụ huynh trên tổng số cha mẹ 23 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 12 năm học 2023-2024, tức khoảng 45 triệu người, biết rằng trường nào thu tiền giữ xe của học sinh, tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học là trái phép, do đây là những khoản cấm thu? Có mấy người biết có cái khoản 3 điều 9 nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về điều chỉnh học phí?

Họa hoằn lắm mới có người thắc mắc, tìm hiểu rồi khiếu nại và "nổ tung màn bạc" như đã thấy. Năm ngoái, một cựu hiệu trưởng trung học cơ sở đã đặt vấn đề: "Không thu quỹ phụ huynh có phải là điều hay?" trên Công An Nhân dân 14-10-2022, và câu trả lời của chính ông là: 

"Quy định của thông tư 15 đã hoàn hảo chưa? Hay có một số nội dung chưa phù hợp nên việc thu chi quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh ở hầu hết các trường đều chi sai? Chỉ có không thu mới đúng. Đây là điều cần phải xem xét kỹ càng, thấu đáo để có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp".

Trở lại với tính lương thiện

Câu chuyện thu trong nhà trường là điều tái đi tái lại mà tôi nhớ nhiều chuyện từng xảy ra từ thập niên 1980. Hồi đó, một số giáo viên chủ nhiệm mặc cảm và "ớn da gà" khi phải thu giùm cho nhà trường một số khoản. 

Thầy cô ái ngại khi thu tiền từ tay học trò. Càng đáng phiền là trong khi lương tháng sáu chục đồng hơn, mà số tiền thu lên đến mấy trăm đồng, thì nhận tiền từ học trò, giáo viên nào "quân tử" lắm mới không đếm lại, còn đếm lại trước mặt học trò, lại là "đệ tử ruột" (thường là lớp trưởng sẽ thu rồi nộp lên), khác gì phá vỡ niềm tin!

Gần cuối thập niên 1980, bắt đầu có những đóng góp của hội cha mẹ học sinh - thời đó không xài cụm từ "phụ huynh học sinh". Cũng may là thời đó, cha mẹ học sinh, có là cán bộ, giáo sư tiến sĩ gì đi nữa, lương cũng dưới trăm đồng trở lại, chưa có triệu phú, rồi tỉ phú đô la như sau này, nên tiền đóng góp quỹ cũng khiêm tốn thôi. 

Thời đó, các trường cũng cố gắng "liệu cơm gắp mắm" hơn, không "thừa giấy vẽ voi" như sau này. Mặt khác thời đó, xã hội vẫn đếm tiền bằng đơn vị đồng chứ chưa bằng đơn vị triệu, tỉ như hiện nay. 

Đây là vấn đề mà East Asia Forum Economics 16-4-2010 từng mô tả: "Một khi tham nhũng đã ăn sâu, nó có thể làm nảy sinh "quần chúng tham nhũng", có thể thúc đẩy một "giới tinh hoa" mới tham nhũng".

Nói cho ngay, Nhà nước, cụ thể là chính quyền TP.HCM, cũng đã bao bọc đúng với tinh thần nhà nước phúc lợi (welfare state) các mảng liên quan đến an sinh xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, người nghèo, người cao tuổi...); chưa bao biện hết được thì ít nhất cũng ráng làm ở mảng giáo dục hay người cao tuổi (cùng với cả nước). 

Cần nói rõ: bao bọc chớ không phải bao cấp trong ý nghĩa chê bai, thậm chí miệt thị sau khi chuyển qua "kinh tế thị trường" từ kinh tế chỉ huy, để rồi hở tí liên quan đến Nhà nước chi trả, bèn phang ngay là "bao cấp". 

Làm vậy thành quen, riết rồi quên rằng: không chỉ các nước xã hội chủ nghĩa, như đã thấy trong quá khứ trước 1989, mới chủ trương phúc lợi cho dân chúng, mà cả các nước bên khối tư bản cũng thế - chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, giao thông..., thậm chí tranh nhau hơn thua trong các cuộc bầu cử từ cấp tổng thống đến cấp xã cũng là trên những lời hứa bao bọc thế nào, lấy tiền đâu ra.

Xin lấy thí dụ một quốc gia tương tự, thậm chí dưới tầm về GDP/đầu người (2.470 USD so với Việt Nam là 4.480 USD, số liệu của IMF) là Bangladesh. Hiến pháp nước này quy định tất cả trẻ em đều được giáo dục bắt buộc và miễn phí. Giáo dục tiểu học và trung học được nhà nước tài trợ và miễn phí tại các trường công lập. Chính phủ cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho tất cả học sinh cấp tiểu học và trung học. 

Năm 2022, 347 triệu cuốn sách giáo khoa miễn phí đã được phân phát cho 41,7 triệu học sinh trên toàn quốc. Chính phủ cũng cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường cho 400.000 trẻ em ở 2.000 trường học ở tám khu vực cấp huyện.

Các câu chuyện trên về giáo dục miễn phí, sách giáo khoa cấp phát và bữa ăn miễn phí của Bangladesh là những nhắc nhở về yêu cầu "nhà nước bao bọc" của mọi nhà nước, bất kể thể chế và xu hướng chính trị. TP.HCM là đô thị có mức thu nhập cao hàng đầu cả nước, nên những dấu hiệu "nhà nước bao bọc" này cũng xuất hiện sớm và phổ biến hơn. 

Sở GD-ĐT TP.HCM đầu năm học 2023-2024 đã quy định tạm thời chưa thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập, chờ hướng dẫn sau. Từ năm 2022, TP.HCM cùng Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh tạm thời chưa thu học phí

Riêng Hải Phòng đã miễn thu từ năm học 2021-2022 và chi ra 400 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ giáo dục.

Nếu chí thú "trăm năm trồng người', thì các tỉnh chưa có tên trong danh sách "chưa thu học phí" sẽ biết chọn chi tiêu cho cái gì! Thiệt ra, nếu cân đong đo đếm khá hơn cho giáo dục (và y tế), thì Việt Nam không đến nỗi thiếu thốn, vấn đề là lựa chọn mà thôi. ■

Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam nêu rõ việc miễn thu học phí với trẻ em theo học cấp tiểu học ở khoản 2, điều 61: "Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý".
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận