Việt Nam - Nghĩa là có nhiều yêu thương

CÁT KHUÊ THỰC HIỆN 04/03/2012 03:03 GMT+7

TTCT - Ngày 27-2, trở về VN như một chuyến thăm quê, nhà làm phim tài liệu Mỹ gốc Việt Đoan Hoàng có cơ hội chia sẻ với các nhà làm phim trẻ ở VN bộ phim tài liệu Oh Saigon mà cô làm cách đây năm năm về chính gia đình cô.

Đoan Hoàng đã dành cho TTCT một cuộc phỏng vấn.

Phóng to
Nhà làm phim tài liệu Mỹ gốc Việt Đoan Hoàng - Ảnh: Gia Tiến

... Khi ba tôi rời VN đi di tản, ba cũng như những người Việt kiều khác chỉ còn nhớ về VN như nhớ về một cuộc chiến tranh - không thấy gì khác, không biết gì khác và càng không biết quãng thời gian VN đã thay đổi ra sao. Ba tôi và họ đều sợ bị bắt nếu trở về.

Trước đây tôi sống ở tiểu bang Kentucky - một tiểu bang có rất ít người Việt nên nhiều khi thấy buồn mà không hiểu tại sao, lúc đó còn nhỏ chưa định hình được tình cảm của mình chính là tình yêu dành cho quê hương đất nước khi phải ở xa. Khi trở về VN, gặp nhiều họ hàng ruột thịt, tôi thấy vui, thấy được sống trong tình yêu gia đình lớn mà tôi ít gặp ở Mỹ.

Ở Mỹ, gặp họ hàng thì lái xe qua gặp chút rồi gửi dăm ba tin nhắn là xong. Về VN, khi rời đi cô chú khóc nhiều, tôi cảm động lắm, điều này khác với hình dung của tôi rằng VN là nước nghèo, nhiều người khổ... mà chỉ còn thấy VN - nghĩa là có nhiều yêu thương. Tôi thuyết phục ba tôi về VN mấy năm trời mà không được vì ba vẫn còn sợ. Cho đến năm 2004 ba mới chịu về.

* Năm 2004 ba chị mới về VN sau 29 năm xa quê, thế nhưng bộ phim Oh Saigon lại được làm sau đó những ba năm dù cái cớ cho phim dường như lại chính là sự kiện trên?

- Oh Saigon quay xong năm 2006, nhưng tôi mất một năm để cắt dựng. Ba tôi sau chuyến về VN năm 2004, gặp nhiều anh em họ hàng, như Phan Thiết quê ông, dường như ai cũng họ Hoàng hết! Ông trở thành người khác, ông yêu VN, mê VN, muốn về VN nhiều hơn nhưng không may là sau đó bác Hai (nhân vật đoàn tụ cùng ba của Đoan Hoàng trong Oh Saigon) mất nên ba tôi buồn, ông chưa muốn trở lại VN lần nữa...

* Oh Saigon cho thấy mẹ của chị và chị đều đã về VN trước ba chị vài lần, vậy tại sao hai mẹ con lại không thuyết phục được ba chị về VN ngay khi cả hai đều thấy VN đã đổi thay nhiều rồi, kể từ sau năm 1975?

- Cũng có một lý do khá buồn cười, lỗi tại mẹ tôi thôi. Đó là những năm 1990, mẹ tôi muốn về VN thăm quê hương bản quán lần đầu tiên. Bà mua vé bay về mà không biết là phải xin visa vì bây giờ bà đã là người Mỹ. Chính vì không có visa nên bà không được tự do đi lại ở VN, phải ở trong một khách sạn ba ngày rồi được gặp bà ngoại của tôi thêm hai ngày, sau đó về lại Mỹ.

Ký ức không vui đó cũng là một trong những lý do ba tôi càng ngần ngại hơn khi chúng tôi nhắc đến việc quay lại VN (ba tôi từng là quân nhân chế độ cũ). Nhưng rồi bác Hai tôi bị ung thư, ba sợ sẽ không gặp lại bác trước khi bác mất, đây chính là lý do duy nhất đã khiến ba tôi về thăm lại VN.

Trước khi quay Oh Saigon, mọi hình dung về suy nghĩ, tâm lý của ba chỉ là tưởng tượng trong đầu tôi. Nhưng sau khi phim làm xong, ba tôi và tôi bây giờ gần nhau lắm, hiểu nhau lắm.

* Thật sự khi xem Oh Saigon, thấy những hình ảnh tư liệu chiến tranh mà chị sử dụng trong phim tôi hơi thất vọng. Có lẽ vì thấy chiến tranh vẫn luôn là “món hời” cho các nhà làm phim khi nhắc đến VN. Chị nghĩ sao?

- Tôi nghĩ nếu đã là ám ảnh thì khó quên. Tôi không quên được chiến tranh vì tôi đã sống và chịu ảnh hưởng bởi nó, tôi không thể quên được. Nếu không có chiến tranh thì tôi - Đoan Hoàng đâu phải là người Mỹ gốc Việt - sẽ là người Việt Nam thôi. Đúng là bây giờ có một lớp người trẻ mới lớn lên đã không còn nghĩ đến chiến tranh nữa, điều đó đáng mừng chứ.

Phóng to
Đoan Hoàng khi làm phim tài liệu tại TP.HCM - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Ba mẹ chị là nhân vật chính của Oh Saigon, vậy khi hai người là khán giả của phim, cảm xúc của họ ra sao?

- Lần công chiếu đầu tiên của Oh Saigon là ở San Francisco, chiếu xong phim, những người bạn Mỹ vây quanh ba tôi chúc mừng, lúc đó thấy ba tôi thích lắm khi mình bỗng là người nổi tiếng. Còn mẹ và chị Vân tôi thì khác. Trong phim, chị Vân đã nói ra những lời mà mẹ tôi không vui khi chị nhắc lại việc mẹ đã phải bỏ chị lại năm 1975 để di tản theo chồng mới (là ba tôi) và tôi, chị đã nói “mẹ thương bản thân mẹ hơn chị...”.

Mẹ tôi không thích những đoạn đó. Bộ phim của tôi bất lực trước điều này bởi vì đến tận giờ dù mẹ và chị Vân ở chung thành phố nhưng hai người rất hiếm khi gặp nhau (khóc).

* Điều này có thúc đẩy chị làm một phim nào nữa liên quan đến gia đình mình không?

- Thật sự nhờ câu chuyện của chính tôi và gia đình tôi được kể ra qua Oh Saigon mà việc tiếp cận, lắng nghe và chia sẻ cho các dự án phim sau này của tôi trở nên dễ dàng hơn... Tôi đang quay bộ phim về bốn người phụ nữ trong gia đình tôi là tôi, chị Vân, mẹ tôi và dì. Đây là một phim về câu chuyện khó nói với cả người Việt và người Mỹ. Nó bắt nguồn từ nỗi đau của những người phụ nữ từng bị xâm hại tình dục.

Chị Vân từng bị cướp biển cưỡng hiếp khi đi vượt biên, dì của tôi lúc ở trại tị nạn cũng từng bị hiếp dâm. Dì sau này làm bạn gái cho một số người Nhật giàu có, dì có tiền giúp bà con họ hàng, nhưng những người nhận tiền của dì lại chẳng ai muốn thừa nhận, chẳng ai muốn biết ơn dì vì những đồng tiền đó. Tôi thấy tội nghiệp quá, sao đàn bà lại chịu khổ nhiều vậy...

Phụ nữ Mỹ cũng vậy, một con số thống kê cho thấy có đến 25% phụ nữ Mỹ từng bị xâm hại tình dục trong cuộc đời, nhưng đa số họ lại không muốn nói ra điều đó.

* Chồng chị là một người ngoại quốc, vậy khi xem Oh Saigon anh ấy có hiểu câu chuyện giống chị không?

- Nếu không có chồng tôi, có lẽ đã chẳng có Oh Saigon. Bởi vì về VN, gặp bác tôi, tôi đâu có dám hỏi những chuyện riêng tư về quá khứ của bác. Nhưng chồng tôi thì khác, anh rất tự nhiên hỏi bác về tất cả những điều đó. Bác cũng kể hồn nhiên và tôi nghe mê thích. Lúc đó tôi đã quyết định ngay là sẽ gọi các bạn mình để quay phim này.

* Tại sao hãng phim của chị lại tên là Nước?

- Bộ phim Oh Saigon đầu tiên có tên là Nước vì khi quay ở Cần Thơ tôi ấn tượng về kênh rạch nhiều vô kể ở vùng này. Rồi liên hệ đến tiếng Việt khi gọi quê hương là đất nước, hoặc đơn giản hơn là nước - nước Việt Nam. Người Mỹ không kêu như vậy. Rồi tôi đổi tên phim thành Homeland nhưng sau lại chọn Oh Saigon (Sài Gòn ơi) từ tên một bài hát. Hãng phim thì vẫn giữ tên cũ: Hãng phim Nước - Nuoc Pictures.

* Cảm ơn chị.

Đoan Hoàng sinh ra ở Nha Trang và di tản khỏi Sài Gòn vào những phút cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau khi ra khỏi các trại tị nạn, Đoan Hoàng được chuyển tới Kentucky và lớn lên ở đó. Cuốn sách đầu tay của cô về cuộc chiến tranh Việt Nam được cô viết năm lên 9 tuổi và phim tài liệu đầu tay của cô được làm năm 12 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Đoan Hoàng theo đuổi sự nghiệp viết báo và biên tập cho các tạp chí của Mỹ như Details, House & garden, Spin, Saveur, đồng thời viết lại câu chuyện về chính gia đình mình mà sau đó được chuyển thành bộ phim tài liệu dài đầu tiên của cô với tựa đề Oh Saigon.

Ngoài thời gian dành cho phim ảnh, Đoan Hoàng cũng dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động từ thiện như hợp tác với quỹ Vietnam Relief Effort giúp các phần học bổng cho học sinh nghèo, xây dựng lại trường học, giúp đỡ về y tế và giúp đỡ nạn nhân của các trận thiên tai. Cô cũng làm việc tình nguyện với các tổ chức giúp đỡ những người nghiện ma túy, nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp và những người bị chấn thương tinh thần.

Ngoài Oh Saigon, Đoan Hoàng còn làm một số phim ngắn với tiêu đề Agent, Good morning captains và A requiem.

Oh Saigon nói về một cuộc chiến nhỏ trong bối cảnh một cuộc chiến lớn. Đó là câu chuyện về một gia đình người Việt di tản qua Mỹ và nỗ lực của các thành viên trong gia đình hàn gắn một quá khứ bị chia cắt bởi cuộc chiến. Oh Saigon đã đoạt các giải: giải của hội đồng giám khảo dành cho phim tài liệu dài tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ở Los Angeles, giải phim tài liệu hay nhất và phim hay nhất ở Liên hoan phim quốc tế Brooklyn do hội đồng nghệ thuật Brooklyn tổ chức.

Phim được chiếu và phát tại 15 nước, được dịch ra năm thứ tiếng và đã được chiếu bảy lần trên các kênh thuộc hệ thống truyền hình PBS.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận