Về trông sương nhạt

NGUYỄN HÀNG TÌNH 26/09/2010 08:09 GMT+7

TTCT - Hồ Xuân Hương đã thành thân thể, ruột gan Đà Lạt, như một thứ di sản đô thị sống động vĩnh cửu, hồn vía một xứ sở.

Hồ Xuân Hương là một tác phẩm đô thị khi đầy nước mỗi sáng - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

1. Dòng suối Lạch nguyên khởi lại hiện ra kể từ ngày người ta xả hết nước hồ Xuân Hương, dù cộng đồng Lạch (Lat) bản địa từ lâu đã lùi sâu vào tận chân núi Lang Bian cách đấy vài chục cây số. Ai nhớ con suối nguồn cội xứ sở, muốn xem hình hài của nó thì hẳn đây là dịp.

Đã gần 200 ngày vắng nước, đủ để cỏ dại mọc xanh dưới đáy hồ, liếm ra dòng suối cổ xưa vùi sâu như vừa ”sống lại”, êm ái và thản nhiên chảy với nước từ thượng nguồn Hòn Bồ rong ruổi về lúc đục lúc trong theo từng ngày mưa nắng. Nhưng ở phố núi này ai cũng biết số người nhớ con suối Lạch kia hẳn sẽ ít hơn nhiều so với số người nhớ hồ nước Xuân Hương, vì làng Lạch nép vào chân núi xa xa kia sau nhiều chục thế kỷ nay chỉ lèo tèo dân số đôi ngàn.

Mà có khi người Lạch cũng không còn nhớ về con suối Lạch này nữa, dù cái tên “Đà Lạt” (Da là nước, là suối; và Lat hay Lach là người Lat, người Lạch) đã thành tên của cả xứ sở, của một đô thị du lịch lừng danh, nơi khách sạn cùng thị dân xe cộ soi bóng. Sau tên “Grand Lac” do người Pháp gọi, rồi người Việt gọi bóng bẩy hơn là “Xuân Hương”, thì cái tên “Lat” dù là suối hay hồ, nước hay nguồn, vẫn gợi nhớ thương một cội rễ thăm thẳm non ngàn.

2. Người Đà Lạt có từ “ra phố”. “Ra phố” ấy là khi ngang qua hồ Xuân Hương. Thiên hạ bảo hồ Xuân Hương là “trái tim Đà Lạt”, là “con ngươi“, “chiếc gương soi” của phố núi là vì vậy. Phố núi bé như một bàn tay, trăm thứ dồn về chỗ trũng nhất là đây. Cái “trái tim” đô thị bé bỏng này làm người ta chạm mặt nhau, lạ hóa quen, quen hóa thân (nên muốn ngoại tình cũng khó!), và nói quá một chút rằng cứ như thiên hạ ở đây quen biết nhau cả.

Vì vậy, những ngày hồ Xuân Hương không còn là hồ như thế này, mọi người hình như hẫng đi, một cảm giác thiêu thiếu, trống vắng, chơi vơi, như mất lực hút, mất điểm tựa, bởi xứ sở bỗng buồn tênh đến hoang vắng, lành lạnh, vơi cạn sức sống.

Gặp các chủ khách sạn, họ tự tình: “Nguồn khách cũng cạn, hẻo theo sự biến mất của hồ Xuân Hương”. Còn ông bạn già đánh xe ngựa ở đồi Tây Đức mấy tháng nay gác chiếc xà ích vào xó vườn vì “hết nước là hết... lãng mạn, chả du khách nào “khùng” mà ngồi lên đấy vòng quanh hồ làm gì!”.

Tình huống éo le này vỡ ra, làm ta sáng mắt rằng vì sao mấy nàng Sài Gòn muốn lên Đà Lạt hay gọi điện: “Hồ Xuân Hương có nước lại chưa anh?” (như thế họ vì Đà Lạt chứ vì chi ta!).

Hình như không chỉ tổn thương du khách, hồ Xuân Hương cạn nước, Đà Lạt còn mất cả... thơ. Ông Hàn Mặc Tử lần đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) đến Đà Lạt vào mùa đông năm 1933 từng làm bài thơ duy nhất của ông về xứ sở này chẳng nhắm ngay trái tim hồ Xuân Hương mà dào dạt thổn thức đó sao: Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/...Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu (Đà Lạt trăng mờ).

Lại có anh nhạc sĩ chân chất từ Bảo Lộc lên, buông xả cảm xúc viết ra thứ ca từ tỉnh queo về hồ Xuân Hương: ...là nhụy...; là sương khói quê nhà. Cứ theo anh chàng nhạc sĩ này thì hồ Xuân Hương mà khô cạn cũng làm ảnh hưởng đến nền nghệ thuật nhiếp ảnh.

3. Lắm người hằng ngày qua lại cứ ném vào những lời trách cho ai đã tháo cạn hồ và phá cầu Ông Đạo (cây cầu ngăn dòng suối Lạch mà hình thành nên hồ nước Xuân Hương) để làm một đường cầu - cống mới (dù đường cầu cũ người Pháp thiết kế và xây dựng khá đặc biệt, chưa hề có dấu hiệu hư hỏng), thi công đủng đỉnh, dầm dề suốt từ mùa khô sang mùa mưa vẫn không xong (và cũng không biết đến bao giờ kết thúc).

Đã ngót sáu tháng người ta đủng đỉnh trầy trật thi công, xúc đất, chở bùn nơi hồ Xuân Hương là ngần ấy thời gian cô bác phố núi “tắm” trong bụi, thay vì mù sương yêu dấu. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu ở đường Phạm Hồng Thái, Yersin, Mimosa... đóng cửa để tránh bụi. Đừng bảo tốn kém gần 120 tỉ đồng tiền thuế của dân mà chính cảm giác hồi hộp, mỏi mòn, ngóng trông, thành phố mù sương hóa thành “thành phố bụi” kéo dài mới là sự hao tổn không thể bù đắp.

Ông kiến trúc sư người Pháp Enesrt Hébrard - người đưa ra ý tưởng ngăn con suối Lạch ngõ hầu tạo hồ nước cho Đà Lạt thành đô thị thanh cảnh, và ông kỹ sư công chánh Labbé - người đứng ra ngăn đập trên suối - quả làm “khổ” trái tim người Đà Lạt đến tận ngày nay. Hai vị đã thành người thiên cổ từ nửa thế kỷ trước, nhưng hồ Xuân Hương đã thành thân thể, ruột gan Đà Lạt, như một thứ di sản đô thị sống động vĩnh cửu, hồn vía một xứ sở.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận