VAR của nhà nghèo

HUY ĐĂNG 30/10/2023 11:26 GMT+7

TTCT - Ngay trong lần đầu tiên áp dụng ở V-League, công nghệ hỗ trợ trọng tài (VAR) đã gây tranh cãi lớn. Những khó khăn của "con nhà nghèo".

Ở trận Hải Phòng - Hoàng Anh Gia Lai, cũng là trận mở màn của V-League mùa này, các trọng tài đã phải cậy nhờ đến VAR để đưa ra quyết định thổi phạt đền cho Hải Phòng.

VAR cũng tùy chất lượng

Kết quả, các trọng tài mất hơn 7 phút, gồm 3 phút trao đổi và 4 phút để trọng tài chính Nguyễn Đình Thái xem lại tình huống qua VAR. Nhưng rồi quyết định cuối cùng vẫn gây tranh cãi dữ dội, vì các góc máy đều không cung cấp được hình ảnh rõ ràng về tình huống (nghi ngờ) chạm tay.

Áp dụng VAR ở V-League đã gây nhiều tranh cãi ngay vòng đầu. Ảnh: Hoàng Tùng

Áp dụng VAR ở V-League đã gây nhiều tranh cãi ngay vòng đầu. Ảnh: Hoàng Tùng

Giảng viên trọng tài Đoàn Phú Tấn bình luận: "Tình huống này cầu thủ đã dang tay rất rộng khi bóng đến. Nếu tay ấy chạm bóng thì phải chấp nhận phạt đền. Vấn đề là bóng đã trúng tay, hay ngực, hay vai? Hình như VAR không cho được đáp số đúng".

Pha bóng này làm gợi nhớ đến tình huống Hồng Duy sút bóng chạm tay cầu thủ Úc ở trận đấu vòng loại World Cup 2022. Đó cũng là lần đầu tiên VAR được đưa đến Việt Nam. 

Trọng tài chính đã có nhiều thời gian xem đi xem lại pha bóng trên màn hình VAR, để rồi quyết định không thổi phạt đền cho Việt Nam. Người hâm mộ Việt Nam giận dữ, nhưng sự thật là khi góc quay VAR cung cấp khi đó vẫn không hoàn toàn rõ ràng.

Trong tình huống gây tranh cãi của V-League mới đây - xác nhận cầu thủ đã dang rộng tay bất thường, nhưng VAR lại không xác định rõ bóng có chạm tay hay không. 

Còn ở pha bóng tại trận Việt Nam - Úc, vỏn vẹn một góc quay thẳng từ phía sau khung thành lại không cho thấy được liệu cánh tay của hậu vệ Úc "có dang rộng khỏi cơ thể một cách bất thường" hay không. Điều xác định rõ được trong góc quay đó chỉ là hậu vệ Úc đã xoay người và thu tay về. Có thể hiểu được vì sao trọng tài lại ra phán quyết bất lợi cho Việt Nam trong pha bóng này.

Tựu trung lại, từ đấu trường quốc tế đến V-League, vấn đề của VAR ở Việt Nam là chuyện điều kiện "đầu tiên", tức tiền đâu. Cho dù là ở Anh, Đức, hay World Cup đi nữa, nếu mỗi trận chỉ có vài ba máy quay thì dù có VAR, nhiều khi trọng tài cũng... bó tay. 

Bản chất của VAR là cung cấp cho trọng tài những góc máy chiếu chậm cận nhất, phù hợp nhất để xem lại các tình huống gây tranh cãi, mà bản thân trọng tài không theo dõi kịp. Máy quay càng nhiều, càng rõ, thì càng tốt.

Check VAR mãi không ra

Công nghệ VAR lần đầu tiên ra đời tại World Cup 2018 tổ chức ở Nga. Theo thống kê, mỗi trận đấu, chi phí cho VAR khoảng 700.000 USD - tương đương hơn 16 tỉ đồng. 

Đây rõ ràng là con số khổng lồ, vượt xa khả năng của hầu hết các nền bóng đá. Cũng có thể hiểu rằng đây là sân chơi đẳng cấp World Cup, và nước Nga chưa bao giờ tiếc tiền cho việc đăng cai các sự kiện thể thao đình đám.

Tại World Cup 2018, công nghệ VAR bao gồm 33 camera đặt quanh sân. Và hiệu quả thể hiện ngay lập tức. Một thống kê của FIFA cho thấy nhờ có VAR, quyết định của các trọng tài có độ chính xác là 99,3%, cao hơn hẳn so với 95% trước đó.

Sau mùa hè trên đất Nga, VAR bắt đầu tỏa đến mọi ngõ ngách của làng bóng đá. Nhưng giữa các giải đấu tất nhiên có sự khác biệt đáng kể về đẳng cấp công nghệ, thể hiện rõ ràng qua chi phí vận hành. 

Nhiều giải đấu ở châu Á chỉ sử dụng hệ thống VAR Light, bao gồm từ 4 - 8 camera. Trong khi đó, nhiều nền bóng đá xây dựng một hệ thống VAR toàn diện, từ số lượng camera dày đặc trên sân cho đến phòng điều hành cao cấp, và chi phí không phải lúc nào cũng được tiết lộ.

Premiership của Scotland là một trong số ít những giải đấu công bố chi phí này, và cũng vào loại rẻ nhất thế giới - 1,44 triệu USD mỗi mùa (tương đương 35,4 tỉ đồng). Số tiền này sẽ do các CLB chi trả, và phân chia theo thứ hạng các đội bóng, đứng càng cao trả càng nhiều.

Trong khi đó, hầu hết các nền bóng đá lớn hơn đều tiêu tốn gần chục triệu USD cho VAR. Làng bóng đá Brazil từng tranh cãi dữ dội về việc lắp đặt VAR khi chi phí lên đến 6,2 triệu USD/mùa. 

Chia đều cho 20 đội bóng, mỗi CLB ở hạng đấu cao nhất Brazil phải chịu khoản chi phí hơn 300.000 USD (7,4 tỉ đồng), tương đương mức lương một cầu thủ hạng khá trong đội. Premier League không công bố chi phí dành cho VAR. Nhưng Championship - giải hạng nhất Anh - cho biết họ trả cho VAR 14,74 triệu USD (gần 35 tỉ đồng) mỗi mùa.

Gần gũi nhất hơn với Việt Nam là Giải vô địch Malaysia (MFL). Hồi tháng 9, Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) cho biết chi phí để lắp đặt, khởi động hệ thống VAR của giải sẽ lên đến 9,7 triệu ringgit, tương đương 50 tỉ đồng.

"Chi phí ban đầu cao do phải lắp đặt thiết bị, hệ thống. Đó là khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Sang năm thứ hai chúng tôi chỉ tốn chi phí vận hành nên chỉ vào khoảng 3,2 triệu ringgit (hơn 16 tỉ đồng). Tất nhiên chi phí sẽ lại cao hơn nếu chúng tôi lắp đặt thêm camera. Trong năm đầu tiên, MFL sử dụng hệ thống 6 camera mỗi sân, và chúng tôi có kế hoạch lắp đặt thêm nếu mọi chuyện suôn sẻ", giám đốc điều hành MLF Stuart Ramalingam thông báo với báo chí về kế hoạch sử dụng VAR của giải đấu.

Tất nhiên, tiền nào của nấy. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ thấy bỡ ngỡ nếu theo dõi chất lượng VAR từ Premier League sang V-League. Tại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, các siêu máy quay của VAR cho hình ảnh cận nhất, kể cả khi quả bóng bị bao vây tứ phía bởi dày đặc cầu thủ. Còn ở Việt Nam, người hâm mộ giờ đây phải tập làm quen với việc các trận đấu kéo dài hơn 10 phút vì những tình huống "check VAR mãi không ra".■

VAR cũng thua con người

Kể cả khi công nghệ VAR đem lại sự hỗ trợ cực lớn và chuẩn xác cho các trọng tài, nhiều giải đấu lớn như Premier League vẫn chưa giải quyết được vô số tranh cãi về công tác trọng tài. Gần đây nhất là trường hợp trong trận Liverpool - Tottenham, khi một pha phối hợp tệ hại giữa trọng tài chính, trọng tài biên và các trọng tài phòng VAR khiến Liverpool mất oan một bàn thắng.

Trận đấu này làm dậy lên làn sóng phẫn nộ với trọng tài Premier League, và chính trưởng ban trọng tài phải lên tiếng xin lỗi Liverpool, đồng thời giải thích vì sao VAR lại không can thiệp một tình huống nhạy cảm đến vậy. Kết quả là ban trọng tài Premier League phải cung cấp băng ghi âm cuộc hội thoại giữa các trọng tài để chứng minh sự trong sạch. Nguyên nhân sau cùng được phát hiện là... các trọng tài phòng VAR tưởng nhầm trọng tài chính đã công nhận bàn thắng. Khi họ phát hiện ra sự thật không phải vậy thì mọi chuyện đã muộn.

Tình huống này cho thấy rõ ràng khi VAR đã tiên tiến nhất, con người vẫn nắm vai trò điều khiển, và sai sót vẫn có thể xuất hiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận